Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

4 H - Thơ Hư Vô Phổ Nhạc - Phơi Áo Tình Nhân Ngày Giáp Tết &...



Với chủ đề

Phơi Áo Tình Nhân Ngày Giáp Tết, Thơ Hư Vô

11910796011.jpg

*

Phơi Áo Tình Nhân Ngày Giáp Tết

Áo tình nhân em phơi vào Tết
Trên chồi mai nhọn đóa xuân thì
Em phơi cái bóng tôi trong mắt
Vạt áo buồn ai bay ướt mi.

Ngày tôi đi em còn kẹp tóc
Đứng nép bên song để đợi chờ
Tôi về không kịp như hò hẹn
Xác pháo đường hoa đỏ dốc mơ.

Em còn đứng bên bờ tơ lụa
Áo chưa khô giọt lệ lăn trầm
Để em mặc khoe cùng nhan sắc
Chút kiêu kỳ tặng phẩm tình nhân.

Thì như tôi vẫn còn đâu đó
Ở loanh quanh một chỗ thật gần
Tìm trong hương cũ em sẽ thấy
Mùa xuân đang chạm tới da trần…

Hư Vô

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Áo Mộng Ngày Xuân_PTMinh-Hưng - Màu Áo Tết_Hư Vô - Màu Áo Xuân_TV

 


Áo Mộng Ngày Xuân

Tết sắp về rồi sắm áo hoa 
Màu xanh đỏ tím đính kim sa
Hay vàng óng ả tô nhan sắc
Lụa mỏng hoa cà dáng thướt tha...

Tím nhạt Sầu đông hoa cánh nhỏ
Hoàng lan rực rỡ buổi chiều xưa
Hay màu phượng đỏ sân trường cũ
Tím cánh hoa sim mộng hững hờ?

Hãy chọn anh ơi, lụa áo xanh
Xanh màu lộc biếc lá tươi cành
Ngàn hoa nở rộ bừng hương sắc,
Nhuộm thắm hồn thơ...Giấc mộng lành

Diện áo vàng mơ hoa Tiểu Cúc 
Hay hồng lụa nõn cánh Đào phai
Làm duyên thục nữ mừng Xuân mới
Yểu điệu hường nhan mộng ngất ngây...

Phạm Thị Minh-Hưng 

Xin mời bước vào Tết với Người Tình Hư Vô

==>Màu Áo Tết, Thơ Hư Vô

muaxuan

Tết nay em mặc áo gì
Vàng mai đỏ cúc xanh thì trắng da
Em biết tôi thích lụa là
Sao không chọn áo hoa cà tím than?
Trời cho em nét hường nhan
Thì thôi mặc áo hoàng lan, cũng là
Nghiêng nghiêng cái dáng nõn nà
Thênh thang góc nắng chiều pha môi hồng.
Bóng người biếc cả dòng sông
Tôi còn thất thểu lòng vòng phía sau
Xuân em áo gấm tơ đào
Bước chân trắng lối hoa cau rụng đầy.
Nhung mềm nhiễu mượt như mây
Níu áo em lại cho dài mùa xuân
Tay tôi chậm chạp lừng khừng
Áo em sứt chỉ giữa chừng nút khuy..
Hư Vô
*
image


HOA XUÂN - SaiGon đón Noel & Năm mới 2014

image
Nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố được trang hoàng rực rỡ với những bông hoa mai, hoa đào.
Tại trung tâm TP, một số tuyến đường ở Q.1 như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Đồng Khởi được trang trí nhiều màu sắc và kiểu dáng đẹp mặt để chào đón năm mới.
Đường Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng... với màu sắc của hoa mai
Đường Nguyễn Huệ được thiết kế cầu kỳ với vòm búp sen lớn cùng lá và bông sen đặc trưng

Những tuyến đường này được trang trí kéo dài qua Tết Giáp Ngọ.
Từ chập tối, đèn nháy được bật sáng, đường Lê Lợi trở nên lung linh.
Đường Lê Lợi rực rỡ ánh sáng nhấp nháy

Đường Nguyễn Huệ được thiết kế cầu kỳ với hình lá và búp sen.
Một quả địa cầu lớn trên đường Nguyễn Huệ được trang trí rất nhiều bóng đèn nhấp nháy, cùng một số đồng hồ chỉ mủi giờ trên thế giới.
Bông sen nở, phía trong hình chữ Xuân thu hút nhiều người chụp hình lưu niệm.
Một bông sen khổng lồ giữa đài phun nước trên giao lộ Lê Lợi-Nguyễn Huệ.
Đường Tôn Đức Thắng với 2 cánh chim hai bên.

Một dãy cây treo nhiều bóng nhấp nháy trước UBND TP.
Một trung tâm thương mại trên đường Nguyễn Huệ được bao phủ bởi vô số bóng đèn màu tím.
Đường Lê Duẩn với rất nhiều cánh chim bồ câu.
Cận cảnh một tháp trang trí trên đường Lê Duẩn.

Phóng to
Đường Phạm Ngọc Thạch.

LQ

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

GIẤC MƠ NỒNG NÀN_Thơ Cảm Tác bài Đêm Mơ Thánh Nữ _Hư Vô - Giấc Mơ Huyền Ảo_Trầm Vân


Nhatho75x95bb

Đêm Mơ Thánh Nữ


Dìu em ngang góc giáo đường
Tôi như ngả xuống mùi hương dại khờ
Chuông nhà thờ đổ bơ vơ
Rung cây thánh giá nghiêng bờ tháp cao.

Dìu em qua dốc tơ đào
Đêm mang cái bóng trải vào bể dâu
Muốn ôm . Ngại áo em nhầu
Muốn hôn . Lại sợ em đau môi gần 


Hàng me xõa tóc phân vân
Mơ đêm thánh nữ chân trần kiêu sa
Tay em lạnh buốt lụa là
Lùa tôi ngang điệu thánh ca lạc vần.


Bàn tay mấy ngón tình nhân 
Ngón nào đeo nhẫn đợi lần hứa hôn?
Nhẫn tôi liễu óng tơ tròn
Kề em nhan sắc còn thơm da người.


Giữ nhau ngọc biếc hương đời
Mở trang cựu ước về soi hình hài
Đá vàng đâu dễ tàn phai
Trăm năm chỉ một đêm này, thôi em…

Hư Vô

Người Tình Hư Vô

** 
Mùa Đông Minnesota


GIẤC MƠ NỒNG NÀN
Hôm qua giấc mộng lạ thường
Trở về thuở ấy nồng hương dại khờ
Người mơ có gặp bao giờ
Mà sao bay bổng lạc bờ trăng sao

Mộng say tựa chén rượu đào
Ai cho hiu hắt trải vào mùa ngâu
Cầu Ô Thước nỗi dãi dầu
Ngưu Lang - Chức Nữ nỗi đau hồng trần

Hàng me rũ bóng Duy Tân
Áo ai thấp thoáng trắng ngần kiêu sa
Đêm đông buốt giá lụa là
Cầm tay, tình đã cách xa vạn lần...

Bàn tay những ngón phân vân
Nỗi đau như đã thoáng gần môi hôn
Đâu rồi! Giấc mộng vuông tròn
Tỉnh ra một thoáng nồng nàn - Tình vơi!

Thì thôi!...Mộng vỡ tan rồi,
Giật mình nuối tiếc, bóng soi hình hài 

Câu thơ dệt giữa tàn phai
Trăm năm một giấc mơ này, còn nhau!...

Phạm thị Minh-Hưng.
*





Giấc Mơ Huyền Ảo
Đêm qua mơ giấc nồng nàn
Bàn tay dan díu tay ngoan lạ kỳ
Đồi xanh bầu ngực xuân thì
Mùa xuân chớp nhẹ bờ mi cong dài

Trăng vàng rải lối thiên thai
Khoắt khuya con gió liêu trai vỡ tình
Cơn say mê đắm rùng mình
Đôi tim lửa cháy đốt hình bóng nhau

Giấc mơ lạc nẻo trăng sao
Má hồng rực lửa môi đào rực trăng
Em từ tiền kiếp ghé thăm
Tôi từ trăm nẻo phong trần tay ôm

Vỡ òa phong nhụy môi hôn
Cơn mê chẳng biết vuông tròn thế gian
Đời chia bao nỗi ly tan
Giấc mơ chừng đến gắn hàn vết thương

Rồi mơ đứt đoạn nửa đường
Em đi bỏ lại mùi hương lạ lùng
Mùi hương của đóa thủy chung
Hay mùi hương lệ chập chùng chia ly

Trái tim vọng động tình si
Em về giây lát bỏ đi sao đành
Chia đôi vạt áo mỏng manh
Tìm ai cõi thực dỗ dành cõi hư

Những mong tìm lại cơn mơ
Tình tôi mê đắm ở tù tim em
 Trầm Vân


Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Bài Thánh Ca Buồn_Nguyễn Vũ

Trong tất cả những bài hát Giáng Sinh, có 1 bài rất hay, rất đặc biệt, bất hủ với thời gian . Đó là bài Bài Thánh Ca Buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ . Giai điệu mượt mà, sâu lắng, lời sâu xa sâu sắc, nói lên tâm sự của con người , ai nghe cũng xúc động, cũng rung cảm sâu xa. Giáng Sinh là lễ chung của nhân loại, của tất cả mọi người Việt Nam . Và bài hát sầu nhưng không bi lụy này sống mãi với thời gian vì ý nghĩa nhân sinh, và tình yêu tha thiết . Trách nhẹ nhàng, giận nhẹ nhàng, thất vọng nhẹ nhàng, đau đớn nhẹ nhàng của những tình yêu mong manh dễ vỡ . Ai trong chúng ta cũng ít nhất 1 đôi lần thất bại trong tình yêu, mấy người yêu thương nhau trọn vẹn . Cho nên tình ca nói vì sự mất mát chia lìa không ít nhưng Bài Thánh Ca Buồn nói lên 1 cung bậc khác, 1 khía cạnh khác, rất độc đáo .
và trước tiên chúng ta hãy cùng nghe nhạc sĩ Nguyễn Vũ đánh ghi ta và hát bài hát do chính nhạc sĩ sáng tác.
Và khi nghe chúng ta thấy mỗi ca sĩ trình bày 1 cách khác nhau và đều diễn tả trọn vẹn tài tình bài hát .
Khi nghe Elvis Phương hát chúng ta thấy hình ảnh Giáng Sinh và sự chia tay tình yêu rất day dứt, giọng của Elvis Phương cao.
Hay khi nghe Nguyên Khang hát chúng ta lại cảm niệm 1 ý nghĩ khác: tình yêu bất diệt, giọng Nguyên Khang ấm. 
Và khi nghe Trần Thái Hòa hát thì chúng ta ngây ngất và xúc động vô bờ, giọng hát Trần Thái Hòa đặc biệt, ấm, trầm và khỏe và diễn tả 1 cách xuất sắc bài hát này. 
Và có nhiều người thích hát và mê mẩn bài hát tuyệt vời này.
***
Bài thánh ca buồn là một ca khúc về giáng sinh nổi tiếng ở Việt Nam, do nhạc sĩ Nguyễn Vũ sáng tác. "Bài thánh ca buồn" được nhạc sĩ này viết trong hai giờ đồng hồ, vào tháng 10 năm 1972, vừa ra mắt thì lập tức nó đã được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền, và ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên thể hiện.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng ông lại sinh trưởng ở Đà Lạt. Ông kể lại hoàn cảnh sáng tác "Bài thánh ca buồn" như sau:
'Bài thánh ca buồn' - dư âm một cuộc tình
"Bài Thánh ca buồn" được viết trong hai giờ đồng hồ, vào tháng 10/1972 và ngay lập tức được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền, ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên thể hiện... Nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã gửi trong đó những nỗi niềm hoài nhớ về một hình bóng người thiếu nữ xa xôi.
Bài Thánh ca đó còn nhớ không em, Noel năm nào chúng mình có nhau, long lanh sao trời đẹp thêm môi, mắt. Áo trắng em bay tựa cánh thiên thần... Giai điệu ngân vang đó đã khơi gợi biết bao điều. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời niên thiếu ông sống ở Đà Lạt. Chú ruột dạy vĩ cầm, bạn của bố ông cũng là nhạc sĩ, vì thế từ nhỏ Nguyễn Vũ đã hát cho Ban thiếu nhi Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi, cậu bé Khanh nhận được giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài là một cây đàn mandolin - như là một định mệnh - cậu bé đã gắn bó với âm nhạc suốt gần nửa thế kỷ và trở thành nhạc sĩ Nguyễn Vũ sau này.
Năm 23 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Vũ đã có tác phẩm đầu tay tạo được tiếng vang: ca khúc Huyền thoại chiều mưa rồi lần lượt là Lời cuối cho em, Bài Thánh ca buồn, Nhìn nhau lần cuối, Lời cuối cho người tình... thế nhưng người ta chỉ ấn tượng với mỗi ca khúc Bài Thánh ca buồn.
Nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại: “Thuở ấy tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên.
Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3 km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. “Lòng thành” của tôi chỉ được hưởng một “ân huệ” cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi... Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa, “đối tượng” của tôi nép vội vào mái hiên trú mưa, tôi cũng... trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng (Silent night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy: Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, se chữ đồng, đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ.... Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo.
Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết... sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên... những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như “một nửa hồn tôi mất”.
Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”. Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh vô cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ - tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian - chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi”.
***
Và đây là lời bài hát Bài Thánh Ca Buồn:
  
Bài thánh ca đó còn nhớ không em 
Noel năm nào chúng mình có nhau 
Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt 
Áo trắng em bay như cánh thiên thần 
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân 
Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang 
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau 
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa 
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mông buồn... 
ĐK: 
Rồi mùa giá buốt cũng qua mau 
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu 
Rồi một chiều áo trắng phai màu 
Em qua cầu xác pháo bay sau 
Lời nguyện mình Chúa có nghe không 
Sao bây giờ mình hoài xa vắng 
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian 
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu 
Rồi những đêm thánh đường đón Noel 
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu 
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối 
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn 
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi ...
***
Nguyễn Vũ là một nhạc sĩ người Việt Nam nổi tiếng với ca khúc Bài Thánh Ca Buồn. Ngoài ra ông còn có quan hệ họ hàng với nhạc sĩ Đức Huy.
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh năm 1944 tại Hà Nội. Tuy nhiên suốt thời niên thiếu ông sống ở Đà Lạt.
Từ nhỏ, ông đã chơi được nhiều nhạc cụ như guitar, harmonica, piano... và hát cho Ban thiếu nhi của Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi, đoạt giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài.
Năm 1958, ông và gia đình chuyển vào Sài Gòn.
Năm 1965, Nguyễn Vũ có tác phẩm đầu tay là ca khúc Loài Chim Biển nhưng cho đến hai năm sau ông mới được giới yêu nhạc biết đến nhiều qua loạt ca khúc có chữ "cuối": Lời Cuối Cho Em, Nhìn Nhau Lần Cuối, Bài Cuối Cho Người Tình do ca sĩ Elvis Phương trình bày.
Sau 1975, Nguyễn Vũ là cán bộ văn thể mỹ của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 22.
Từ khoảng 1990 đến nay, ông mở lớp nhạc tại nhà ở Quận Tân Bình, thỉnh thoảng viết nhạc bán cho các trung tâm.
Bài thánh ca buồn
Ca khúc nổi tiếng này kể về kỷ niệm mối tình đơn phương năm 14 tuổi của Nguyễn Vũ với một cô gái lúc ở Đà Lạt. Bài Thánh ca buồn được viết vào tháng 10/1972 tại Sài Gòn và ngay lập tức được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền, ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên thể hiện... Bài Thánh Ca Buồn là một trong những bản nhạc được yêu thích trong các album nhạc Giáng Sinh từ đó cho đến nay.
Sáng tác
Hơn 1/3 tác phẩm của Nguyễn Vũ là viết về biển vì ông rất thích biển.
  • Áo tím mùa thu
  • Bài cuối cho người tình
  • Bài thánh ca buồn
  • Biển tím
  • Đoạn cuối cho cuộc tình
  • Chuyện loài cỏ đêm
  • Ga chiều phố nhỏ
  • Gửi em đất liền (Nguyễn Vũ & Vũ Thái Hòa)
  • Hai mùa lá rơi
  • Huyền thoại một chiều mưa
  • Khi mình xa nhau
  • Kỷ niệm xa bay
  • Nhìn nhau lần cuối
  • Lời cuối cho em
  • Lời cuối cho em 2
  • Một loài chim biển
  • Sao rơi trên biển
  • Thoáng giấc mơ qua
  • Tiếng hát thiên thần
  • Vùng biển trời & màu áo em (Nguyễn Vũ & Mặc Thế Nhân)
  • Vùng trời mây tím
Trần Minh Hiền orlando ngày 18 tháng 12 năm 2013


 



Ngân Hà


          image
 

 image
image

 
Ngân Hà giải lụa ngàn sao,
Lung linh ánh sáng muôn mầu trời đêm,
Dòng sữa ngọt, đôi môi mềm,
Ta dìu em đến bên thềm sông Thương,
Ngân Hà, ánh mắt vấn vương,
Ngõ yêu ta lạc bước đường... mộng du,
Đêm nay, huyền diệu mơ hồ,
Trăng sao chiếu rọi, tình giờ pha phôi,
Ta nghe như tiếng ai cười,
Thoảng bay trong gió bỡn đùa vườn hoang,
Ngân Hà tỏa ánh mơ màng,
Nhớ nhung trăng bỗng võ vàng đơn côi,
Dù cho cách trở phương trời,
Tình ơi, Sao mãi một đời bên Trăng!

PTMinh-Hưng


Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Liên Khúc Giáng Sinh - Trái Cấm Vườn Địa Đàng - Hoạt Cảnh Đêm Noel



St Mary Cathedral: Các em nhỏ hát Thánh Ca từ lúc choạng vạng tối,
sau đó người ta chiếu hình ảnh và chiếu video lên. Rất đẹp!
Ảnh Kim Oanh_Sydney
 
**

Thân chúc tất cả mọi người và gia đình 
một đêm Giáng Sinh thật vui vẻ, an lành, 
ấm cúng và tràn đầy hạnh phúc 
bên những người thương yêu 
và đón chào một năm mới 
..đầy hy vọng và tươi sáng.
       
THAI DOAN




Richard Clayderman & Akim Camara - Ave Maria 2009 - Andre Rieu & 3 year old violinist, Akim Camara 2005




GIÁNG SINH RỰC RỠ - Tranh Thơ - Silent Night - Jingle Bells

http://2.bp.blogspot.com/-E8-PrH2q9Xg/Urup-MoEr4I/AAAAAAAAeQ4/pSgTC4cSkkM/s1600/MartinPlace.jpg
Noel_Sydney_Hình Kim Oanh
*
         image

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Giáng Sinh Rực Rỡ_Thơ PTMinh-Hưng - Silent Night




Ảnh Trần Dung_SanJose'

Giáng Sinh Rực Rỡ

Đèn sao lộng lẫy - Tiếng chuông ngân
Giáng Sinh rực rỡ khắp xa gần
Ngân hà lấp lánh ngàn tinh tú
Hân hoan trần thế đón Hồng Ân

Đêm đông tuyết lạnh trời băng giá
Chúa Hài Đồng giáng thế vì ta
Hang Belem ngân vang tiếng hát
Niềm vui chan chứa - Tình bao la...

Muôn nẻo đường, ngời sáng đèn hoa
Khắp chốn rộn ràng vang tiếng ca
Bình an - Hạnh phúc tâm cầu nguyện
Chúa ở trong ta - Chúa mọi nhà

" Đêm Thánh Vô Cùng "...Nhạc vang xa
Âm thanh dìu dặt khúc hoan ca
Tình lặng lẽ  bước sang trang mới,
Dạt dào ấm áp kết ngàn hoa...

Phạm Thị Minh-Hưng








Thu Sầu_Hình Ảnh Phan Hạnh - Duy Hân - Hoa Xuân_Thơ PTMinh-Hưng - Bảo Phạm


Ảnh_Trần Dung

 HOA XUÂN

Kìa đóa hoa cười, đón gió Xuân,
Nhẹ bay bay, tà áo giai nhân,
Rạng ngời trong nắng, khoe hương sắc,
Lòng vui chan chứa, tiếng chuông ngân.
*
Nàng Xuân Tuyệt Sắc sẽ qua đây,
Gieo rắc ngàn hoa, mạch sống đầy,
Cành biếc, lá xanh, mơn mởn nụ,
Tình Xuân ngây ngất, thoáng men say.
*
Muôn hoa đua nở, rộn ràng vui,
Khoe màu sắc thắm, lá xanh tươi,
Nắng Xuân ấm áp, tô ngày mới
Bừng lên sức sống, Xuân rạng ngời...
*
Đây những cành Mai, Cúc rực vàng,
Bên màu hồng nhạt, nụ Đào Phai,
Ô kìa, Lan tỏa hương thơm ngát,
Xanh, vàng, đỏ, tím, thắm lòng Ai!
*
Trời trong gió nhẹ, lá đong đưa,
Hoa ngát hương tình thỏa ước mơ
Thanh tân thiếu nữ khoe màu áo
Tình quân vắng bóng đã về chưa...
 

Phạm Thị Minh Hưng. 
 *


Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Cô Giáo Làng_Ythnguyen



Thứ ba, ngày 30 tháng bảy năm 2013

Cô Giáo Làng


Buổi chọn nhiệm sở hôm ấy Thơ mặc áo dài màu xanh da trời. (Màu Cha Thơ rất thích)! Hình như số Giáo sinh tham dự không được đông lắm. Nhiều người đã ủy quyền cho các bạn sống ở Quy Nhơn chọn giùm. Phần Thơ, cũng nhận chọn thay cho 3 người bạn. Một người nữa nhờ giúp. Thơ từ chối vì đã đủ số. Bị bạn ấy giận. (Sao Ph không nói trước)? Sau 42 năm, gặp lại, Ph vẫn còn “thù dai” nhắc:
       - Nếu ngày đó, Thơ đã nhận giúp, Ph sẽ đi Lâm Đồng, thay cho Quảng Trị, là nơi bà Cô muốn chọn để về gần Bà. Có lẽ đời Ph đã khác?
       Thơ cười: - Chắc chắn là khác rồi! Chỉ sợ không biết có được như ngày nay không? Nên, hãy…biết ơn vì lời từ chối của Thơ!
       Nhiều địa điểm thuộc các xã trong tỉnh Bình Định như: Phước Nghĩa, Phước Thành, Phước Hậu…, vẫn còn. Nhưng Thơ đã rắp tâm muốn đi xa, để thoát khỏi sự khó khăn, nghiêm khắc của Cha mình. (Với trí hiểu non dại lúc ấy, Thơ nghĩ vậy)! Thế là Thơ và Yến, hai đứa vị thứ liền nhau, chọn đi Bồng Sơn, một Thị trấn thuộc huyện Hoài Nhơn, nằm về phía Bắc của tỉnh Bình Định, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 100 km. Dạo ấy đường bộ không được an toàn, nên chúng tôi đến Tòa Hành Chánh để xin máy bay.
       Mấy bận đi về, mới được hẹn một ngày chính xác. Chúng tôi đã đến nhiệm sở bằng trực thăng…võ trang! Cho đến mãi bây giờ, Thơ cũng không hiểu là vô tình, hay cố ý tinh nghịch, họ đã sắp xếp cho 2 cô giáo trẻ măng, 20, 21 tuổi ấy, mỗi đứa ngồi bên một người xạ thủ, ở hai bên cửa hông máy bay. Họ luôn ghìm súng, nhìn chăm chăm xuống mặt đất. Ghế VIP để trống, sao chẳng thương giùm 2 cô giáo về làng?
       Hai bên cửa trực thăng đều bỏ ngỏ. Gió lộng phần phật. Tiếng động cơ từ hai cánh quạt chát tai! Chẳng ai nói, ai nghe. Chỉ thỉnh thoảng gặp một ánh mắt tình cờ! Mỗi người đều theo đuổi một ý nghĩ riêng tư.
       Từ trên cao nhìn xuống, cảnh vật nơi nào cũng xinh xắn: Đường làng quanh co uốn khúc. Những mảnh vườn, ruộng lúa vuông vức, nhà cửa gọn gàng ẩn mình dưới lùm cây xanh ngắt. Rải rác có những “Sóng chén”, đầy những chén úp ngăn nắp, đều đặn. Thơ ngẫm nghĩ mới hay: Đó là những sân phơi lúa. Buổi sáng, người nông dân xúc lúa đổ ra sân, vẫn để nguyên từng khối nhỏ, chờ nắng lên mới cào ra phơi.
       Mải mê nhìn cảnh quê xinh đẹp, thoắt đã thấy vườn dừa bát ngát và dòng Lại Giang êm trôi! Trực thăng đáp xuống Xe Jeep mui trần chở chúng tôi đi một vòng phố xá Bồng Sơn, như để “trình làng” 2 cô giáo mới ra trường!
       Nơi chúng tôi đến trọ là tiệm thuốc Nhơn Hòa Đường, do Ba của Yến, thời gian làm việc ở BS, đã giới thiệu. Nhưng nay, Thơ nhắc lại, Yến bảo:
       - Thế à? Sao Yến không nhớ?
 Ông Bố chồng cắt thuốc Bắc, người con dâu mở quán cơm. Phong cảnh nửa tỉnh, nửa quê nơi đây, làm cho chúng tôi thấy thú vị! Trước nhà: Phố xá, xe cộ, người qua kẻ lại tấp nập. Phía sau: Vườn ruộng xanh tươi, gió rì rào, không gian thoáng đãng mát mẻ!
       Chúng tôi trọ trong một căn phòng nhỏ, không có cửa! Hai đứa lần đầu tiên xa nhà, nhút nhát như hai chú thỏ con. May mà còn có đôi, nương tựa vào nhau, cũng bớt buồn, bớt lo.Tối đến, chúng tôi khiêng bàn, khuân ghế chồng trên, chèn dưới, chặn trước cửa! Còn ngọn đèn dầu, loay hoay không biết nên đặt trên, hay dưới gầm bàn?
       Tới bữa cơm, bà chủ quán đon đả mời chúng tôi dùng cơm với bà ở trước quán. Nhưng dù chúng tôi có rút vào trong phòng riêng, thực khách đi ngang qua, vẫn đưa mắt tò mò dòm ngó. Có người còn ghé vào, vồn vã bắt chuyện! Một lần, chúng tôi đang cộng sổ điểm cuối tháng, một người lính lân la ghé vào, chỉ cho 2 cô giáo “non choẹt” cách cộng sổ khá hay. Có lẽ anh lính này là một giáo chức, bị động viên?
Lệ thường, cộng điểm xong, chúng tôi ghi tên và điểm trung bình của mỗi HS vào một phiếu giấy nhỏ. Phân ra từng nhóm theo điểm số. Xếp thứ tự, từ nhóm điểm cao nhất đến nhóm điểm thấp nhất. Ghi vị thứ và viết vào sổ.
       Anh lính ấy bày cho chúng tôi, từ lúc cộng điểm:
Ví dụ, các cột điểm:    6,  8,  7,  9, 10    =   ( 5+1,  5+3,  5+2,  5+4, 5+5)
       a/ Ta sẽ cộng các số 5 trước, sau đó cộng thêm số lẻ còn dư lại.
       b/ Miệng đếm: 5,10, 15, 20, 25, 30. Cộng thêm các số dư, thành:
31, 34, 36, 40.  (Đếm số nào, chấm ngòi bút vào chữ số đó).
Chia lấy điểm trung bình. Ghi liền vào một tờ giấy lớn, không cần đề tên HS. Điểm nào, ghi vào nhóm đó. Nếu có 2 hoặc 3 điểm trùng nhau, vẫn viết đủ 2 hoặc 3 lần.  Kiểm lại các cột điểm trung bình, nếu khớp với sĩ số, ta sẽ ghi vị thứ, sát bên. Theo đó, viết vào sổ chính.
       Có lẽ đó là điều tốt đẹp nhất, chúng tôi nhận được nơi phòng trọ trống trải, bất an này. Phần nhiều chỉ là những phiền hà, mất thì giờ, hoặc phải nghe những lời trêu chọc khó chịu!
 Mỗi ngày, chúng tôi đi ngang qua VP Quận, mới tới trường. Trường nằm trên bờ Lại Giang. Anh Phụng Hiệu trưởng niềm nở đón tiếp 2 cô giáo mới ra trường, nhiệt tâm soạn bài, giảng dạy và thích dạy hát. Anh nói, lâu lắm mới nghe lại những những câu hát quen vang vang trong trường:
...“Quê nhà tôi, chiều khi nắng êm đềm, chạy dài trên khóm cây, đàn chim ríu rít ca. Bao người ra, ngồi hay đứng bên thềm. Đợi chồng con mắt trông về phía trời xa. Sáo diều êm trầm lắng lời thơ, lúa vàng reo đùa muôn sóng nhấp nhô. Ôi chiều quê, chiều xao xuyến êm đềm. Nhìn xem tơ khói vương chờ giây phút mến thương. Trông người ra, ngồi hay đứng bên thềm, chuyện trò chung với nhau, đời sống thần tiên”… (Chiều quê/ Hoàng Quý).
Hoặc: …“ Học sinh đua nhau tiến tới. Ra trường học chăm học mãi. Trẻ thơ siêng năng hăng hái. Lớn lên đắp xây cuộc đời. Anh lớn làm thơ, thì em biết đọc i tờ. Mẹ mến yêu đứng chờ. Nhìn em với bạn nô đùa. Anh biết chăm ruộng nương, thì em biết chăm đến trường. Cơn gió lên cuối đường mừng em sống trẻ măng”…( Đua nhau chăm học/ Phạm Duy).
Chúng tôi quanh quẩn trong lớp với đám học sinh, ít khi lên Văn phòng. Giờ chơi, thỉnh thoảng ra đứng trên hành lang khá cao, đưa mắt nhìn vu vơ ra cảnh sông nước, trước trường…
Sau, chúng tôi dời chỗ ở, đến trọ nơi nhà một đôi vợ chồng cao niên. Nhà chỉ có hai ông bà và một đứa cháu họ xa, tên gọi “Thằng Mịch”. Mịch thường mặc bộ bà ba màu nâu. Nghe nói, một thời gian khá lâu, Mịch đã vào ở trong chùa. Đây là một cậu bé rất thật thà, chân chất, hơi chậm chạp! Lúc rảnh, Mịch thường bám theo chúng tôi, lân la trò chuyện. Mịch chỉ cho chúng tôi xem, dấu nước lụt năm Thìn nào đó, còn in trên vách tường. (Ở sát bờ sông, nghe vậy chúng tôi cũng hơi…ớn ớn)!
Một buổi sớm mai, chúng tôi ra lan can phía sau nhà, đứng nhìn lớp sương mù dày đặc trên mặt sông. Hai cô giáo “ngố” lo lắng:
- Sợ hôm nay trời mưa to!
Cậu bé quả quyết: - Sẽ nắng lớn, cô ạ!
Quả nhiên: Trời nắng rực rỡ, thiếu điều…muốn cháy da!
Ông bà cụ chủ nhà là người ưa yên tĩnh, nói chung là không thích đám trẻ con. Cuối tháng, ông bà chỉ bằng lòng cho một vài em đến giúp chúng tôi làm sổ sách. Ngoài ra, nếu học sinh đến chơi đông, chúng tôi phải đón tiếp các em nơi khoảng trống trong chợ, trước mặt nhà. Chúng tôi cũng không được nấu nướng gì, nên phải nhờ một phụ huynh học sinh nấu cơm giùm. Chẳng bao lâu, cũng bị từ chối, vì cô con gái đem cơm, đi qua Quận, thường bị các anh lính trẻ trêu chọc! Chúng tôi đành ăn cơm hàng…cháo chợ! Thơ làm quen với mùi chao, rất… “kinh dị” từ đó! (Giờ, đã… “ghiền”, không biết từ lúc nào)! Lạ thật!
       Dần dà, có một vài người lính cũng… “vượt rào” là qua được phòng của Ông Bà chủ nhà, ra phòng trọ phía sau để… tán gẫu với chúng tôi! Hai đứa đâu nói năng gì, ngoài… cặm cụi trả lời những câu hỏi! Thế mà, khi khách nhà binh về rồi, đã “dám” lấy mấy mẩu giấy, làm thăm. Bốc thăm… chia phần: Anh ...Anh… là của ai?! (Thật là trẻ con)!
       Vợ chồng anh Oanh, dạy trường Tăng Bạt Hổ, mời chúng tôi vào Ca đoàn của Giáo xứ. Dù khác đạo, Yến vẫn vui lòng đi tập hát với Thơ hai buổi tối mỗi tuần. Dạo đó gần lễ Giáng sinh, ca đoàn đang tập hát các bài: Cao cung lên, Đêm đông lạnh lẽo, Đêm Thánh vô cùng…Tập hát Thánh ca, ngoài niềm tin tôn giáo, đã là một cách giải trí thanh tao, lành mạnh. Chúng tôi quen không nhiều, nhưng đã gặp những người hiền lành tử tế như hai chị em cô Thăng, cô Thúy và một số AC dạy ở Trung học Tăng Bạt Hổ…
Một lần chúng tôi đi nhờ xe của Lâm tới xin máy bay về QN - NBT… “đùa dai”:  - Tối nay, để 2 cô giáo ở lại đây! Lâm mà đưa hai cô ấy về, tao bắn gãy giò”! Hai “Chú thỏ con” trước mặt “Hùm xám”, làm gì chẳng điếng hồn! Nhưng, dù sao có 2 đứa vẫn có thể: Cứ bình tĩnh mà..run!
       Ham tự do, ưa thoải mái. Nay đã gặp bao nhiêu thiếu thốn, bất toàn. Kể cả, hai đứa đã tận mắt chứng kiến 1 vụ nổ lựu đạn gần chợ, 1 vụ giựt mìn làm sập cầu. Nên dịp về Quy Nhơn ăn tết, chúng tôi liều… “nằm vạ” ở Ty Tiểu học! Không bị…phạt đòn, nhưng Ông Trưởng Ty rất thông cảm, cho Yến về Nguyễn Trường Tộ, còn Thơ về trường Ấu Triệu, gần nhà.
       Đó là một trường Nữ tiểu học, rất gần biển. Nhiệm sở thứ hai này là  nơi Thơ đã học qua 2 năm lớp Nhì và Nhất khi mới di cư vào Nam, rồi ra miền Trung. Trường được vinh dự mang tên ẤU TRIỆU: “Cô Triệu Bé”, là chính ý nghĩa cao quý, mến thương mà Phan Bội Châu, lấy tấm gương bất khuất của Liệt nữ Triệu Thị Trinh trong sử Việt, đặt cho Cô Lê Thị Đàn, người làng Thế Lại Thượng. (Nay thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Huế, (Là người đồng chí của Phan bội Châu), đã hoạt động tích cực và đã tuẫn tiết để bảo toàn bí mật cho Phong trào Cách Mạng Duy Tân hội và Phong trào Đông Du ở nước ta, hồi đầu thế kỷ XX. Do đảm đương công tác bí mật, nên công lao và sự hy sinh của Lê Thị Đàn dưới thời Pháp thuộc ít được biết đến. Sau này, nhờ Phan Bội Châu kể lại vụ việc. Tên tuổi của Bà mới được lưu truyền).
       Các cô giáo độc thân trường Ấu Triệu được ưu tiên dạy các lớp Nhì và Nhất, ngày hai buổi, nghỉ thứ tư và thứ bảy. Nhường cho các chị có gia đình dạy 1 buổi sáng hoặc chiều. (Năm sau, trường mở thêm lớp, chỉ còn dạy đồng loạt một buổi như nhau). Trường xây hình chữ U, những giây hoa Ti Gôn kết mành như…trướng phủ, rèm che ngoài hiên các lớp học, càng tăng thêm vẻ êm đềm, thơ mộng cho một ngôi trường. Trong đó, học sinh và tất cả giáo viên, toàn là nữ giới. (Trừ… anh cai trường)!
       Bà Hiệu Trưởng LCC, nhũ danh Bùi Thị Sự, (Thời ấy người phụ nữ dù đi làm việc, vẫn còn gọi bằng tên chồng) rất bao dung, thân thiện và dễ mến. Ở nhà, có món gì ngon, Bà dành bớt cho chúng tôi cùng thưởng thức! Có lần, Bà đem …khoe cả nửa tá áo Bà Ba, may đủ màu, bằng thứ hàng lụa Bà yêu thích. Chúng tôi, mỗi đứa khoác một chiếc. Xúng xính lượn qua, lượn lại. Bầu khí vui tươi, đầm ấm như trong một gia đình!
 Đến khi có chương trình viện trợ sữa và bột mì cho các em nhỏ. Các cô giáo lớp Năm đảm trách thêm việc này! Lúc nồi sữa mới nấu xong, Bà HT cho “nháy” chúng tôi tới VP, uống 1 ly sữa nóng và ăn bánh mì ngọt, trước khi các cô giáo phục vụ …đại trà  cho bầy trẻ nhỏ! (Chị Vân, chị Sử Kim Anh… còn vớt thêm cho chúng tôi chút váng sữa nổi trên mặt soong, thật thơm và béo ngậy)! (Khi Cô Bùi Thị Sự được thăng chức Thanh Tra, Cô CHTN Ngọc Lan, giáo viên lớp Nhất của Thơ ngày xưa, lên làm Hiệu trưởng).
       Dạo ấy chưa có lệ mặc đồng phục, nhưng nhóm giáo viên trường Thơ  đã rủ nhau may mấy bộ áo dài cùng màu. Một lần tới dự giờ ở trường Mai Xuân Thưởng, chúng tôi hẹn nhau, mặc một loạt màu “cổ đồng” thật độc đáo! Bị mang tiếng là…dân Ấu Triệu ưa chưng diện từ đó. Không oan! Nhưng có sao? Làm đẹp, vui bụng mình, tô thắm cõi đời, có gì là sai đâu? Miễn là chúng tôi vẫn hết lòng thương yêu và tận tình dạy dỗ đàn em nhỏ!
Tới lượt Thơ phải dạy mẫu, cả trường cùng hội họp, góp ý xây dựng bài dạy cho Thơ. Lê Hoa lãnh việc may gấp cho Thơ chiếc áo dài mới, bằng 1 tấm  “xà rông” của Campuchia, để kịp … trình diễn, cùng với bài dạy! Thực ra, Cha của Thơ, mới là người chuẩn bị bài cho Thơ kỹ lưỡng nhất. Một bài Địa Lý, trọng tâm nói về địa thế quan trọng của nước Việt Nam trong vùng Đông Nam Á. Nhưng tới buổi dạy, Cha đã không đến dự, để  Thơ được tự nhiên. (Chị Nam Trân rất thật thà nói: “Trân sợ Bác Uyên, hơn sợ… Thanh tra” cơ mà)! Cha Thơ nghiêm khắc và mẫu mực lắm! Cha không bằng lòng cho Thơ đem đồ đan, thêu…vào lớp. Cha nói: “Nếu buổi sáng hôm ấy con đã không tận tâm giảng dạy, con không xứng đáng được nghỉ trưa”! (…Chịu nổi không)?
       Nhóm độc thân như Thơ, dạy hai buổi chưa đủ, còn rủ nhau ở lại trường buổi trưa, dù nhà không lấy gì làm xa lắm! Bọn Thơ vui đùa, trò chuyện, ca hát. Hoặc cắm cúi thực hiện một mẫu thêu áo dài, hay một kiểu áo tắm trên hàng “Piquet” lập thể, rất độc đáo, theo mẫu của “Nhà thiết kế” Lê Hoa. (Cô ấy rất khéo tay)! Chuyện ăn uống không quan trọng: Chạy ào ra chợ rất gần, mua các loại bánh. Hoặc đã có sẵn quán bún bò, nem nướng… phía sau trường. Món ăn vặt cả bọn ưa thích nhất là đậu phụng nấu, chỉ no bụng, chứ không bao giờ chán! Hạt dưa, nhiệt tình cắn nguyên…bịch nửa ký! Một hôm, Thơ bảo Lê Hoa:
 - Hai bên hàm Thơ bị đau, mỏi lắm!
 - ­­­­­Hoa cười: - Bữa qua…giành ăn ­­­­­­­­khoai mật phơi khô, không nhớ sao?
 - Hèn chi! Thế mà Thơ sợ, sắp lên…quai bị chứ!
Trường ở gần mấy trại lính, nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng bắt gặp
một khuôn mặt “Học trò…già”, là một anh lính trẻ, cố tình …ngồi nhầm chỗ ở cuối lớp! Có những buổi đi lạc quyên, Thày trò…xuống đường chặn khách bộ hành, chặn xe lớn, xe nhỏ. Cười…cầu tài để xin tiền, gây quỹ mua quà Xuân cho Chiến sĩ, hoặc giúp đồng bào vùng bị bão lụt… Khách đi đường, ai cũng vui vẻ, bằng lòng, chịu…cho móc túi! Những kỳ nghỉ hè, chúng tôi đi làm Giám thị 2, cùng phòng với Giám thị 1 là Giáo chức cấp 2 hoặc cấp 3, ở các tỉnh khác về. Nếu liên tục mấy buổi, vẫn cứ coi thi với một giám thị ấy, là hiểu rồi! “Họ” đã… thông đồng với nhau, cố ý tinh nghịch, sắp xếp như vậy! Phần Thơ đã gặp hai lần như thế. Cũng là một niềm vui…lan man sau kỳ thi! Nói chi, trong tuần lễ nhóm giáo sinh sư phạm đến trường thực tập. Một anh giáo sinh khóa 7, còn dám… “kết” với một cô giáo đàn chị, tốt nghiệp khóa 1 cơ mà! Đúng là…tình không biên giới! Chỉ tiếc, đến mùa Hè, tình cũng…tan tác như cánh phượng hồng!
       Học sinh cấp 1 luôn coi các Thầy, Cô giáo là…thần tượng của mình! Nhất là các cô giáo trẻ độc thân, luôn được các em thương mến, ríu rít vây quanh. Hơn 40 năm, Thơ tìm gặp lại hai cô học trò cũ: Mỹ Trang, Mỹ Hòa, vẫn còn… thú nhận: “Được ôm sổ sách, cầm thước, phấn, khăn chùi bảng cho Cô, là… vinh dự lắm”!
       Năm Thơ nhận lớp Nhì B, cô Ph dạy lớp Nhất A mang bầu, sẽ sinh con vào khoảng Học kỳ 2. Bà Hiệu trưởng điều động chúng tôi chuyển đổi, để khỏi xáo trộn cho các em lớp đi thi. Thơ báo tin cho học sinh lớp mình. Cô cháu đều thổn thức. Các em khóc rộ lên! Thơ cũng nghẹn ngào, không thốt nên lời, cầm phấn ghi lên bảng: -“Thôi, các em về đi! Đừng khóc nữa! Chúng ta vẫn còn gặp nhau”! Chúng càng khóc to hơn. Ra về, cả thầy trò cùng mắt đỏ! Từ đó, nhóm học sinh lớp cũ tới nhà đón Thơ. Gần đến trường, các em vội lảng xa, sợ các bạn lớp mới…chọc quê! Suốt tuần, cứ bịn rịn như thế! Cô Ph cũng bảo: Học trò mến Thơ quá, mình cũng không muốn dạy! Thế là Bà HT đồng ý, cho…trở lại vị trí cũ! Thơ thật hạnh phúc giữa đồng nghiệp thân yêu và học sinh quý mến như người ruột thịt!
 Rồi, cũng đến một lần:
       “Ngày mai, trong đám xuân xanh ấy,
       Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi”!
Năm 1970, Thơ làm dâu Bình Định, theo chồng vào Biên Hòa. Cũng đành xa đám học trò nhỏ:
“Vai mang khăn gói sang sông.
Má gọi mặc Má, theo chồng (con) cứ theo”!
 Chồng đổi đi đâu, Thơ được ưu tiên 1, theo đến đó! Đã thuyên chuyển qua nhiều nơi, nhiều trường. Nhưng không có nơi nào, thân thương, đầm ấm cho bằng mái trường ẤU TRIỆU, nơi Thơ sống thời cô giáo độc thân ngày ấy!
       Năm ngoái, nhân dịp về Quy Nhơn tham dự kỷ niệm 50 năm, ngày thành lập trường SPQN. Buổi sáng, từ khách sạn Hải Âu, hai mẹ con Thơ đi dự Thánh lễ sớm ở Nhà thờ Chánh tòa. Rồi thả bộ theo con đường Lê Thánh Tôn, ra hướng biển. Gặp đường Tăng Bạt Hổ, Thơ rẽ trái, ghé thăm ngôi trường xưa: Trường nay không còn dành riêng cho nữ sinh, đã lên lầu và thay bằng tên vị anh hùng LÊ LỢI. Thơ đứng ngoài song cánh cổng sắt, nhìn vào bên trong:
 Ngày Chúa nhật, sân trường vắng hoe, không một bóng người: Cảnh cũ còn đây nhưng đồng nghiệp, học sinh năm xưa, đã tản mác khắp nơi rồi! Lòng Thơ dâng trào bao kỷ niệm mến thương. Không bao giờ còn có thể tìm gặp lại đông đủ nữa! Những ai còn, ai mất? Và đàn em thơ bé, tươi vui ngày ấy, nay cũng lớn bộn rồi! Cuộc đời các em có được vuông tròn, hạnh phúc hay không? Thơ bồi hồi cảm xúc, thấm vội đôi giọt lệ vừa trào ra khóe mắt, khi nghe tiếng cậu con út gọi:
- Mẹ ơi! Về thôi. Mặt trời đã lên cao rồi!
*Yth. Nguyen.
     (L6 / K3)