Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

MÙI QUÊ HƯƠNG

Mùi Quê Hương
Lai Thi Mơ
Ngày xưa lúc còn học tiểu học, mỗi khi Hè về, trong lúc các bạn nôn nóng háo hứng sẽ được về quê, thì tôi lại mang tâm trạng buồn bã, chỉ vì tôi là con nhỏ Bắc Kỳ theo gia đình di cư vào Nam bằng tàu há mồm. Hè về có nghĩa là tôi sẽ lủi thủi chơi một mình, bạn hàng xóm hay trong lớp đều về quê (miền Tây) hết. Tất cả họ hàng nội ngoại đều ở quanh Saigon, vì vậy khi trở lại trường vào ngày khai giảng, các bạn tôi ai cũng đen nhẻm, cháy nắng vì bơi sông bơi rạch. Thấy tôi vẫn tóc tai gọn ghẽ, chẳng có bù xù rối bời khét nắng, con bạn tôi ngây thơ hỏi: Ủa ! Hè hổng dìa guê hả? Tôi còn nhớ mãi lúc đó tôi học lớp Ba, chỉ mới 9 tuổi, nhưng tôi xụ mặt, lắc đầu trả lời: Đâu có quê đâu mà về! Con nhỏ bạn tôi chỉ trố mắt, nó không thể hiểu, tại sao một người lại không có quê. Nó chỉ ngạc nhiên một chút, rồi chạy ùa nhập vô đám bạn đang reo hò rượt bắt ngoài sân. Nếu nó bắt bẻ: Ai cũng có quê chứ, thì tôi sẽ trả lời: Dĩ nhiên ai cũng phải có quê, là nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng quê tôi xa lắm, ở mãi tận miền Bắc, bên kia sông Bến Hải. Tôi theo gia đình di cư vào Nam, để nghe các bạn chọc ghẹo Bắc Kỳ ăn cá rô cây.
Ngày còn bé tôi không hiểu tại sao các bạn lại nói Bắc Kỳ ăn cá rô cây. Cho tới khi lớn lên tôi mới hiểu miền Nam thức ăn dồi dào, tôm cá đầy đồng, cá ăn không hết, người miền Nam ăn
uống thoải mái. Còn người miền Bắc nghèo khó, nên mới có chuyện một anh khóa (học) sinh lên tỉnh học. Vào quán ăn anh chỉ mua cơm và xin thêm chén nước mắm, vì sĩ diện anh có con cá rô (bằng gỗ) cũng ung dung (giả vờ) gắp cá chấm nước mắm, ăn xong lại lén rửa con cá cất đi. Về sau có người biết chuyện, họ mới truyền miệng chế giễu Bắc Kỳ ăn cá rô cây.
Thật sự tôi là con nhỏ BK, nhưng tôi không thích bk, tôi thích tất cả mọi thứ của người miền Nam, từ câu vọng cổ ngọt lịm tới các câu hò đối đáp của trai gái trong các sinh hoạt ở thôn quê. Tôi biết tên tất cả các nghệ sĩ miền Nam từ vọng cổ, từ cải lương cho tới hát bội. Út bạch Lan, Út Trà Ôn, bà Năm Sa Đéc, cô Ba Phùng Há... trong đầu tôi đầy ắp mọi thứ của miền Nam. Không có dịp đi xa tôi nghiền ngẫm tiểu thuyết của các nhà văn miền Nam. Miệt vườn miệt tỉnh gì tôi cũng đọc hết. Từ ông Hồ biểu Chánh (tiên phong) cho tới Sơn Nam, Bình nguyên Lộc, Hồ trường An, Lê Xuyên. Tôi biết địa danh, cho tới tên chim muông cầm thú và cây cối. Tôi biết cây tràm, cây đước, cây bần, tôi biết câu ví dưới sông cá lội trên bờ Triều Châu. Ý nói người Tàu minh hương ở Long Xuyên rất nhiều. Người Tiều (Triều Châu) lấy người Việt (hay Miên) đẻ con gọi là đầu gà đít vịt. Tôi " mê mẩn" xứ Nam Kỳ qua sách vở.
Khi bố tôi đổi về làm Lục Sự ở tòa án Mỹ Tho 2 năm, tôi được học lớp năm (lớp 1) ở trường Trưng Vương (nữ), còn anh tôi học trường Nguyễn trung Trực (nam), anh lớn thì học trường Thiên hộ Dương. Mỗi cuối tuần Bố dẫn ra bờ sông, có rạp chiếu bóng. Miền Tây tôi chỉ biết thế (lúc 6 tuổi), cho tới năm 1977 cô bạn dẫn về Cần Thơ chơi, tôi được đi qua " Bắc Mỹ Thuận" thấy hàng rong bu quanh xe đò mời mua mía ghim, ổi xá lị, chim sẻ quay. Vậy mà tôi nhớ mãi. Để rồi 43 năm sau, cũng chính cô bạn năm xưa dẫn tôi về Cần Thơ, nhưng lần này tôi được đi hết cả miền Tây. Lại được chụp hình đẹp, được thấy tận mắt tất cả những gì vẫn thường xem trên Youtube. Tôi theo tour của nhóm nhiếp ảnh & du lịch của anh Trần quí Thịnh. Các bạn tôi í ới rủ nhau về quê ăn tết, suốt 25 năm sống ở miền Đông Bắc Mỹ, nơi không có nhiều người Việt, nên hầu như Tết Nguyên Đán đã đi vào quên lãng. Thật sự ra chỉ những nơi có đông người Việt như Cali, Toronto, Sydney, Paris mới có chợ Tết VN. Tất cả chỉ để duy trì truyền thống cho đỡ nhớ nhà, chứ thật ra không có không khí Tết thực sự.
Tết Nguyên Đán của xứ mình, là gọi trại của chữ TIẾT xảy ra vào mùa Xuân, tất cả hoa quả trổ bông chào đón mùa Xuân tới. Trong rừng hoa mai nở, để người lính dẫu xa nhà cũng biết sắp Tết "Nếu mai không nở anh đâu biết Xuân về hay chưa? Hoa mai hoa đào khoe sắc thắm, khí trời lành lạnh, cả vạn vật lẫn con người cùng hân hoan đón mùa Xuân tới. Còn Tết ở hải ngoại xảy ra vào mùa Đông, những nơi nóng bức như Cali không sao, chứ các nơi lạnh giá nhiều khi còn có bão tuyết. Mà Tết " của mình", đâu phải holiday của Tây Mỹ nên đâu có được nghỉ, vẫn phải đi cày thôi. Tôi nhớ có lần sáng mồng một, đang ngủ nướng vì là ngày nghỉ. Chuông điện thoại reng, còn ngái ngủ, tôi lơ mơ nghe tiếng đực tiếng cái giọng bà Mỹ già nói lèo nhèo cái gì. Tôi hỏi lại, sau khi nghe ra bả đang quảng cáo bán đất chôn ở nghĩa trang: mua 1 tặng 1. Chả là bà ta biết tôi còn ông chồng 7 bó, bực mình tôi hỏi lại: Bà có biết hôm nay là New Year của tôi không? Bà kia khựng lại, chắc trong đầu nghĩ: New Year thì mắc mớ gì tới chuyện mua đất chôn. Mà là dịp tốt để tiết kiệm người ta mới

