Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

KỶ NIỆM ĐAU THƯƠNG


Hương tản bộ trên con đường đất nhỏ đi vào nghĩa trang. Trời chiều cuối đông, không nắng, vẫn  còn lành lạnh, cái lạnh đông còn sót lại,  một làn gió nhẹ nhàng bay bay tà áo dài trắng, trời buồn, lòng Hương cũng tê tái theo...
        Hôm nay đã là tuần lễ cuối của tháng Chạp, còn ít hôm nữa đến Tết rồi, lại sang một năm mới, lòng Hương buồn ảm đạm.
        Con đường đất nhỏ đi vào khu mộ sao mà vắng vẻ quá, một mình Hương đi hun hút vào mãi xa, mộ Mẹ Hương ở đó. Trên tay cầm bó nhang thơm gói trong tờ báo cũ, vừa đi Hương vừa nhớ, nhớ Mẹ khôn cùng, người Mẹ yêu dấu, một đời vì chồng vì con, nhớ những ngày xưa yêu dấu... muốn rơi nước mắt.
            -Mẹ ơi, con đến thăm Mẹ đây!
        Hương thắp nhang, mắt nhìn sâu thẳm vào căn mộ, miên man nhớ...
       Năm ấy, gia đình Hương sống êm ấm bên nhau, Hương là chị cả, em Giao kém chị chín mười tuổi, căn nhà nhỏ ở ngoại ô thị xã Pleiku đầy hương hoa hạnh phúc. Ba Hương, một họa sĩ sống đạm bạc với niềm đam mê nghệ thuật, một họa sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm đẹp được mọi người yêu mến, thưởng lãm, ông yêu thương vợ con và yêu quý tranh vô bờ, như lẽ sống không thể thiếu.
        Hương đi học xa, chỉ về nhà vào các dịp lễ Tết. Ba mẹ chăm sóc hai chị em Hương từng chi tiết nhỏ, về Sai Gon thăm con, ba mua từng hộp thuốc bổ, từng chai dầu gội tóc cho con gái. Mẹ lo cho chị em Hương không thiếu thứ gì, căn dặn đủ điều khi con gái cưng xa nhà.
        Mẹ Hương buôn bán nhỏ, một tiệm tạp phẩm ngay tại nhà, mẹ bảo bán ở nhà tiện lắm có thể quán xuyến việc nhà cùng với ba có thêm thu nhập nuôi nấng lo cho tương lai các con, chẳng dư giả bao nhiêu nhưng cũng đủ trang trải chi phí trong nhà và lo cho chị em Hương ăn học.
Những ngày tháng ấm êm hạnh phúc ấy, nhớ thương Ba Mẹ Hương chỉ biết cố gắng học tập, vui chơi với em trong tình yêu thương chan hòa, đùm bọc của gia đinh.
Nhà Hương ở mãi vùng núi cao, cao nguyên Pleiku, một vùng núi xa xôi như tên gọi " Phố Núi " trong bài hát của Phạm Duy [phổ thơ Vũ Hữu Định] - câu hát cứ vấn vương mãi trong Hương "...Phố Núi cao, Phố Núi đầy sương....Trời thấp thật buồn, đi dăm bước đã về chốn cũ,...còn một chút gì ...để nhớ ...để thương...."
        Mùa Xuân năm ấy, Hương về nhà, những ngày Xuân này theo Hương phải là những ngày vui vô tận, đi học xa nhà, được về nghỉ Tết, đón năm mới hạnh phúc, sung sướng biết bao!
        Ở Saigon, bù đầu với bài vở, thi cử Hương có bao giờ nghĩ rằng đất nước thân yêu đang trong cơn binh lửa, ba mẹ cũng chẳng nói gì với con gái, để con yên tâm học hành.
        Chiến tranh đã bắt đầu từ lâu rồi, ai cũng biết, chiến sự đang leo thang từng
ngày...
        Hương nghe mọi người xôn xao, bàn tán, thế mà Hương vẫn vô tư, yêu đời, chẳng mảy may suy nghĩ điều gì.
        Trên chiếc máy bay Air VN đưa Hương từ SaiGon về Pleiku, lòng Hương lo lắng bâng quơ, mình phải làm gì khi chiến tranh xẩy ra...tự nhiên Hương nói nhỏ như một lời cầu xin ở đâu vọng về ..." Chiến tranh ơi, đừng đến..."
        Khung cảnh thành phố Pleiku đổi khác nhiều, suốt chặng đường từ sân bay về nhà, khoảng mười cây số, Hương thấy nhà nào cũng có một hầm trú ẩn ở ngoài khuôn vi nhà, xếp hàng trăm bao cát chồng chất lên nhau, bốn bề, chỉ chừa lỗ hổng ra vào, vừa lọt người- Một nỗi lo lắng vô tình len lỏi vào tâm hồn cô sinh viên ngoan hiền, vô tư lự : Nỗi lo chiến sự bùng nổ và bao nhiêu hệ lụy của nó, lòng Hương bỗng chùng xuống...
        Về đến nhà, hôm nay, đã là hăm hai Tết, mẹ bảo với Hương:
        -Con đi chợ với mẹ,  mua các thứ cần dùng trong ngày Tết, và bán thêm, mua trước ít hôm, chứ cận ngày đắt lắm, mai đã đưa Ông Táo về trời rồi, tiết kiệm chút nào hay chút ấy con ạ.
        Mẹ mua đủ thứ nào là bánh, mứt các loại, hạt dưa, rượu ngọt, nếp, đậu, kẹo,... cả lạt buộc và lá dong để mai gói bánh chưng nữa. 
        Không khí Tết rộn ràng, vui quá!
        Chiều hôm ấy, Mẹ làm bữa cơm thật ngon lành chiêu đãi cả nhà, mừng con gái đi học xa mới về, thôi thì đủ món ngon mà ai cũng thích: Canh chua cá lóc, chả giò chiên ăn với bún và rau xà-lách cuộn, nhìn rau mơn mởn mới ngon làm sao! , có cả tôm sú lớn rim ngọt nữa...Lâu lắm rồi Hương mới có bữa cơm tuyệt vời đến thế bên những người thân thương.
        Hôm nay, cũng hăm hai tháng Chạp, đứng trước mộ của Mẹ, hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má ngây thơ...
        -Mẹ ơi, con thương nhớ Mẹ vô cùng, Mẹ ơi...
        Hương không thể nào quên được mùa Tết đau thương năm xưa, mùa Xuân ấy đã cướp mất của Hương và gia đình người Mẹ yêu quý, người Mẹ đã xa vắng không bao giờ tìm lại được, không có gì thay thế được.
         Tết năm ấy, Hương và gia đình đã trải qua một cơn bão lớn...
     Hương còn nhớ mãi, sau khi ăn cơm  xong ba Hương bảo :
        -Các con, chơi một lúc rồi chín giờ tối đi ngủ sớm nhé, kẻo ban đêm khu vực này hay bị pháo kích lắm, hầm nhà mình hơi xa, không kịp chạy ra thì nguy hiểm lắm.
        Đêm đến, tiết trời giá lạnh, mặc một áo len mỏng không đủ ấm, Pleiku chỉ lạnh thua ĐàLat một ít,  Hương nghĩ thế và vội mặc thêm áo, mới thấy ấm đôi chút,  hai chị em vui đùa thật vô tư, em Giao ngủ lúc nào không hay.
        Trong giấc ngủ, Hương mơ màng nghe tiếng gió rít từng cơn, gió thổi vù vù rờn rợn, cùng tiếng đạn réo lên, tiếng nổ ầm ì lớn nhỏ từ xa lắm vọng về.
        Mười một giờ đêm, cả nhà đang ngủ, yên lăng...Bỗng một tiếng nổ lớn, long trời, căn nhà rung chuyển, nền đất rung chuyển, kinh hoàng...Chị em Hương, ba Hương cùng như một lúc hét to, mặt cắt không còn chút máu, trắng bệch, sợ hãi quá, hai hàm răng đánh vào nhau lập cập không tài nào giữ lại được, bỗng Ba hét to :
        - Mẹ nó đâu ? Cả ba người cùng chạy vội xuống nhà dưới, Mẹ Hương đang nằm sóng soài trên nền xi măng dưới bếp         
- Trời ơi ! Trời ơi ! Mẹ sao vậy Ba ơi ! Hương gào to...
        Một phút im lặng hãi hùng ! Hai chị em Hương, rồi ba Hương  thét lên , la khóc, vật vã , Người Mẹ yêu quý đã ra đi mãi mãi,. mặc mọi người trong cơn  tuyệt vọng vô bờ ! Mẹ ngất đi vì tiếng nổ lớn, một quả pháo đã nổ cách nhà Hương không xa...Và, không còn hơi thở nào cứu được Mẹ !
        Mẹ đã vĩnh viễn ra đi, từ mùa xuân năm đó...
        Bao nhiêu năm qua, Hương vẫn không thể nào quên được cái cảm giác hãi hùng, tuyệt vọng ngày xưa !
        Cơn bão lớn đã cuốn Hương về một cuộc sống khác, mùa thu năm ấy, Hương phải nghỉ học, xa trường, xa các bạn thân yêu, ở nhà, bán hàng, cùng ba chăm sóc, nuôi nấng em Giao, đứa em bé bỏng, côi cút, đã nhiều đêm hết nước mắt vì nhớ thương Mẹ ! 
        Cô sinh viên ngây thơ, nhí nhảnh ngày nào nay đã già dặn hơn nhiều vì bổn phận mới chồng chất trên đôi vai bé bỏng...
.        -Hương nói khẽ trong dòng nước mắt vừa lăn dài trên má : " Con thương nhớ Mẹ và biết ơn Mẹ vô cùng, Mẹ ơi !
        Trên đường từ nghĩa trang về nhà, Hương tự nhủ với lòng mình, phải cố gắng lên, bản lĩnh hơn, vượt qua nỗi đau, đứng vững với đời, xây dựng tương lai - Còn Ba và em Giao yêu quý đấy thôi !
        Câu hát :" Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, Tình Mẹ tha thiết như đồng lúa chiều rì rào..."  cứ quấn quýt mãi trong tâm  tưởng Hương...Nàng lau vội hai hàng nước mắt, bước vội vã như chạy trốn nỗi đau từ bao giờ...
Phạm Thị Minh-Hưng.
**
Lời nhận xét của Độc giả:

Hoàn cảnh của cô Hương trong truyện đáng thương quá.  Cám ơn cô giáo PTMH đã chia sẻ với bạn bè bằng 1 truyện ngắn rất cảm động
PL
*
Chị MH viết truyện ngắn hay quá.
Truyện cảm động, bút pháp nhẹ nhàng như bài thơ.
Tác giả chú ý đến từ ngữ, chấm phẩy từng câu từng đoạn một, một điều rất đáng khen ngợi!

Cám ơn chị MH đã chia sẻ với mọi người nha!
(Câu chuyện thấy trung thực quá, làm tui thắc mắc không biết chuyện này có phản ảnh gì đến người thân hay bạn bè của tác giả không?)

Hà Bá
*
Cảm ơn chị MH cho đọc bài viết, buồn thật buồn!
 Đúng là trong "thời kỳ chinh chiến",  gia đình nào cũng có sự mất mát, nhưng chắc mất....người yêu đỡ ....buồn đau hơn mất Mẹ?
Hoài Niệm.

Không có nhận xét nào: