Hoa Lan_**ptmh--
Bài thơ
Màu tím hoa sim của Hữu Loan được vinh danh là “một trong những bài thơ
tình hay nhất thế kỷ XX” và lập những kỷ lục: Bài thơ được nhiều nhạc sĩ
phổ nhạc nhất (7 ca khúc) và Bài thơ được mua với giá cao nhất (100
triệu đồng, thời điểm năm 2004).
Nhà thơ Hữu Loan thời thiếu niên
(đầu thập niên 30 thế kỷ trước) thuộc dạng cực kỳ thông minh. Bố ông là
tá điền, nhà nghèo không có điều kiện cắp sách đến trường như các bạn
đồng trang lứa, Hữu Loan chỉ được cha dạy cho “chữ có, chữ không”… Vậy
mà cậu đỗ đầu kỳ thi cao đẳng tiểu học, rồi rời quê nhà (làng Vân Hoàn,
xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn) để lên tỉnh lỵ Thanh Hóa vừa đi dạy kèm, vừa
theo học trường Trung học Đào Duy Từ. Năm 1941, Hữu Loan ra Hà Nội thi
tú tài, thi chỉ để “chứng tỏ con nhà nghèo cũng có thể đỗ đạt”. Y như
rằng, trong hơn 700 thí sinh, nhưng số người đỗ chỉ “đếm trên đầu ngón
tay” ấy lại có tên… Nguyễn Hữu Loan.
Dạo ấy ở Thanh Hóa có cửa
hàng vải và sách báo của bà Tham Kỳ (bà này tên thật là Đái Thị Ngọc
Chất, vợ của ông Thanh tra Canh nông Đông Dương Lê Đỗ Kỳ, nên gọi tắt là
bà Tham Kỳ). Bà là người hiền lành, tốt bụng. Thấy “cậu tú Loan” là
người hay chữ có tiếng lại thường đến cửa hàng của mình đọc sách, nên đã
bàn cùng chồng mời “cậu tú” làm gia sư cho các con của mình, gồm: Lê Đỗ
Khôi, Lê Đỗ Nguyên (tức trung tướng Phạm Hồng Cư sau này), Lê Đỗ An và
cô con gái Lê Đỗ Thị Ninh…
Trong hồi ký, nhà thơ Hữu Loan viết:
“Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái - lúc đó 8
tuổi - mới chịu lỏn lẻn bước lên khoanh tay, miệng lí nhí: “Em chào
thầy ạ!”. Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi
mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí
tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em học, dạy viết… Em thật
thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y
như “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo…
những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi
treo ở góc nhà mang ra giếng giặt…”.
Có một buổi chiều, anh giáo
trẻ đưa cô học trò nhỏ lên chơi ở ngọn đồi gần nhà. “Leo đến đỉnh đồi,
em ngồi xuống và bảo tôi ngồi bên em. Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu,
chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời…
“Thầy có thích ăn sim không?”. Tôi nhìn xuống sườn đồi tím ngắt một màu
sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi
trên thảm cỏ… Khi tôi tỉnh dậy, em ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp
sim. Những quả sim đen láy, chín mọng… “Thầy ăn đi!”. Quả sim đối với
tôi chẳng lạ lẫm gì nhưng thú thật chưa bao giờ tôi ăn những quả sim
ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác. Tôi nhìn
em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má
thì… tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo.
Cuối
mùa đông năm ấy, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo
mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê,
nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó, nhỏ bé và mong manh. Em đưa bàn tay
nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi… Tôi
quay đầu nhìn lại… Em vẫn đứng yên đó… Tôi lại đi và nhìn lại đến khi
không còn nhìn thấy em nữa…
Chín năm sau, tôi trở lại nhà… Hôm
gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều nhưng em không nói gì, chỉ
bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng
bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp… Một tuần sau
đó, chúng tôi kết hôn, việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố
mẹ em ngấm ngầm soạn kịch bản. Tôi bàn chuyện may áo cưới thì em gạt đi,
bảo là “yêu nhau cốt là ở cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả!”. Tôi
cao ráo, học giỏi, làm thơ hay lại… đẹp trai nên em thường gọi đùa là
“anh chồng độc đáo”. Đám cưới được tổ chức tại ấp Thị Long, huyện Nông
Cống, tỉnh Thanh Hóa (nơi gia đình ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng) -
rất đơn sơ nhưng hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết!
Hai
tuần nghỉ phép của tôi trôi qua thật nhanh. Hôm tiễn tôi lên đường, em
vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có điều giờ em
không còn là cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi
bước đi rồi quay đầu nhìn lại… Nếu như chín năm trước, nhìn lại chỉ thấy
một nỗi buồn man mác thì lần này… đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống!
Ba
tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Hôm đó là ngày 25
tháng 5 âm lịch năm 1948. Em ra giặt quần áo ngoài sông Chuồn, vì muốn
chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi nên trượt chân chết đuối… Khi ấy,
chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi, hai mắt tôi đẫm
nước, tôi lấy bút ra… Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu, những chữ
mộc mạc cứ trào ra: “Nàng có ba người anh đi bộ đội/Những em nàng/Có em
chưa biết nói… Tóc nàng xanh xanh/ngắn chưa đầy búi/Em ơi giây phút
cuối/không được nghe nhau nói/không được trông nhau một lần/Ngày xưa
nàng yêu hoa sim tím/áo nàng màu tím hoa sim…”.
Về viếng mộ nàng,
tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương. Viết lại bài thơ vào
chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép
lại và chuyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Đó là bài thơ
Màu tím hoa sim…”.
Sau năm 1975, nhà thơ Hữu Loan có dịp vào Sài
Gòn. Một hôm đang đi trên phố ông bắt gặp một người đàn ông cụt chân ôm
cây guitar cũ kỹ hát xin tiền. Lời bài hát nghe quen quá: “Những đồi hoa
sim ơi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt. Vào chuyện ngày xưa
nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai. Mấy lúc xông pha ngoài trận
tuyến ai hẹn được ngày về. Rồi một chiều mưa bay, từ nơi chiến trường
Đông Bắc đó, lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi…”. Hỏi, mới biết
đó là bài Những đồi hoa sim mà lần đầu tiên Hữu Loan được nghe. Ông đề
nghị người hành khất hát lại một lần nữa, rồi vét sạch tiền trong túi bỏ
vào chiếc ca nhựa và nói: “Tôi là tác giả bài thơ được phổ nhạc”, rồi
bước đi với đôi mắt ngấn lệ…
Hà Đình Nguyên
Thúy
đã đi rồi, nhiều bạn đọc đã quan tâm đến nữ ca sĩ tài sắc một thời
Thanh Thúy và yêu cầu cho biết rõ hơn về nhân vật này. Xin cung cấp thêm
nhiều chi tiết thú vị…Thanh
Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1943 tại Huế trong một
gia đình có 5 người con. Do bà mẹ mắc bệnh nan y nên gia đình Thanh
Thúy phải rời đất Thần kinh đưa mẹ vào Sài Gòn chữa trị.
Gia đình
họ thuê một căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Cao Thắng. Để mưu sinh
và để kiếm thêm tiền phụ vào việc thuốc thang cho mẹ, Thanh Thúy đã đến
với nghiệp ca hát khi mới 16 tuổi. Thân gái dặm trường nơi đất khách
quê người, điều khiến cho Thanh Thúy “dám” tự tin xuất hiện dưới ánh đèn
sân khấu chính là giọng hát của mình vốn từng được nhiều lời khen ngợi.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Lần
đầu tiên tiếng hát Thanh Thúy đến với công chúng Sài Gòn là ở phòng trà
Việt Long của Đức Quỳnh vào cuối năm 1959. Với chất giọng trầm ấm, hơi
khàn và lối phát âm, nhả chữ rất riêng, giọng ca của Thanh Thúy mang nỗi
buồn man mác, nghẹn ngào nức nở. Dáng dấp mảnh mai và mái tóc dài buông
lơi trên đôi vai gầy trong tà áo dài màu trắng hoặc lam nhạt... tạo cho
nàng ca sĩ xứ Huế này một phong thái thật đặc biệt…
Những bản
nhạc Thanh Thúy thường hát là Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Tiếng xưa
(Dương Thiệu Tước), Kiếp nghèo (Lam Phương), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm
ngoài phố (Trúc Phương)…
Tháng 6.1960, thân mẫu của Thanh Thúy
qua đời, điều đó càng làm cho giọng hát của chị thêm não nùng để những
ai “lỡ nghe” đều có cảm xúc lâng lâng… Và, như đã nói ở bài trước, có cả
một thế hệ văn nghệ sĩ ở Sài Gòn đâm ra…mê mệt với Thanh Thúy, trong đó
có một chàng thư sinh mới tò te bước vào làng nhạc, nhưng sau này rất
nổi tiếng: Trịnh Công Sơn!
Trong tác phẩm Về một quãng đời Trịnh
Công Sơn (của Nguyễn Thanh Ty), nhạc sĩ tâm sự: “Năm đó tôi 17 tuổi, trọ
học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng lò dò đến các phòng trà để nghe Thanh
Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào
không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn bởi tôi mặc cảm nghèo
và vô danh, trong khi Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa
tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và
tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm
đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước phải làm một cái gì đó để
tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát vọng đó
đã giúp tôi viết nên bản nhạc Ướt mi đầu tiên trong đời...”.
Đó
là lần ngồi ở nhà hàng Mỹ Cảnh, chàng trai trẻ Trịnh Công Sơn đã viết
vào một mảnh giấy nhỏ, đề nghị ca sĩ Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của
Đặng Thế Phong. Điều chàng bất ngờ là Thanh Thúy đã hát bài này với một
cảm xúc thật mãnh liệt, khi hát “...vài con chim non chiêm chiếp kêu
trên cành, như nhủ trời xanh: Gió ngừng đi, mưa buồn chi, cho cõi lòng
lâm ly... Ai nức nở thương đời châu buông mau, dương thế bao la sầu...” -
nhớ đến người mẹ bị lao phổi nặng, đang mỏi mòn chờ con trong căn nhà
nhỏ ở con hẻm sâu - nàng đã bật khóc. Những giọt nước mắt đọng trên vành
mi của người ca sĩ tuổi mới tròn trăng đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn
nỗi xúc cảm tràn ngập để chàng viết thành ca khúc Ướt mi.
“Khi
hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình
chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa
tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm
một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng
lên đưa luôn. Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào
khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi
quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời
lí nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu
trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được... Mãi đến hai tuần sau, khi
tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục
diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng
để nàng nói vài lời: “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác
phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt
mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của
tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban
nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát:
“Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi
rồi. Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca... Buồn ơi trong
đêm thâu, ôm ấp giùm ta nhé: người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân
thế…Trời sao chưa thôi mưa, ôi mắt người em ấy. Từ đây thôi mờ, nước
mắt buồn mi em thơ ngây...”. Tôi run lên trong lòng vì sung sướng và xúc
động…Khi dứt tiếng hát, nàng dừng lại khá lâu, có ý chờ người tặng
nhạc. Tôi thu hết can đảm, bước lên và nói: “Xin cám ơn Thanh Thúy đã
hát bài nhạc của tôi”. Nàng “A” lên một tiếng ra vẻ bất ngờ rồi nói
tiếp: “Thúy rất cám ơn anh đã tặng cho bản nhạc. Thúy muốn nói chuyện
riêng với anh được không ?”. Tôi luống cuống gật đầu…Tôi cùng nàng đón
taxi về nhà nàng. Nhà nàng ở sâu trong một ngõ hẻm...
Cũng chính
từ ngõ hẻm nhà nàng mà Trịnh Công Sơn làm tiếp bài Thương một người:
“Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi... Thương nụ cười và mái
tóc buông lơi. Mùa thu úa trên môi, từng đêm qua ngõ tối, bàn chân âm
thầm nói. Lặng nghe gió đêm nay, ngại buốt quá đôi vai. Bờ vai như giấy
mới, sợ nghiêng hết tình tôi…”. Đó là hai bản nhạc trong “thuở vào đời”
của Trịnh Công Sơn và những kỷ niệm thật đẹp với nữ ca sĩ Thanh Thúy.
Hà Đình Nguyên
Trong lịch sử âm nhạc
Việt Nam, Đặng Thế Phong là một trường hợp đặc biệt. Ông là một trong
rất ít nhạc sĩ tiên phong của thời kỳ tân nhạc còn phôi thai, chết rất
trẻ nhưng kịp để lại cho đời 3 ca khúc bất hủ.
Người viết có may
mắn được gặp gỡ hai người biết khá rõ về cuộc đời Đặng Thế Phong. Đó là
nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa (hiện sống tại
TP.HCM) và nhà văn Phạm Cao Củng (gặp cách đây khoảng 10 năm, khi ông từ
Mỹ về thăm quê hương, qua sự giới thiệu của họa sĩ Mạc Chánh Hòa). Theo
nhà văn Phạm Cao Củng thì Đặng Thế Phong là một chàng trai rất đẹp, đàn
hay hát giỏi, thích hóa trang thành thiếu nữ trong những vở kịch ngắn.
Anh diễn rất đạt nên ai cũng yêu thích, nhất là phái nữ.
Nhạc sĩ
Lê Hoàng Long thì khẳng định người yêu của Đặng Thế Phong tên Tuyết.
Tuyết không đẹp nhưng có duyên. Cô là con gái một chủ tiệm buôn bán “gối
màn chăn drap” ở chợ Sắt (Nam Định). Vốn tính nhút nhát, Đặng Thế Phong
nghĩ mãi cũng không biết làm cách nào để “tiếp cận” người đẹp. Cuối
cùng, anh vờ làm khách hàng vô hỏi giá rồi... nhét vội vào tay nàng một
lá thư. Chẳng biết nội dung bức thư đầu tiên này mùi mẫn như thế nào mà
sau đó cô Tuyết đã cự tuyệt một anh thông phán trẻ làm việc ở Tòa Đốc lý
Nam Định, khi anh này dạm hỏi.
Thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng
Trước
khi quen và yêu Tuyết, Đặng Thế Phong đã sáng tác ca khúc đầu tay Đêm
thu trong một đêm cắm trại của Hướng đạo sinh (1940). Ca từ của bản nhạc
rất trong trẻo, lạc quan... Còn bản Con thuyền không bến thì được sáng
tác ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) khi tình yêu giữa nhạc sĩ và cô Tuyết
đang độ chín mùi.
Một hôm, ông cùng một nhóm bạn văn nghệ sĩ lên
Bắc Giang chơi, nhân đó họ tổ chức một đêm đi thuyền trên sông Thương.
Cùng lúc đó, chàng nhận được tin Tuyết ngã bệnh nơi quê nhà. Lòng dạ bồn
chồn, xót xa, Đặng Thế Phong ôm đàn bước vào khoang thuyền, bỏ mặc các
bạn đang đùa vui. Khi đêm sắp tàn thì bản nhạc hoàn tất với những lời ai
oán não nùng gửi về... chân mây: “Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm
nay sương lam mờ chân mây... như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”, rồi
“... Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng. Biết bao buồn thương,
thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng...”.
Sớm hôm sau, Đặng Thế Phong
tức tốc trở về Hà Nội, người đầu tiên được nghe chính tác giả hát ca
khúc này là người yêu của ông. Cô Tuyết hết sức cảm động. Chưa hết, chỉ
ít lâu sau, Con thuyền không bến ra mắt khán giả thủ đô tại Nhà hát Lớn
Hà Nội qua tiếng hát của nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển. Từ Nam Định, cô Tuyết đã
bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội, ngồi cạnh Đặng Thế Phong, ngay ở hàng
ghế đầu để nghe bài hát “người ấy làm riêng cho mình”. Hạnh phúc còn
nhân đôi bởi chỉ khoảng một tuần sau, tại rạp Olympia (phố Hàng Da, Hà
Nội), cô Tuyết còn được chứng kiến người mình yêu tự đệm đàn, tự hát ca
khúc này mà ánh mắt luôn trìu mến hướng về chỗ cô ngồi, trong tiếng hoan
hô nhiệt liệt của khán giả.
Trời thu gieo buồn lây
Sau
khi từ Bắc Giang về, Đặng Thế Phong đã nhuốm bệnh. Thời đó, bệnh lao là
một bệnh nan y và luôn bị những người chung quanh xa lánh.
Bệnh
tình ngày càng trầm trọng, ở tỉnh không đủ điều kiện chữa trị, Đặng Thế
Phong phải chuyển lên Hà Nội, sống chung với ông chú họ Nguyễn Trường
Thọ trong một căn gác ở làng hoa Ngọc Hà (ngoại ô Hà Nội). Tuy vậy, tình
trạng vẫn không khá hơn chút nào. Gia cảnh nghèo nàn, tiền bạc phải vay
mượn để chữa trị, cuộc sống kham khổ làm cho tình cảnh của nhạc sĩ càng
thêm nghiệt ngã... Cô Tuyết vì phải phụ giúp gia đình chuyện buôn bán ở
thành Nam nên vài hôm mới lên Hà Nội chăm sóc người yêu rồi lại tất tả
quay về.
Tháng 7 mưa ngâu. Cảnh buồn tê tái. Đặng Thế Phong nhớ
Tuyết quay quắt... Nhạc hứng tuôn trào, chàng gượng ngồi dậy, ôm đàn và
viết nên khúc nhạc buồn da diết: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót
rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ
trong hơi thu, ai khóc ai than hờ... Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây.
Lộng vắng bốn bề không liếp che gió về. Ai nức nở quên đời châu buông
mau, dương thế bao la sầu...”. Bản nhạc được chàng đặt tên là Vạn cổ
sầu. Bạn bè góp ý nhạc thì hay nhưng cái tựa bi thảm quá. Cuối cùng, tên
bản nhạc được đổi thành Giọt mưa thu.
Cuối năm 1941, biết mình
khó qua khỏi, Đặng Thế Phong nhờ ông Thọ đưa về Nam Định. Từ đấy cho đến
lúc Đặng Thế Phong lìa đời, cô Tuyết lúc nào cũng túc trực bên giường
bệnh để chăm sóc ông, khiến những người quen biết đều xót xa thương cảm
cho một mối tình vô vọng lẫn nể phục tính cách cao thượng chung thủy của
Tuyết.
Tang lễ của chàng nhạc sĩ 24 tuổi ấy được rất nhiều thanh
niên nam nữ của thành Nam tham dự. Ngoài việc đưa tiễn một người con
tài hoa nổi tiếng của quê hương, họ còn muốn chia sẻ và tỏ lòng trân
trọng đến với cô thiếu nữ mặc áo đại tang đi sau linh cữu của chàng
(việc này được phép của cả hai gia đình).Đặng
Thế Phong sinh năm 1918 tại TP.Nam Định. Cha là Đặng Hiển Thế - thông
phán Sở Trước bạ Nam Định. Thân phụ Đặng Thế Phong mất sớm, hoàn cảnh
gia đình quá túng thiếu, Đặng Thế Phong phải bỏ dở việc học (đang học
năm thứ hai bậc thành chung - tương đương lớp 7 bây giờ) để lên Hà Nội
tìm kế sinh nhai.
Với chất nghệ sĩ thiên phú và tư chất cực kỳ
thông minh, Đặng Thế Phong đã “len” vào được Trường cao đẳng Mỹ thuật
Đông Dương (học dự thính). Ở Hà Nội, Đặng Thế Phong vừa học vẽ vừa thực
hành để nuôi thân. Ông chuyên vẽ minh họa cho tờ báo Học sinh do nhà văn
chuyên viết truyện trinh thám Phạm Cao Củng làm chủ nhiệm.
Hà Đình Nguyên
Nhạc
sĩ Dương Thiệu Tước được ghi nhận là một trong những người đặt nền móng
cho nền tân nhạc Việt, còn người bạn đời của ông - ca sĩ Minh Trang -
cũng được cho là một trong những ca sĩ tiên phong của làng ca nhạc Việt.
Tiếng hát “lá ngọc cành vàng”Trước khi gặp nhau, Dương Thiệu Tước và Minh Trang đều xuất thân từ những gia đình “danh gia vọng tộc”.
Dương
Thiệu Tước sinh năm 1915 tại làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng
Hòa, tỉnh Hà Đông. Ông là cháu nội của cụ nghè Dương Khuê. Ở giai đoạn
phôi thai của nền tân nhạc Việt, trong khi nhiều người mượn những bài
hát phương Tây rồi đặt lời Việt cho dễ hát thì ông lại cả gan viết “lời
Tây theo điệu ta”.
Dương Thiệu Tước đánh đàn guitar hawaienne rất
giỏi, ông còn là chủ nhân của một cửa tiệm bán đàn ở phố Hàng Gai, Hà
Nội và có mở cả lớp dạy đàn. Trong sinh hoạt hằng tuần với các bạn nhạc
sĩ tài tử của mình, ông đã sáng tác mấy bài mang những đầu đề bằng tiếng
Pháp, như Joie d'aimer (Thú yêu đương), Souvenance (Hồi niệm), Ton Doux
Sourire (Nụ cười êm ái của em)... Lời ca của những bài này do Thẩm Bích
(anh ruột của Thẩm Oánh) soạn bằng Pháp ngữ. Ông từng tuyên bố: "Nếu đã
có nhà văn Việt Nam viết văn bằng tiếng Pháp, thì nhà soạn nhạc Việt
Nam cũng có thể viết được những bản nhạc có âm điệu Tây phương'' (Báo
Việt Nhạc số 5, ngày 16.10.1948)...
Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Trâm
(tên thật của Minh Trang) là con gái của quan Tổng đốc Bình Định Nguyễn
Hy (sau này ông còn làm Tổng đốc Thanh Hóa, rồi Thượng thư Bộ Hình).
Ngọc Trâm còn là cháu ngoại của công chúa Mỹ Luông (còn gọi là Bà Chúa
Nhất) - em ruột vua Thành Thái... Ngọc Trâm chào đời năm 1921 trong một
nhà hộ sinh nằm ngay trên Bến Ngự (Huế). Như một định mệnh, 25 năm sau,
một bài hát bất hủ mang tên Đêm tàn Bến Ngự của một nhạc sĩ tài hoa ra
đời mà tên tuổi của ông sẽ gắn liền với cuộc đời của cô bé Ngọc Trâm sau
này.
Thời thiếu nữ, ngoài sắc đẹp trời cho, Ngọc Trâm còn sở hữu
một giọng hát thiên phú. Những năm học tiểu học ở trường dòng Jeanne
d’Arc, rồi trung học ở Lycée Khải Định (Huế) thập niên 1930, tiếng hát
của cô làm cho biết bao thầy cô, bạn bè cùng trường ngây ngất. Dĩ nhiên,
đó là những bài hát Pháp, bởi lúc đó chưa có bài hát nào mà bây giờ
chúng ta gọi là “nhạc tiền chiến”… Năm 1942, sau khi tốt nghiệp tú tài
toàn phần (nên nhớ vào lúc đó rất hiếm phụ nữ đỗ đạt như thế), Ngọc Trâm
kết hôn với một giáo sư nổi tiếng của đất thần kinh: giáo sư Ưng Quả
(cháu nội của Tuy Lý vương Miên Trinh)… Nhưng chỉ mấy năm hương lửa mặn
nồng, giáo sư Ưng Quả qua đời trong giai đoạn chuyển mình của đất nước,
chế độ phong kiến cáo chung. Lúc này, giai cấp quan lại, thượng lưu
không còn được ưu đãi, cuộc sống của họ trở nên khó khăn… Năm 1948, Ngọc
Trâm đưa 2 người con vào Sài Gòn dự thi và trúng tuyển vai trò xướng
ngôn viên cho Đài phát thanh Pháp Á. Công việc của cô là dịch những bản
tin từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và đọc những bản tin đó trên làn sóng.
Trong những lần dịch tin, Ngọc Trâm thường nghêu ngao những bài hát
Việt mới thịnh hành gần đây như Giọt mưa thu, Con thuyền không bến (Đặng
Thế Phong, sáng tác năm 1939), Tiếng xưa (1940), Đêm tàn Bến Ngự (1946)
của Dương Thiệu Tước... Hát chơi vớ vẩn thế thôi, vậy mà tiếng hát ấy
đã làm cả đài phát thanh ngẩn ngơ. Một hôm, ông Hoàng Cao Tăng - chủ sự
Phòng Văn nghệ chợt đề nghị Ngọc Trâm thử hát trên sóng phát thanh một
bài. Sau những đắn đo và cả những lời động viên, khuyến khích, tiếng hát
của… nữ ca sĩ Minh Trang lần đầu tiên gửi đến quý thính giả Đài Pháp Á
qua ca khúc Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Minh Trang hát hay đến nỗi
đài phát thanh quyết định trả “cát sê” ngay, không kể tiền lương...
Cũng
cần nói thêm, do ngại ngùng nên Ngọc Trâm không dám hát với tên thật mà
ghép tên của hai người con (Bửu Minh và Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang)
thành nghệ danh (Đoan Trang sau này trở thành nữ ca sĩ Quỳnh Giao ở hải
ngoại).
Từ đó, tiếng hát của nữ ca sĩ Minh Trang theo sóng phát
thanh của Đài Pháp Á lan tỏa khắp nơi. Năm 1949, chính Thủ hiến Bắc kỳ
Nguyễn Hữu Trí gửi công văn mời đích danh ca sĩ Minh Trang tham dự Hội
chợ đấu xảo tại Hà Nội. Đây là dịp để các nhạc sĩ hào hoa xứ Bắc kéo
nhau đến chiêm ngưỡng nhan sắc của “giọng hát vàng phương Nam”. Và định
mệnh đã xuống tay khi trong số những tài tử ấy có mặt Dương Thiệu Tước.
Tuy đã có hai mặt con nhưng Minh Trang lúc ấy vẫn giữ được một vẻ đẹp
quý phái “chim sa, cá lặn”.
Duyên nợ ba sinh
Đúng
60 năm sau (2009), ở tuổi chín mươi, bà Minh Trang kể lại với nhà thơ
Du Tử Lê rằng: “Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn…
lăng xăng, líu lo, rối rít, ông ấy (Dương Thiệu Tước) im lặng từ đầu đến
cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này
khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của
ông ấy nên tôi cũng rất ao ước được gặp mặt con người tài hoa này”. Thế
rồi “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”...
Khi Minh Trang trở
lại Sài Gòn, chỉ ít ngày sau nàng nhận được thư tỏ tình của tác giả
Tiếng xưa. Có lẽ vẻ lạnh lùng, ít nói của ông khi cùng các bạn vây quanh
Minh Trang là do ông tự mặc cảm mình đã có vợ (19 tuổi, ông lập gia
đình với bà Lương Thị Thuần, cũng xuất thân từ một dòng họ khoa bảng.
Thời đó việc kết hôn thường được các cụ dàn xếp theo truyền thống “môn
đăng hộ đối”. Ông bà đã có 3 con gái và 2 con trai). Thế nhưng khi Minh
Trang như cánh chim vút bay xa thì ông không thể dối lòng được nữa, ông
thật sự bị “hớp hồn” bởi vẻ đẹp và giọng hát của nàng. Những cánh thư
liên tiếp qua lại giữa hai miền. Những ca khúc ông sáng tác trong giai
đoạn này do Nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) xuất bản, ông không còn đứng tên
đơn lẻ nữa, mà ghi “Nhạc và lời: Dương Thiệu Tước - Minh Trang”. Đó là
những ca khúc bất hủ, tiêu biểu như Bóng chiều xưa, Buồn xa vắng, Khúc
nhạc dưới trăng, Ôi quê xưa, Vui xuân...
Nữ ca sĩ Minh Trang cũng
kể lại rằng, trước khi nhận lời cầu hôn của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước,
chính bà đã bay ra Hà Nội để gặp người vợ trước của ông này và thông báo
quyết định của hai người. “Có thể không có một người phụ nữ thứ hai,
nhất là ở thời đó, hành xử như tôi. Nhưng đó là tôi, cách của tôi: tự
tin và tự trọng!” - bà nói.
Khi hai người chính thức chung sống ở
Sài Gòn, ông làm tặng vợ mình ca khúc Ngọc Lan. “Ngọc Lan” là do tên
Ngọc Trâm của bà. Nếu ai có bản gốc của Nhà xuất bản Tinh Hoa (1953) sẽ
thấy tất cả những chữ Ngọc Lan trong bài hát đều được viết hoa, để phân
biệt đây là tên người chứ không phải là tên loài hoa: “Ngọc Lan, dòng
suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng. Ngọc Lan, nhành liễu nghiêng
nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song... Ngọc Lan, giọng ướp
men thơ, mát êm làn lụa bông là. Ngọc Lan, trầm ngát thu hương, bờ xanh
bóng dương phút giây chìm sương... (Ngọc Lan).
Sau
25 năm chung sống, đôi tài tử giai nhân có thêm 5 người con (1 trai, 4
gái). Cùng với Bửu Minh và Đoan Trang, tất cả đều được “bố Tước” đào tạo
bài bản ở Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Sau năm 1975,
bà Minh Trang và các con sang định cư ở Mỹ. Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước ở
lại và qua đời vào ngày 1.8.1995 tại TP.HCM, thọ 80 tuổi. Bà Minh Trang
mất ngày 17.8.2010 tại California (Mỹ), thọ 90 tuổi.
Hà Đình Nguyên
**