gọi mình, bả đâu biết năm mới bả kêu mua đất chôn, coi như trù ẻo. Bà kia ú ớ chưa biết trả lời sao, miệng lắp bắp why? Why? Tôi nổi giận quát lên: too early! Bà kia ngớ ngẩn lập lại early? Chắc bà ta nghĩ 6 bó mà vẫn nghĩ early? Tôi cắt phone cái rụp, tôi chỉ mới có hơn 60 cái Xuân xanh, tôi đâu có muốn chết sớm dữ vậy. Thực ra tôi bực mình vì đang ngon giấc, không hề biết mình quá vô lý (và vô duyên). Ở Mỹ chuyện mua đất chôn, để lo hậu sự là chuyện bình thường. Ai cũng phải chết, lo khi còn sống, để khỏi làm phiền con cháu. Đâu phải là chuyện mê tín dị đoan, lo bóng lo gió, vớ vẩn!
Tóm lại Tết ở hải ngoại, chán phèo. Vui là vui gượng gọi là.
Nên tôi không có cúng kiếng gì hết. Không có soạn mâm trái cây: cầu dừa đủ xài. Xài & xoài là 2 thứ khác nhau. Xứ Mỹ mua trái mãng cầu (Xiêm) xanh lè, mắc ơi là mắc. Cúng xong vất đi, không ăn được (vì toàn là vỏ). Tôi không thích phí tiền kiểu đó, nên mua nho táo, trái cây xứ Mỹ, rẻ rề, bày bàn thờ.
Như thế, coi như 25 năm qua tôi chưa ăn Tết VN. Lần này được về lại quê nhà vào dịp Tết, các bạn & tôi, ai cũng háo hức mong chờ. Nhóm du lịch của chúng tôi có tất cả 11 người, chỉ có 1 kiều bào Pháp. Còn lại đều ở Mỹ (xứ lạnh) tức là cũng không có Tết. Trong số 11 người có tới 4 cặp cha mẹ đều sinh trưởng ở miền Tây, thậm chí có người còn được bố dùng luôn địa danh đặt tên: bắc Bình Minh.
Khởi đầu chúng tôi được xe đón ở Saigon, xe 29 chỗ mà chỉ có 12 người (thêm hướng dẫn viên du lịch), nên mỗi người ngồi 1 băng ghế tha hồ mà quậy (nhúc nhích), không "đụng chạm" tới hàng xóm kế bên đang cần sự nghỉ ngơi (ngủ)! Nói chơi vậy thôi chứ 11 con người này đang rất là phấn khích (excited), chả ai ngủ nghê được (đâu có ai đi nửa vòng trái đất, về lại quê xưa, để ngủ!).
Ngày đầu tiên: Bắt đầu chuyến "thám hiểm" miền (viễn) Tây. Mỹ có phim wild wild West gọi là miền viễn Tây, thì chúng tôi cũng (coi như) đi thám hiểm miền "viễn tây" VN, gọi là viễn vì (cũng) rất xa (đối với kiều bào Mỹ), thám hiểm vì các du khách (như tôi) chưa hề biết chút nào! Bắt đầu từ Mỹ Tho, sau đó tới Bến Tre, Trà Vinh, Long Xuyên, Cần Thơ. Cô bạn tôi sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, cho tới khi lên đại học mới vào SG. Khi xe chạy tất cả du khách đều nhìn qua nhìn lại hai bên vệ đường, chợt cô bạn tôi la lên: tắp vô, tắp vô. Cô cuống quít như gặp lại "cố nhân", tài xế chả biết ất giáp gì, vội ngừng xe. Cố nhân của bạn tôi là thúng CỦ LÙN. Đó là một loại khoai, giống như củ từ, cô bảo rằng đây là món ăn tuổi thơ. Cha mẹ vắng nhà, con nít đói cứ tự động lấy củ lùn luộc sẵn mà ăn. Mọi người cũng đua nhau ăn thử, ai cũng khen ngon (dễ ăn). Người chưa biết thì ăn như thử nghiệm, người ăn rồi thì ăn với tâm trạng xúc động bồi hồi.
Vật đổi sao dời, gặp lại món ăn ngày xưa khi còn bé, ký ức kỷ niệm ùa về làm bạn tôi nói liên hồi về nó, tôi cũng xúc động theo. Đâu dễ gì hơn 60 năm giang hồ lưu lạc, cuộc đời thăng trầm qua biết bao "biến cố", xa quê lên thành phố, rồi lại xa quê bằng tàu (boat people), mà lần xa này tưởng là vĩnh viễn, cách nơi chôn nhau cắt rốn cả nửa vòng trái đất! Ngờ đâu hôm nay được ăn lại món ăn quê mùa mộc mạc ngày xưa. Bạn tôi ăn trong tâm trạng bồi hồi: Lệ hoen khoé mắt.
Tới bất cứ nơi nào, chúng tôi đều được ăn đặc sản của nơi đó, mà miền Tây sông rạch chằng chịt, tôm cá đầy đồng, vườn cây trĩu quả. Món ăn của miền Tây vô cùng phong phú, người miền Tây thật thà chân chất, hễ khách tới nhà mời ăn là mời thiệt lòng, chả có "đưa đẩy đãi bôi" mồm mép như Bắc Kỳ (xin lỗi đồng hương (làng) của tôi nhé). Vô nhà Nam Kờ, gặp bữa nhậu thì cứ việc nhào vô nâng ly dô dô! Chứ vào nhà Bắc & Trung kờ, còn phải xét lại, miệng thì đon đả: Bác cứ ngồi xuống, uống với em chung rượu (nhạt). Bác mà "tưởng thật" ngồi vô, là trong bụng "em" bắt đầu rủa thầm rồi đấy. Đừng có dại các bác ơi! Em ở trong cái chăn đó chui ra đây. Bác nào mà ngồi xuống ăn (ké), là trong bếp người ta đá thúng, đá nia kêu loảng xoảng đấy!
Món đầu tiên khi về miền Tây là ghé ăn hủ tiếu Mỹ Tho, nổi tiếng trở thành món ăn có tên gọi đặc biệt khắp VN. Hủ tiếu MT khác hủ tiếu Chệt, vì có tôm, gan heo thái mỏng... Dân Việt khi mới qua Mỹ, vì chưa đi làm không có tiền, nên mua cái gì cũng quy ra tiền Việt. Cô bạn kể rằng, khi qua định cư, ngày đầu tiên con đưa đi chợ, con lấy cái gì từ bó rau, cọng hành cũng la lên: sao mắc dữ vậy? Miệng lẩm bẩm: tới mấy triệu, mấy trăm ngàn. Rốt cuộc toi mất ngày nghỉ quí báu của con, cái gì mẹ cũng kêu mắc quá không mua. Thôi về nhà ăn mì gói! Mấy chục năm sau, khi cuộc sống ổn định, đám Việt Kiều (già) trở về quê nhà, mua cái gì cũng quy ra tiền Mỹ, nhưng không còn than như lúc trước, mà tắc lưỡi: rẻ quá, rẻ quá! Ai cũng tưởng mình nghe nhầm, 10 kg củ sắn non (không bao giờ có ở Mỹ) mà chỉ có 20 ngàn VNĐ, chưa tới 1 đô la Mỹ. Tôi đâu có nằm mơ, trong tay tôi là chùm củ sắn nặng trĩu. Bạn tôi lột vỏ, cắt nhỏ bỏ vô tủ lạnh của xe, ăn hoài ăn hủy mà vẫn chưa hết 1

đô la Mỹ. Nước mía, nước dừa 10 ngàn / 1ly. Chỉ có 40 xu, còn ở Mỹ 4 đô/ly. Các bạn tính thử dùm tôi khác nhau bao nhiêu lần? 10 lần. Nước mía, nước dừa chỉ có ở những nơi có đông người Việt như Cali, Toronto. Dân xứ lạnh miền Đông Bắc nơi tôi ở, thì đừng có mơ! Lâu lâu ghé thăm những chợ Việt ở Cali, du khách ở khắp nơi trên thế giới còn hít hà sung sướng tận hưởng các món ăn Việt truyền thống. Huống chi cái đám vk già này xa xứ đã lâu. Ai cũng ăn lấy ăn để, ăn như chưa từng bao giờ được ăn, ăn như chết đói từ kiếp trước. Vừa ăn vừa nhắc nhau: ăn đi, về Mỹ không có ăn đâu!
Chỉ ngày đầu tiên, tên du lịch & nhiếp ảnh, phải đổi. Lúc đầu du lịch là chính, chụp hình là phụ. Mới có ngày ra quân đầu tiên, mọi người chưa quan tâm chuyện coi cảnh (du lịch) mà ăn ào ào, ăn dữ dội, ăn như chưa bao giờ được ăn. Tên của nhóm đổi thành ẨM THỰC & NHIẾP ẢNH. May quá tôi có mang theo 3 thứ quần áo cho 3 tuần về lại cố hương (là cố ăn): tuần đầu Jean (cài nút), tuần kế (quần lưng thun), tuần chót (váy, vì quần nào cũng không lọt). Thiệt sự 3 tuần lên 3kg!!!
Qua được 5 tỉnh đầu tiên của miền Tây, đoàn tiếp tục đi. Ngày thứ hai & thứ ba đi xem:
 Chợ nổi Cái Răng.
 Chùa dơi Sóc Trăng.
 Nhà thờ Tắc Sậy, viếng mộ Cha Trương bửu Diệp.
 Đất mũi Cà Mau.
Từ ngày có internet, mọi người đều có thể " du lịch online" bằng YouTube. Tôi đã xem tất cả, chỉ khác là bây giờ được thấy tận mắt, được sờ tay vào. Đi chợ nổi mọi người thích thú xem người ta quăng dưa từ ghe lớn (bán sỉ) qua ghe nhỏ. Người quăng người chụp, gọn gàng nhanh lẹ như làm xiếc. Ghe mua chở "khẳm" khóm dưa chất cao như gò, vậy mà mặt mày kẻ bán người mua cứ tỉnh bơ, chỉ có người ngó thì lè lưỡi lắc đầu: vừa sợ ghe chìm, vừa sợ dưa khóm rớt xuống sông.
Chợ nổi nhóm tờ mờ sáng, nên đoàn du lịch phải dậy sớm (4 giờ sáng), các xuồng máy kè sát dân du lịch mời chào mùa vú sữa, sầu riêng. Tôi nhìn dưới lòng sông đặc kín lục bình
trôi nổi trên mặt nước, dật dờ như cuộc đời của những người sống ở nhà sàn ven sông. Nguồn nước đục ngầu kia là nơi phóng uế, giặt giũ, tắm rửa, nấu ăn, và xót xa khi nghe một bé gái thỏ thẻ trả lời câu hỏi:
- Con ước gì khi lớn lên?
- Khi lớn lên con chỉ muốn được sống trên bờ !!!
Hình như cũng có ghe lớn chở nước nấu ăn đi bán, nhưng rửa nồi niêu chén đĩa, mua bao nhiêu nước cho đủ.
Vào thăm chùa dơi, bạn sẽ thấy cả ngàn con dơi treo lủng lẳng trên cây, chúng nhiều đến nỗi bạn không thể phân biệt chỗ nào là lá, chỗ nào là dơi khi trời chập choạng tối. Ở chùa dơi Sóc Trăng (MATH SERÂYTE MAHATUP) bạn sẽ thấy ban nhạc mang âm hưởng Khmer, từ vòm chùa, tượng thờ, tranh ảnh. Tất cả đều có dáng dấp xứ Miên. Người ta bảo rằng xưa kia đây là đất của dân Khmer. Rời chùa dơi, chúng tôi lên ghe máy ra tận mũi Cà Mau. Ngày xưa học địa lý, mũi Cà Mau là nơi tận cùng của nước Việt về phía Nam. Mũi này được phù sa bồi đắp dài dần nên gọi là " Đất mũi Cà Mau". Kể ra được đi tới nơi tận cùng của nước mình, đó cũng là cái duyên, không phải ai cũng có cơ hội.
Đoàn tiếp tục ghé vào nhà thờ Tắc Sậy, nơi yên nghỉ của Cha Trương bửu Diệp, nổi tiếng hiển linh. Biết bao người lặn lội đường xa mới tới được nơi này, trong khi chúng tôi không hề tính trước mà tới được tận nơi nhiều người ao ước. Nhà thờ giản dị như cuộc đời của Cha, có chỗ nuôi trẻ em mồ côi, đứng bên ngoài hàng rào nhìn các em hồn nhiên chạy nhảy nô đùa, tôi chạnh nhớ tới tấm lòng bao dung quảng đại khi đọc tiểu sử của một Linh Mục đã được phong Thánh. Nhà thờ có chỗ nghỉ chân cho khách đường xa tới hành hương, khu vệ sinh sạch sẽ, khu nhà ăn đồ sộ, đủ sức phục vụ cho con số khổng lồ người tới chiêm ngưỡng, cầu xin. Tất
 
cả đều miễn phí. Tôi đi qua các băng ghế đề tên người hiến tặng, và hình ảnh nhiều người gục đầu lâm râm khấn vái dưới tượng Cha, để thấy lòng xúc động dâng trào.
Trăm nghe không bằng mắt thấy.
Xem YouTube về nhà thờ Tắc Sậy, đọc tiểu sử Cha trên sách vở, vẫn gây tác động mạnh mẽ khi chiêm ngưỡng ngôi mộ của Cha nằm ngay đó, từ những mảnh ván của quan tài cũ lúc di dời mộ Cha về vĩnh viễn nằm ở nơi đây.
Xin nhân danh Cha & Con & Thánh Thần. Amen. Phúc thay cho những kẻ không thấy mà tin.
Chấm dứt ngày thứ hai của chuyến du ngoạn là bữa ăn thịnh soạn của Cà Mau: Cua gạch rang me. Có thực mới vực được đạo.
Cà Mau thiệt là đặc biệt, muỗi Cà Mau cũng nổi tiếng chẳng kém gì cua. Vừa ăn vừa gãi!
Mới đi có 3 ngày mà danh sách ăn uống lẫn nơi thăm viếng, dài như sớ Táo Quân. Vĩnh Liêm (tên kêu như ca sĩ) tài xế là dân sinh ở miền Tây sau mới lên SG, lại sống bằng nghề đưa khách du lịch đi tham quan, nên hễ
 tới nơi nào là nhắc cho mấy bà già vk khi xưa cũng sống ở nơi này các món ăn (trái cây) đặc biệt của nơi đến.
Dĩ nhiên kinh nghiệm sống của Vĩnh Liêm luôn luôn "hợp thời" (up to date), có điều bánh tằm xíu mại thì đoàn chúng tôi vuột ăn. Hàng quán dẹp hết rồi, đi nửa vòng trái đất, sống hơn nửa đời người cũng chẳng nếm lại được món ăn xưa. Nhìn khuôn mặt bức rức của cô bạn ráng lùng xục cho ra chỗ bán "bánh tằm xíu mại", mà không có, làm cho con nhỏ BK này thắc mắc; không biết nem công chả phượng của Vua Chúa có ngon như món bình dân này không nhỉ? Hay người ta ăn không phải bằng vị giác đơn thuần, mà
còn bằng ký ức kỷ niệm. Chắc
  là thế.
Củ lùn không đáng 1 xu, mà bạn tôi khi vừa thấy đã không kềm được cảm xúc, la lên như gặp lại người thân đã khuất. Tôi lại biết thêm món ăn (mới) dân dã của miền Tây: Củ lùn, củ lùn.
Ngày thứ tư
Bắt đầu từ Hà Tiên, nhà hai bên đường gắn đầy máy phát ra tiếng chim 24/7, để dụ chim yến tới làm tổ, nghe thật đinh tai nhức óc. Lại phong trào! Như chim cút ngày xưa chữa bá bệnh, đã làm tan gia bại sản biết bao người. Sữa ong chúa hơi xẹp xẹp, giờ tới chim yến. Khỏi cần trèo lên dốc đá cheo leo, nơi vách núi ở các đảo ngoài biển, để tìm tổ Yến. Người người đua nhau, nhà nhà thi nhau nuôi yến. Người ta bây giờ tham sống sợ chết, nhất quyết cãi lại quy luật tuần hoàn của sinh vật, muốn trẻ mãi không già, muốn hồng hào tráng kiện để hưởng mọi lạc thú ở đời. Ăn yến, uống (nước) yến, chữa bệnh cũng dùng các sản phẩm của con chim chút xíu đó. Hễ có người (chịu) mua, thì vẫn có người bán. Bán cho những người nhiều tiền lắm của, không biết xài đâu cho hết. Chỉ tội cho tụi tôi ở khách sạn mà phía ngoài gắn đầy máy phát (giả) tiếng chim, nhưng nhức đầu (thì thiệt).
Sau khi ra khỏi khu vực ồn tiếng máy, chúng tôi đi xem bắt cá trong hang Sơn Trà. Đường vào hang lởm chởm đá, phải có người dẫn đường chứ không lạc trong hang là hết đường ra. Không có đèn (điện) hay hệ
Khi ta ở, đất (chỉ) là nơi để sống. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.

thống báo động như các hang bên Mỹ (Luray Cavern). Tất cả đều để tự nhiên, chưa có bàn tay con người nhúng vào. Chúng tôi tới một nơi có nhiều khoảng trống bên trên (nóc hang), lộ ra ánh mặt trời và những vũng nước đủ để thả lưới bắt cá. Hễ chỗ nào có nước là có cá. Người dân địa phương cũng vào hang bắt cá bằng những dụng cụ thô sơ: nọp... Trong khi cha mẹ bung lưới, thì các con (nhỏ) cũng biết quơ tay bắt cá vô nọp làm cho đám dân thành thị này trố mắt khâm phục. Thám hiểm hang Sơn Trà thiệt là vui, đi lơ mơ là té xuống sình, quần áo ướt loi ngoi.
Ngày thứ tư, chúng tôi được đi ghe tới rừng tràm Trà Sư, thăm chùa bánh xèo (bữa trưa thế bằng bánh xèo), tiền ăn để cúng chùa. Nhất cử tam tứ tiện. Vừa được xem thao tác đổ bánh xèo (12 chảo một lúc), vừa được thưởng thức bánh nóng tại chỗ. Các bạn cứ vào Youtube " chùa bánh xèo" là thấy ngay. Rời chùa, đoàn du lịch ghé xem người Chăm dệt vải, những khung cửi đã có cả 100 năm, truyền từ đời ông tới đời con, đời cháu. Màu sắc & hoa văn trên các tấm vải dệt hơi hơi giống của dân thiểu số miền cao nguyên.
Bữa tối chúng tôi được ăn " lẩu bò", mỗi người được hút tủy bò từ những ống xương to như cái bình (điếu) thuốc lào. Khách ngồi la liệt đầy các bàn trong quán, bàn nào cũng chất cao nghệu các khuỷu xương bò có cắm ống hút. Một ngày họ phải giết bao nhiêu con bò để có bấy nhiêu xương? Mỗi con bò chỉ có 4 chân thôi mà. Ống nào cũng ngọt lịm tủy làm cho thực khách vô cùng thích thú.
Cám ơn Hiếu, hướng dẫn viên du lịch, nhất định không chịu thay đổi thực đơn theo đề nghị của vài người trong xe. Thì ra kinh nghiệm vẫn hay hơn cảm tính. Nhờ vậy đoàn du lịch chúng tôi có được những tấm hình hiếm có & cảm giác thích thú, vừa ngạc nhiên hiếu kỳ, vừa biết được hương vị đặc biệt của tủy bò. Quả là một kinh nghiệm tuyệt vời. Khi mình biết người khác sai (vì chưa biết), thì mình phải "cương quyết" giữ vững lập trường, cho người không biết "ngộ" ra. Phải không Hiếu?
Những tấm hình hút tủy bò "câu like" khá bộn.
Ngày thứ sáu
Là ngày mang tính cách" đạo diễn" nhiều hơn thực tế. Chúng tôi đi xem đầm hoa súng ở Long Xuyên, người ta đã hái sẵn rất nhiều hoa súng có cô thôn nữ chèo ghe, đem hoa đi bán. Hình chụp lên trông thật mơ mộng, lãng mạn. Vợ chồng bạn tôi, tay trong tay, bì bõm lội trong bùn để ra ghe, chồng đứng lái cho vợ ngồi rao "ai mua hoa súng hôn?". Chả là hết tiền đi chơi, mang hoa súng đi bán. Mộng không phải là thực. Đầm thì sình lầy, hoa súng bán chỉ để người ta lấy cọng, làm gỏi hay nấu canh chua. Không biết chèo, lớ quớ là lật xuồng, ướt loi ngoi, hết mơ hết mộng. Mang tiếng gà chết (dead chicken), tui ngồi trên bờ trông đồ dùm cho. Về nhà xem hình được rồi, diễn viên gà chết hổng dám lội sình, hổng ham bơi xuồng, sợ đỉa, sợ vắt, sợ bù mắt nên bị " trưởng đoàn" la chói lói, hăm dọa mai mốt không cho đi theo!
Rời đầm hoa súng, chúng tôi đi xem chỗ làm bánh phồng tôm, học được cách làm trứng muối vô cùng đơn giản. Tôm xay nhuyễn, trộn với lòng trắng trứng để làm bánh. Lòng đỏ rắc trên mặt lớp muối mỏng, dưới đáy tô trải 1 ít muối, chỉ vài hôm, lòng đỏ cứng lại bán cho các tiệm làm bánh. Thăm chỗ gói bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ, tôi bắt đầu tự tin khi biết trước khi gói, nếp phải xào với nước lá cẩm & nước cốt dừa cho dẻo mới gói được.Thế nào tôi cũng sẽ làm thử xem sao.
Thăm nhà cổ ở Bình Thủy, căn nhà này được dùng làm hậu cảnh phim L' amant nổi tiếng một thời, sau này có Việt Trinh đóng phim " Người đẹp Tây Đô" cũng dùng ngôi nhà này.
Thơ thẩn vào bên trong nhà, chúng ta có thể gặp lại hình ảnh của những vật dụng xưa cả thế kỷ, từ cái điện thoại cho tới cái bồn rửa mặt. Bàn ghế, tủ thờ cho tới kiến trúc bên ngoài của ngôi nhà, tất cả đều mang dáng vẻ cổ xưa. Trong nhà có tấm bảng cho thấy gia phả 5 đời của giòng họ chủ nhân. Không thế anh trâm phiệt, nhưng cũng nổi tiếng trong vùng: một gia đình gia giáo cha truyền con nối. Căn nhà được công nhận như một di tích quốc gia cần được bảo tồn.

 Chuyến du lịch miền Tây bắt đầu từ SG, tới chỗ cuối cùng là " Đất mũi", thì quay ngược lại nơi xuất phát. Vì vậy khi đi ngang Cần Thơ, trên đường về, chúng tôi ghé " vườn cò Bằng Lăng". Nếu muốn đi chợ nổi thì phải đi sớm, còn xem cò thì phải đợi lúc trời chập choạng tối (5-6 pm), sau khi kiếm mồi cò mới quay về tổ nghỉ ngơi. Cò "cũng giống" người, cò cha đi kiếm rơm làm tổ, cò mẹ ở "nhà" mớm cơm cho con . Tới khi cò đủ lông đủ cánh thì bay đi, nên Mỹ dùng chữ "empty nest" để nói cảnh bố mẹ già ở trong căn nhà rộng rãi (tổ trống) vắng bóng con. Nhà văn Trần mộng Tú bảo rằng đó là những người "mồ côi con". Trẻ không có người nuôi dưỡng, già không có người chăm sóc. Tất cả đều mồ côi, chứ không phải chỉ có mồ côi cha mẹ. Mồ côi cha, mồ côi mẹ, mồ côi con, mồ côi vợ, mồ côi chồng.
Đường vào vườn cò, phải dùng xe ôm: 1 xe 2 khách. Cô tài xế xe ôm chỉ tôi là con "cò ma" (ốm nhách), ngồi với ai đó hơi "mẩy mẩy" cho dễ chạy. Đứng trên lan can chờ xem đàn cò bay về, những cây gần tầm mắt các con cò "thanh niên" cũng mổ nhau chí choé giành chỗ ngủ. Như vậy đâu phải chỉ có người mới đánh nhau, chim chóc cũng vẫn "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" như thường. Chúng tôi thích thú nhìn mấy con cò "du côn" mổ lia lịa vô một con cò khác đứng im chịu trận, mổ chưa đã, còn bay lên tung "độc cước" song phi (2 chân) đá "người cô thế". Cá có "cá lớn nuốt cá bé". Người bắt nạt người, thì chim cũng có " đại bằng" (ở trong tù, hay khắp mọi nơi), quy luật muôn đời: Mạnh được yếu thua!
Có tới 300 ngàn con cò thuộc vài giống khác nhau ở vườn cò. Trên bầu trời nhìn từ xa, cò bay về theo bầy như hình cánh quạt, bầy nào cũng có một con bay trước dẫn đầu. Đàn cò từ xa bay trông rất "vũ bão" , như đoàn máy bay Thần Phong (Nhật) ào ào tấn công căn cứ Mỹ trong phim Trân châu Cảng (Pearl Harbor) năm xưa. Mọi người phấn kích hò theo" To To".
Cò chỉ bay về chừng 20' là trời sập tối. Phải mau mau "rút về" hậu cứ (xe đò) nếu không muốn muỗi bắt đầu tấn công bà con. Được ngồi xe ôm, xe chạy, người nhấp nhô nhồi lên xóc xuống vì con đường gập ghềnh khúc khuỷu ai cũng cảm thấy thiệt là vui. Tối ngày ngồi trên xe 4 bánh, chạy êm ru thiệt là chán.
Ngày thứ bảy.
Chúng tôi được đi ghe lần nữa. Miền Nam sông rạch chằng chịt, phương tiện giao thông phổ biến là xuồng nhỏ, các cô thôn nữ chèo ghe, chèo xuồng nhanh lẹ đưa khách đi khắp nơi thưởng ngoạn cảnh sông nước. Bạn tôi dùng smart phone chụp hình nhấp nháy, theo kiểu "mì ăn liền" đưa lên FB. Bà con ở nhà (Mỹ) xem xong thắc mắc: ủa sao không ai mặc áo phao hết vậy? Như vậy là không an toàn. Bạn ơi, ở đây người ta chỉ cài seatbelt, mang mũ bảo hiểm, mặc áo phao, chỗ nào có Cảnh Sát thôi !! Chứ trên ghe cũng có đầy áo phao, nhưng ông lái xua tay: khỏi khỏi. Ở đây không có Cảnh Sát. Người ta chỉ sợ bị phạt, chứ không sợ bị chấn thương sọ não vì không mang mũ bảo hiểm, không sợ bị văng ra khỏi xe khi có va chạm, vì không mang seat belt.
Ngay cả chuyện đi xem chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Ngã Năm, mọi thứ rác rưởi đều tuồn hết xuống sông. Bán xong, ghe nhẹ hều, lướt phăng phăng, để cho đám vk này trố mắt nhìn. Hình như chưa có chuyện phạt "tuồn mọi thứ xuống sông". Từ thùng móp bể, cho tới bao nylon, vỏ chai plastic, nghe nói VN vừa khuyến khích "chỉ xài 1 lần". Đủ thứ YouTube kể chuyện diễu. Thiệt khó à nghen. Tui cũng không thể tưởng tượng người bán sẽ dùng gì để gói những khoanh cá, miếng thịt cho người mua. Dĩ nhiên xài chất nhựa (rác) là điều chưa thể tránh.
Nhưng cách bỏ rác mới quan trọng. Ai cũng xem dục rác là chuyện của họ, còn dẹp rác là chuyện của ai đó, không liên quan. Tôi đã được xem bộ phim nói về cô gái bơi xuồng vớt rác ở chợ nổi. Cô kiên trì cần mẫn đi vớt rác trên sông nơi cô ở, mặc cho gia đình rầy la, còn người ngoài thì bảo con nhỏ đó khùng. Người tỉnh không làm chuyện đó, nên bây giờ mới " phát điên", cứ hỏi: Tại sao nước bị ô nhiễm.

Suốt 7 ngày du ngoạn các tỉnh miền Tây, chỗ nào cũng canh chua, cá chiên xù, cá kho tộ. Chúng tôi được ăn đủ loại rau thôn giã: hoa so đũa, bông điên điển, kèo nèo, lá dương xỉ, cọng súng, ngó sen, cần nước... Ai cũng ăn say mê, bảo nhau: ráng ăn, về Mỹ không có đâu. Nếu có thì đắt lắm, ăn vô "phỏng miệng". Nhưng tới ngày thứ 8, thì canh chua, cá chiên xù bắt đầu ế. Mọi người bàn nhau đi "ăn vặt" ngoài đường. Hột vịt lộn được ưu tiên đứng đầu danh sách, rồi tới bánh tiêu, bánh cam, bánh vòng, bắp (nếp) luộc, chuối nướng nước cốt dừa... Nước mía thì khỏi nói, chỗ nào có bán là mua. Không cần hàng chữ quảng cáo" Siêu sạch", vô quán nhậu không quan tâm hàng chữ" đảm bảo vệ sinh". Ngay cả ở bến Ninh Kiều, nhà hàng 5 * (năm sao) cũng treo bảng khuyến cáo AN TOÀN THỰC PHẨM. 1 sao, 2 sao, 3 sao, cũng " không sao". Dân Mỹ vẫn hồn nhiên vô tư ăn lia lịa. Bạn tôi kể rằng bây giờ ở Việt Nam (VN), người ta không còn bán mắc (bịp) Việt Kiều (VK) nữa. Tại vì ai cũng biết, VK cũng làm lụng vất vả mới có tiền. Tội nghiệp VK, nên không có bán mắc.
Chỉ có điều cái gì không bán được cho VN thì bán cho VK. Hèn chi khi ra chợ, mua cái gì về cũng bị la: Sao lấy cái đó? Ra chợ thấy ai mặt mày ngơ ngác, không biết đếm tiền, chính xác là "ở bển dìa".
Ngày thứ tám
Chuyến đi chấm dứt ở quán ăn có gà sao (lông giống gà Tây), cá lóc nướng ống. Du lịch miền Tây, thiệt là" đã", rẻ ơi là rẻ. Đáng đồng tiền bát gạo, bõ công ngồi máy bay 21 tiếng (ê mông, oải cổ). Chính phủ Mỹ mà không cấm, chắc tôi mang về đủ thứ "thượng vàng hạ cám" của xứ tôi.
Về miền Tây, tha hồ mà đi ghe. Có chỗ còn được đi xe thổ mộ (xe ngựa), xe ôm (tại xe lớn vô không được). Gặp những chiếc xe lam (chở khách) hồi xưa, bà con bấm máy lia lịa. Các cô tài xế xe ôm, luồn lách, chạy vù vù, xe chạy mình tưng lên tưng xuống qua mấy chỗ ổ gà. Vừa vui vừa bùi ngùi nhớ lại những ngày đi học, xe lam chật ních, hết chỗ, vẫn có 2 cô nữ sinh ngồi "kè" hai bên chú tài xế, áo quần xốc xếch, mồ hôi "chua lè"!
Về lại quê xưa mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Mỗi con đường góc phố đều mang đầy kỷ niệm. Ngồi trên xe, tôi hỏi các bạn tựa đề bài viết (mỗi khi đi chơi tôi phải viết bài kể chuyện cho các bạn ở nhà "cùng đi" cho vui). Tôi định dùng: TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA. Tuấn la lên: nhà xưa nay chỉ còn "cái nền", nó đã biến thành siêu thị mất rồi. Không còn là nhà xưa (của mình) mà trở về. Bây giờ mọi thứ đều xa lạ. Bỏ tựa đề này.
TÌM LẠI HƯƠNG XƯA, có người phản đối: chưa biết (như tôi) đâu gọi là tìm lại, mà là khám phá. Tôi nhìn quanh mọi người, có cả cậu QT sinh ra & trưởng thành ở Mỹ, không thể gọi trở về hay tìm lại.
Người Việt chúng ta ở khắp nơi trên thế giới, dù trải qua bao nhiêu thế hệ F1, F2, F3 ông cha con cháu, thì mãi mãi vẫn là dân da vàng mũi tẹt. Chúng ta không thể thành dân mũi lõ, mắt xanh, tóc hoe. Dù chỉ là lần đầu tiên về VN, nhưng con cháu của chúng ta cũng thích thú thưởng thức các món ăn truyền thống của người Việt. Phải chăng đó là hồn dân tộc, đã thấm vào trong máu, trong từng tế bào. Phải rồi, dù lưu lạc chân trời góc bể hay vẫn sống ở hang cùng ngõ hẻm nào đó trên quê nhà, thì mùi thơm của đất, của lúa, của hoa, của trái vẫn là thứ đưa ta trở lại quê nhà.
Tôi chợt tìm ra câu trả lời. Đúng rồi đó chính là: MÙI QUÊ HƯƠNG.
Đâu đây văng vẳng tiếng ai hò, nghe sao ngọt lịm. Đúng rồi, còn ai vào đây nữa. Vĩnh Liêm đang cất giọng ca bài vọng cổ : Tình anh bán chiếu. Ôi lời ca mộc mạc đơn sơ, nghe như thấm vào tận cùng tâm khảm. Tình anh bán chiếu (Út Trà Ôn).
Khi xe chạy, tôi nhìn các bảng hiệu của các tiệm bên đường. Chỉ cần nghe tên, chúng ta có thể biết ở miền nào. Miền Tây dùng con số thứ tự các con, người đầu là Hai, còn nếu gọi Một, tức là nói tắt số 11.
Đứa con cuối cùng là ÚT. Chỉ mỗi tội "tưởng là út", nhưng lại thêm đứa nữa "lòi ra". Nên khi tôi hỏi: Sao gọi con là Út Bé. Câu trả lời: tại trước con, có anh Út rồi. Giờ anh thành Út Lớn. Con còn thêm 2 đứa em là Út Mót & Út Chót. Thì ra là như vậy.
Về miền Tây tôi bắt gặp kiểu nói "con cá gô bỏ vô gổ, kêu gột gột" (con cá rô bỏ vô rổ, kêu rột rột), khi tôi hỏi: bao nhiêu 1 ký? "chăm gử" (trăm rưởi).
Đâu đây văng vẳng bài ca: Tình hoài Hương của Phạm Duy.
Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa

Trời về khuya vẳng tiếng sáo đê mê ...
Lại Thị Mơ
Hình từ trên Internet

Tình Yêu Thời nCoV

ĐIỀU LÝ THÚ VỀ LỄ TÌNH YÊU
73% người mua hoa trong ngày 14 tháng 2 là đàn ông , 27% là phụ nữ
15% phụ nữ mua hoa gởi cho chính bản thân họ trong ngày lễ tình yêu
3% số người tặng quà cho pets ( con vật nuôi yêu thích)
Khoảng 1 tỷ thiệp Valentine được gởi đi mỗi năm, nhiều thứ hai chỉ đứng sau thiệp Giáng Sinh.
Giáo viên nhận được thiệp Valentine nhiều nhất, tiếp đó là trẻ em, mẹ, vợ, người yêu và thú nuôi yêu thích.  85% người mua thiệp Valentine là phụ nữ.
💝
Món quà Valentine giá trị nhất của mọi thời đại là tháp Taj Mahal ở Ấn Độ do hoàng đế Mughal Emperor Shahjahan xây để tặng cho vợ ông đã mất.

Hàng năm hơn 189 triệu đóa hoa hồng được tặng nhau chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ .
Vào năm 1969, trong việc sửa đổi Lịch các thánh, ngày lễ Thánh Valentine vào ngày 14 tháng 2 đã được đưa ra khỏi Lịch chung của Vatican và được đưa vào hạng đặc biệt (lịch địa phương hoặc thậm chí quốc gia).
Trong Hoa Kỳ, Hội Thiệp Chào Đón ước tính khoảng 190 triệu thiệp valentine được gửi tặng mỗi năm trong Hoa Kỳ. Một nữa trong số ấy được tặng cho những người thân ngoài vợ với chồng, thường thì cho các đứa con. Nếu tính luôn những thiệp làm trong trường thì có thể lên tới 1 tỉ thiệp, và các thầy cô là người nhận được thiệp nhiều nhất.
 - Trong một số nước trên thế giới, các học sinh tiểu học làm thiệp và gửi cho nhau và thầy cô. Trong thiệp của các em cũng bày tỏ cảm xúc mến đến các bạn khác giới.

Vào thiên niên kỷ mới, mới sự ra đời và lớn mạnh của Internet đã dần dần tạo thành những truyền thống tặng thiệp mới. Hàng triệu người trên thế giới bắt đầu sử dụng thiệp in ra được trên mạng hoặc gửi thiệp bằng mạng như e-thiệp. Ước tính khoảng 15 triệu e-thiệp được gửi vào năm 2010.
(Nguồn: Sưu tầm trên internet)

Nói đến tình yêu, chúng ta không chỉ nghĩ đến tình yêu thơ mộng của chuyện tình nam nữ mà còn có những tình yêu nhẹ nhàng, tình cảm khác cũng cần đưọc nhắc đến và vinh danh.

Người viết xin mời bạn đọc câu chuyện cực ngắn dưới đây thật là dễ thương đã giúp ta tìm hiểu tình yêu có thể được diễn đạt qua nhiều hình ảnh khác và món quà trao cho nhau đâu cần phải là bó hoa hồng rực rỡ hay hộp chocolate béo ngọt.
     Vòng cẩm thạch
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: - Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui. Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           (Nguồn: sưu tầm trên internet)

Thế giới năm 2020 vẫn còn kinh hoàng lo sợ về đại dịch Coronavirus Wu Han đã, đang lây nhiễm đến nhiều người và số tử vong càng ngày càng tăng lên rất cao. Mời xem thống kê dười đây:

Cập nhật tình trạng hàng giờ với số liệu, dịch viêm phổi Coronavirus trên toàn thế giới:
 💔
 Xin mời Quý Vị click vào link dưới đây của Center for System Science and Engineering (CSSE), thuộc Johns Hopkins University, Baltimore, Maryland.

https://gisanddata.maps.arcgis.com/apps/opsdashboard/index.html#/bda7594740fd40299423467b48e9ecf6
   Washington, D.C
 🍒
 Lễ Tình Nhân Valentine's Day năm 2020 chắc chắn sẽ không "vui vẻ, hồ hởi, phấn khởi  như những năm trước đây, nhất là ở những nơi đang bị đại dịch Corona Virus nặng như Wu Han, Chiết Giang, Hàng Châu v..v... "đang bị cô lập"  ở Trung Quốc.
 😒
 Nam nữ yêu nhau sẽ không dám hôn một cách nồng cháy, thắm thiết hoặc phải “bị” hôn qua lớp cửa kính & chiếc khẩu trang kín mít để tránh bị lây nhiễm.
 🎋 Cô bạn văn nghệ của người viết, nhà thơ PT Minh Hưng vừa mới gửi đến người viết một ảnh thơ của bài thơ Tình Yêu Thời Dịch - Đau Thương Lắm ..mới vừa được sáng tác trong đó có hình ảnh một cặp tình nhân đang hôn nhau qua khẩu trang, thật rất cảm động .
- Bài thơ thật buồn, thật xúc động. Xin mời qúy bạn thưởng thức và xin cám ơn nhà thơ PTMH đã chia sẻ bài thơ đầy tính nhân bản này.

  TÌNH YÊU THỜI DỊCH nCoV
   💔  Đau thương lắm, nCoV!
Cố gắng lắm cũng chừng này thôi anh
Cách chia nhau lớp cửa kính tội tình
Cái khẩu trang có giữ toàn sinh mệnh
Cho đôi mình còn tiếp nối yêu thương
 💕
Xa nhau rồi lòng đau đáu trông mong
Biết nơi ấy người yêu có còn khỏe mạnh
Chống chọi con nCoV ác ôn, giết hại
Biết bao người lương thiện chết oan khiên...
 💕
Bởi vì đâu? Bởi lòng tham vô đáy
Bởi hận thù kẻ thắng ghét người thua
Bởi tàn phá thiên nhiên, hại sinh vật quanh mình
Bởi vô tình hay cố ý gieo rắc đau thương cho đồng loại?
 💔
Cả thế giới kinh hoàng.
..Cơn dịch hoành hành nghiệt ngã
Những chiếc khẩu trang lên ngôi, như cứu tinh số 1
Ngăn chặn và bảo vệ phần nào cho chính bản thân!
 💔
Cầu mong qua nhanh ngày tháng đau thương khốn nạn
Hãy hủy diệt mau dịch bệnh NCoV, cho lòng người thanh thản
Con quỷ nCoV. Đừng đến nhiều nơi giết hại dân lành
Lời nguyện cầu này bằng cả tấm lòng yêu thương nhân loại
💔
Gởi về bốn phương-tám hướng
- Trời cao ơi! Thượng đế ơi!
Có thấu hiểu.cho chăng, lời cầu cứu của những con người đau khổ đang lâm hoạn nạn
.. nơi trần thế dối gian này?!
 🌷 Ptminhhung Pham.
(Bài thơ cảm tác - SG-11:10’-T6-07/02/2020)
       & Nhạc:
https://youtu.be/Qhimmo-ZABY

Trái tim tình cảm của người nghệ sĩ rất dễ xúc động trước mọi tình huống vui buồn, đau khổ của cuộc đời nhân thế nên đã viết thành những bài thơ, lời nhạc để nói lên những xúc cảm đó.
 🎋 Chắc chắn bạn sẽ thấy xúc động khi xem youtube hay về Corona virus, nhạc hay với âm điệu bản nhạc  'Sound of Silence'. và những chi tiết rất hữu ích dưới đây:
Youtube Fight the Virus - Alvin Oon
Simon & Garfinkel ‘ s new song
https://youtu.be/JYTzX9JCbDY
https://www.youtube.com/watch?time_continue=45&v=JYTzX9JCbDY&feature=emb_logo
(Nguồn: Email bạn gửi. Cám ơn Kate nhé)
🍂 Tình yêu thiêng liêng của Tổ quốc, tình yêu cao cả của mẹ cha, tình yêu thơ mộng của gái trai nam nữ, tình yêu nhân loại v..v...tình yêu nào cũng có giá trị của nó. Xin chúc bạn lúc nào cũng có một trái tim tình cảm để có thể yêu hết những gì đáng yêu trong chốn bụi hồng này, bạn nhé!
🙏 Xin cầu nguyện cho các nạn nhân đang bị nhiễm bệnh, tất cả các nhân viên y tế đang chăm sóc các nạn nhân  được bình an trong đại dịch Corona. Cũng xin cầu nguyện các nhà khoa học nhanh chóng tìm ra thuốc chửa bịnh  "quái ác" này.
 💕
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Happy Valentine’s Day

Người giữ vườn “Một Cõi Thiền Nhàn” - Bài 501.

Sương Lam_Portland.

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi)