Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

TÌNH GỞI GIÓ MÂY.

TÌNH GỞI GIÓ MÂY.
     Xin gởi chút tình theo gió bay
Chút hương chất chứa nỗi mơ say
Mây ơi nhớ nhé đưa người ấy, 

Và nhắn rằng mộng vẫn ngất ngây
   Xin viết vần thơ gởi gió mây
Lời yêu còn đó những hao gầy
Những chiều nhạt nắng đi tìm mộng
Con đường xưa vắng bước chân ai!
    Ảo ảnh vơi đầy nỗi nhớ mong
Người xa nơi ấy có thay lòng?
Trông ngóng cánh chim đà khuất nẻo
Chiếc lá bay theo gió lạnh lùng
     Tình ơi sao như gió cuốn bay
Ánh trăng chứng tích, nhớ nhung đầy
Lời hẹn ước xưa buồn tuyết đổ,
Trời cao mây xám, khóc tình phai!
 Phạm Thị Minh-Hưng.

**
Truyện Phương Lan:
Bản án chung thân:   https://www.youtube.com/watch?v=VUBl4jKzWYI

**


Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

SUY TƯ TÌM CHÂN LÝ


Kính chuyển quý bạn đọc vài mẫu chuyện nhỏ để suy ngẫm. Nguồn từ Internet.

PH-NTH

- "Những câu chuyện cho thấy cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Vì thế đừng vội xét đoán, kết án. Và cũng phải sẵn sàng thay đổi cái nhìn của mình khi chúng không còn đúng với sự thật nữa. Quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta muốn có những thay đổi lớn trong cuộc đời mình thì trước hết phải thay đổi cách nhìn về người khác. Hãy đeo cặp kính khác rồi mọi sự sẽ thay đổi theo ta."

- "Không ai có thể nói trước bất kỳ điều gì. Hôm nay chúng ta giàu, ngày mai chưa thể biết được thế nào. Hôm nay chúng ta có địa vị, danh tiếng, được mọi người tôn sùng nhưng ngày mai mọi chuyện đều có thể xảy ra, chúng ta có thể mất hết. Ngược lại, có những người phạm tội, nhưng sau đó nhận ra sai lầm và hoàn lương, luôn cố gắng sống tốt nhất có thể thì chẳng lẽ chúng ta cứ phán xét người đó như một phạm nhân."


- "Khi phán xét ai đó, chúng ta đã tự gieo vào đầu mình những ý nghĩ tiêu cực, thù hằn và bực bội. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của chính chúng ta, làm cho chúng ta không thể vui vẻ, hạnh phúc, bình an được khi trong đầu toàn những ý nghĩ tiêu cực như vậy. Những cảm xúc này lại dẫn đến hành động. Chúng ta đối xử với người khác như cách chúng ta nghĩ về họ. Và nếu ta đối xử với họ như vậy, luôn săm soi để tìm ra lỗi của họ rồi phán xét thì tất nhiên họ sẽ phải đề phòng. Ta sẽ chẳng có mối quan hệ tốt đẹp và chân thành nào nếu cứ tiếp tục như vậy."
- "Khi phán xét người khác, chúng ta đã tự khép cánh cửa để học hỏi lại, tự nhốt mình trong căn phòng bảo thủ u tối và chật hẹp. Căn phòng đã nhỏ, tối và thiếu không gian, ánh sáng đó lại tràn ngập những phán xét. Điều này cũng đồng nghĩa rằng ta đã đi ngược lại con đường làm cho bản thân mình tốt đẹp hơn."

Chuyện xưa: NỒI CƠM CỦA KHỔNG TỬ

Một ngày kia Khổng Tử đang đi trên đường cùng với các môn sinh đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Gặp lúc nước Tề đang mất mùa vì hạn hán và dân chúng bị đói khổ cùng cực khắp nơi. Về phần thầy trò Khổng Tử cũng phải ăn trừ cơm bằng những củ khoai mì, măng tre hay bất cứ thứ đồ ăn gì kiếm được. Một hôm thầy trò Khổng Tử được một người đem đến biếu một ít gạo, đủ để nấu một nồi cơm, Thầy trò Khổng Tử đều tỏ ra phấn khởi vì đã nhịn đói lâu ngày. Bấy giờ Tử Lộ có nhiệm vụ dẫn anh em vào rừng hái rau, còn Nhan Hồi thì được phân công ở nhà nấu cơm. Khổng Tử lúc đó đang nằm đọc sách ở nhà trên, bỗng nghe thấy có tiếng "cộp" từ bếp vọng lên. Khổng Tử tò mò nhìn xuống dưới bếp thì nhìn thấy Nhan Hồi đang dùng đũa lấy cơm trong nồi ra, để lên tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Sau đó nhìn trước nhìn sau không thấy ai, anh ta đậy nắp nồi lại rồi đưa từng nắm cơm vào miệng nuốt lấy nuốt để. Nhìn thấy mọi cử chỉ của Nhan Hồi Khổng Tử chỉ biết lắc đầu thở dài và ngửa mặt lên trời than rằng!

"Ôi chao, học trò bậc nhất của ta mà lại ăn vụng hèn hạ như vậy sao? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nơi hắn thì bây giờ đã tan thành mây khói hết". 

Khi bữa ăn đã dọn xong và thầy trò đều ngồi vào bàn thì Khổng Tử lớn tiếng hỏi các học trò xem mình có nên lấy một bát cơm để cúng cha mẹ hay không? Mọi người đều cho là phải, duy chỉ có mình Nhan Hồi là không đồng ý. Khi được hỏi lý do, thì anh ta cho biết như sau: "Thưa Thầy, con nghĩ là không nên cúng, vì trong lúc mở vung ra xem cơm trong nồi đã chín đều chưa, thì tự nhiên cơn gió mạnh thổi đến, làm cho bụi bặm và bồ hóng ở trên gác bếp rơi xuống. Con vội đậy vung lại nhưng vẫn không kịp, cơm trong nồi đã có đầy bụi ở mặt trên. Sau đó con dùng đũa lấy ra lớp cơm bẩn định sẽ đem vất đi. Nhưng rồi con lại nghĩ rằng: Thầy trò ta lâu không được ăn cơm. Mà số cơm bẩn lại nhiều tương đương với phần ăn của một người. Do đó con đã mạn phép thầy và các anh em để ăn trước phần cơm bẩn ấy. Thưa Thầy, thế là hôm nay con đã được ăn rồi và bây giờ con chỉ ăn thêm phần rau thôi. Vừa nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng: 
"Ôi chao! Thế là trên đời này cũng có những sự việc chính mắt ta trông thấy tỏ tường mà vẫn không biết rõ thực hư! Suýt nữa ta trở thành một kẻ xét đoán hồ đồ và bất công rồi".

 Hãy cho nhau một cơ hội để giải bày

 Rất nhiều sự việc trong cuộc sống mà tận mắt thấy, nghe thấy tận tai, nhưng nó chưa chắc đã tương tự với những gì ta nghĩ và ứng xử với người.

Một người đàn ông ra ngoài săn bắn, để con chó ở nhà trông chừng đứa bé. Khi ông trở về, nhìn thấy khắp sàn nhà toàn là máu, nhưng lại không thấy đứa bé đâu cả. Còn con chó thì vừa liếm máu tươi ở khóe miệng, vừa vẫy vẫy cái đuôi vui vẻ nhìn ông.

Người đàn ông nổi giận, liền rút súng bắn vào đầu con chó. Sau tiếng nổ của súng. Con chó chỉ kịp rú thảm lên một tiếng, làm cho đứa trẻ đang ngủ say trên mình nó tỉnh dậy và bật khóc thét lên vì sợ. Cúi xuống bế đứa bé lên ông ta mới kịp phát hiện ra một con chó sói bị thương nặng đang nằm bên cạnh góc tường... Khẩu súng rơi khỏi tay và toàn thân ông ta như bị nhũn ra rồi từ từ khuỵ xuống.

Rất nhiều sự việc trong cuộc sống mà tận mắt thấy, nghe thấy tận tai, nhưng nó chưa chắc đã tương tự với những gì ta nghĩ và ứng xử với người.

Trong giao tiếp, nên cho người ta có cơ hội để trình bày, và hãy nhẫn nại lắng nghe những lời giải thích của người ta. Có như vậy, cuộc đời chúng ta sẽ tránh được rất nhiều điều khiến ta phải hối tiếc về sau này.

Không cho và nghe người khác giải thích đó không phải là thể hiện sự mạnh mẽ, hoặc cá tính gì mà nó chính là sự gia trưởng độc đoán và bất công, không có trách nhiệm với chính mình và những người khác. Mình không hỏi, bạn không nói, sẽ tạo ra khoảng cách. Mình hỏi rồi, bạn không trả lời, cuối cùng cũng rời xa. Mình hỏi, bạn trả lời, sẽ là tôn trọng. Mình muốn hỏi, bạn muốn nói, cả hai sẽ thấu hiểu nhau. Mình chưa hỏi, bạn đã nói, đó chính là tín nhiệm. Cho gì, nhận nấy: ta tôn trọng người và người cũng sẽ tôn trọng ta.

Chuyện ở đời, đừng vội phán xét ai

Chuyện ở đời muôn hình vạn trạng, đừng vội nhìn, đừng vội phán xét vì đơn giản rằng chúng ta là… người ngoài cuộc.

Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cứu hộ.

Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu…

Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”

Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi.”

Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!”

Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?”

Học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.”

Thầy giáo xúc động: “Trả lời rất đúng.”

Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã giành lấy cơ hội sống duy nhất về mình. Trong nhật ký viết rằng: “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”

Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.

Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.

Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa của trách nhiệm.

Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai, mà là người ta hiểu được sự trân quý của người bên cạnh mình.

Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem người đó là bạn.

Đừng vội phán xét

Đừng mang cuộc sống của mình đi so sánh hay áp đặt những chuẩn mực cuộc sống của mình với cuộc sống của người khác để rồi phán xét hay phê phán. Hãy tôn trọng cuộc sống của người khác.

Tiến sỹ Albe vừa học ở nước ngoài về, một ngày nọ ông đến một thị trấn hẻo lánh để lấy thông tin thực tế cho công trình nghiên cứu của mình. Qua nhiều giờ đi tàu, Tiến sỹ Albe đến một con sông lớn, không thấy có cây cầu nào bắc qua, cũng không có tàu thuyền gì đậu ở bến. Đang loay hoay không biết sẽ qua sông thế nào thì Albe thấy có một con thuyền đánh cá nhỏ đi qua, vị Tiến sỹ gọi ông lão ngư dân đang chèo thuyền và nhờ  đưa ông ta qua sông, ông sẽ trả tiền, ông lão ngư dân đồng ý.

Xuống thuyền, Tiến sỹ Albe luôn miệng chê thuyền bẩn, sợ bẩn hết bộ quần áo đang mặc. Ông lão ngư dân hỏi: 
“Ông ăn vận lịch sự thế này chắc từ thành phố tới?”. 
Albe vênh mặt trả lời: 
“Tất nhiên rồi, tôi là Tiến sỹ khoa học, làm việc bằng cái đầu, sao có thể ăn vận như các ông được."

Ngồi mãi, Tiến sỹ Albe bắt đầu sốt ruột: 
“Sao thuyền gì mà đi chậm như rùa, mãi không sang tới nơi, thời đại nào rồi mà giờ còn dùng cái phương tiện thô sơ như này được chứ”. 
Ông lão ngư dân cười hiền hậu: 
“Ở đây có thuyền để đi lại như thế này là tốt lắm rồi ông ạ, tôi cũng đang cố gắng chèo nhanh để về nhà vì lát sẽ có bão”. 
Tiến sỹ Albe lắc đầu: 
“Vớ vẩn, trời trong xanh thế này, sao mà bão được, ông xem dự báo thời tiết ở đâu thế?” 
Ông lão trả lời: 
“Sáng sớm nay trời đỏ rực là sẽ có bão”.

Tiến sỹ Albe hỏi: 
“Ông cũng biết về khí tượng học à?” 
Ông lão trả lời: 
“Khí tượng học là gì, ngư dân chúng tôi chỉ biết nhìn trời theo kinh nghiệm thôi!” 
Tiến sỹ Albe nhếch mép: 
“Vậy là đoán mò, chứ kể cả Tiến sỹ như tôi mà không nghiên cứu về khí tượng thì cũng chả biết được”. 
Ông lão hỏi: 
“Thế ông nghiên cứu ngành gì?” 
Albe hỏi lại: 
“Thế ông có biết văn học không?”
 “Không”, ông lão ngư dân trả lời. Tiến sỹ Albe lại hỏi có biết về địa lý không, lịch sử không, rồi còn toán học, hoá học, ông lão cũng đều trả lời không, Tiến sỹ thốt lên: 
“Thật đáng buồn cho ông, cái gì ông cũng không biết thì cuộc sống còn gì ý nghĩa nữa, ông sống như thế có khác nào chỉ sống có một nửa cuộc đời”. 

Gần đến bờ thì trời nổi gió to, mây đen vần vũ và mưa đổ ập xuống. Con thuyền tròng trành giữa sóng nước cuồn cuộn. Ông lão hét to: 
“Phải nhảy xuống bơi vào bờ thôi, thuyền bị thủng nước tràn hết vào rồi”. 
Tiến sỹ Albe run rẩy kêu lên: 
“Tôi không biết bơi!”, và ông bị con sóng ập đến hất xuống nước không biết gì nữa.

Tỉnh dậy, thấy mình nằm ướt sũng trên bờ sông, Tiến sỹ Albe vẫn còn run rẩy hỏi ông lão ngư dân: 
“Ông cứu tôi à?” 
Ông lão vẫn nụ cười hiền hậu trả lời: 
“Tôi không cứu ông thì ông đã chết cả cuộc đời rồi chứ đến nửa cuộc đời cũng chả có mà sống đâu, ông Tiến sỹ ạ!”

Mỗi người có một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng và quan trọng là chúng ta thấy vui sống trong hoàn cảnh và cuộc sống ấy. Đừng mang cuộc sống của mình đi so sánh hay áp đặt những chuẩn mực cuộc sống của mình với cuộc sống của người khác để rồi phán xét hay phê phán. Hãy tôn trọng cuộc sống của người khác.

Chuyện nay: ĐỪNG VỘI XÉT ĐOÁN

"Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Âu Châu, đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của London. Sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ máy bay.

Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người làm gì đó sột soạt ở bàn mình. Liếc nhìn qua tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô, bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình.

Một phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.

Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết cỡ nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.

Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận. Tuy nhiên, các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó. Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người ta. Chàng kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng".


Tản mạn về Nhân Sinh Quan
Trầm Thiên Thu

Nhân sinh quan là gì? 
Nhân sinh quan (conception de la vie, conception of 
life) là quan niệm của con người đối với cuộc sống. 
Như vậy nghĩa là mỗi con người đều có một nhân sinh 
quan riêng. Dĩ nhiên cần có một nhân sinh quan 
đúng đắn!
Manurti nói: "Quá phê phán người khác là phủ nhận 
quyền tự do sống của họ". Vì vậy, chỉ nên phê phán 
bằng tinh thần xây dựng chứ đừng ngụ ý xoi mói, 
xúc xiểm nhau. 
Tuy nhiên cũng cần khẳng định rằng không thể có 
sự tiến bộ nếu không có sự phê bình - nhưng phải 
xuất phát từ lòng yêu thương. 
La Rochefoucauld đã mạnh dạn kết luận: 
"Tất cả các dòng sông bác ái đều chảy vào biển cả
 ích kỷ". Đó là một sự thật minh nhiên mà người ta 
khó có thể dám chấp nhận, dám đối diện. Người ta 
dễ bị coi thường khi phải nhờ vả người khác, 
thậm chí có thể xảy ra giữa quan hệ thân thuộc 
hoặc phu thê. Sự thật luôn phũ phàng, nhưng 
vẫn là sự thật. Tuy nhiên, luôn cần giữ niềm tin 
và niềm vui.

Ai cũng muốn được khen, nghĩa là không ai muốn 
bị chê. Nhưng cứ nhận lời khen mãi, người ta sẽ dễ 
kiêu ngạo và ảo tưởng. Thật vậy, người khen ta chưa 
đáng quý trọng, thậm chí có thể là kẻ thù địch mà 
nịnh bợ để lấy lòng. Nhưng người dám phê bình ta khi 
nhận ra sai trái, đó mới là bạn tốt, là người đáng quý 
trọng, là thầy ta, nhất là những người vì lợi ích của ta 
mà dám phản đối ta cả trăm lần. 
Kinh Thư đã dạy: "Với một câu nói trái ý, nên xét xem 
có hợp lý không; với một câu nói chiều lòng, nên xem 
xét có vô lý không"
Đức Phật xác định: "Hãy coi người chỉ lỗi cho ta như 
người chỉ cho ta kho tàng"
Đức Giêsu khuyên: "Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán,
đừng thấy cái rác trong mắt người khác mà lại không 
thấy cái xà trong mắt mình"
Chưa đáng trách khi sai lỗi nhưng đáng trách khi biết 
sai mà không chịu sửa. Đó là cố chấp. Ai không chịu 
rút lại ý kiến sai là người không chuộng chân lý, không 
phục thiện.

Người tự trọng thì luôn tôn trọng người khác, luôn 
trọng chữ tín, luôn tỏ ra cao thượng và có động thái 
của một quân tử. Điều đó tạo nên tính cách của một 
người có nhân cách. Lời hứa thường là lời nói có cánh. 
Nói dễ nhưng làm khó. Ai càng dễ hứa thì càng dễ 
lỡ hứa. Tại sao người ta hứa? Vì sợ người khác không 
tin. Cũng vậy, tại sao người ta ghét bạn? Vì người ta 
muốn được như bạn mà không được. Có vẻ nghịch lý 
nhưng lại hoàn toàn thuận lý. Lới hứa có hệ lụy với 
chữ TÍN. Từ chữ tín mà có sự chung thủy trong 
tình yêu đôi lứa. Hẳn là không vô lý khi người Anh 
dùng từ ngữ "sweet nothings" để diễn tả những lời thề 
non hẹn biển, tán tỉnh, o bế hoặc nịnh hót của những 
người đang yêu nhau.

Trong cuộc sống đời thường có nhiều người chưa biết 
sử dụng các từ ngữ "cảm ơn" và "xin lỗi". Rất đơn giản 
mà hiệu quả. Dù là ai, ở cương vị nào, với mối quan hệ 
nào cũng vẫn cần sử dụng các từ đó. Thật là nông cạn 
và sai lầm khi cho rằng không cần "khách sáo" 
với nhau!
Biết sử dụng các mỹ từ đó cũng là một động thái đậm 
nét liên quan chữ tín. Dù có là "ông kia, bà nọ" thì 
trước tiên người ta phải là "con người" đúng nghĩa.

Rivarel nói: "Sự khiêm nhường luôn có hệ lụy với với 
lòng khoan dung, còn lòng kiêu ngạo luôn có dính líu 
tới lòng ghen tỵ". Người khiêm nhường không thể cộc 
cằn, thô lỗ, xốc nổi, độc đoán hoặc cố chấp, 
vì "khiêm nhường không thờ ơ với lời khen mà cũng 
chăm chú nghe lời chỉ trích" (Jean-Paul Sartre). 
Nhờ đó mà người ta khả dĩ khôn ngoan hơn. 

Rất chí lý khi Tạo hóa cho mỗi người có 2 chân, 2 tay, 
2 tai, 2 mắt, 2 bán cầu não, nhưng chỉ có 1 miệng. 
Nghĩa là chúng ta phải đi nhiều, hành động nhiều, 
nghe nhiều, quan sát nhiều, suy nghĩ nhiều, nhưng
... NÓI ÍT.

Yêu thương có hệ lụy với chữ tín. Người trọng chữ tín 
là người không nói suông. Ít nói, nhưng đã nói là làm. 
Họ trì hoãn hứa để luôn trung thành với giữ lời hứa, 
như Napoléon I khuyên: "Cách giữ lời hứa tốt nhất là 
đừng hứa gì cả". Dục tốc bất đạt. Đừng vội vàng mà 
hãy chín chắn, như tục ngữ Việt Nam có câu: 
"Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói". Càng phải cẩn thận hơn 
khi đó là lời hứa, chẳng hạn khi chọn bạn thì hãy từ từ, 
và khi muốn thay bạn thì càng nên từ từ hơn.

Độc đoán, cố chấp, ích kỷ, kiêu ngạo và tự ái có hệ lụy 
gần gũi với nhau. "Thuận ngôn nghịch nhĩ" nhưng 
"cái tôi" trong con người quá lớn nên lấn lướt và xúi 
giục lý trí hành động sai lệch. Vì thế, Pascal đã xác 
định: "Cái tôi là đáng ghét". Đàn áp, lấn át người khác 
thì dễ, nhưng chiến thắng chính mình thì vô cùng khó 
khăn. Ai có thể chiến thắng chính mình thì mới thực sự 
là người vĩ đại.

Carandier phân tích: "Người muốn làm thì tìm ra 
phương tiện, người không muốn làm thì tìm ra lý do"
Cứ ngỡ đơn giản nhưng lại chứa đựng cả một triết lý 
thâm thúy. "Nói trước bước không qua" là vậy. 
Người ta dễ thất hứa, một phần là do khinh suất. 
Người ta thường có "xu hướng" lấy cái phụ làm cái 
chính - và ngược lại. Có những điều cần đơn giản hóa, 
nhưng có những điều không nên đơn giản hóa.

Nhân vô tập toàn. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. 
Không ai dám chê trách người khác khi chính mình 
vẫn còn nhiều lỗi lầm. Như ca dao Việt Nam:
Chân mình còn lấm bê bê 
Mà còn cầm đuốc đi rê chân người
Và tôi cũng không dám "bạo phổi" mà lạm bàn, chỉ 
muốn tìm một triết-lý-sống để không ngừng cố gắng 
tự hoàn thiện, càng nhiều càng tốt.

Bạn đừng vội cảm thấy bị chạm tự ái nếu chút thiển ý 
của tôi gây "dị ứng" đối với bạn. Hy vọng bạn cũng cởi 
mở và không hề tự ái. Chắc chắn "không ai cao đến 
mức không bao giờ phải vươn, và cũng không ai thấp 
đến mức không bao giờ phải cúi xuống" 
(M. D. Baughman).

Để kết, xin mượn lời Dục Tử để chia sẻ: "Biết hay mà 
không tin thì là dại, biết dở mà không sửa thì là mê"
Quả thật, con người rất yếu đuối và luôn đầy tham-sân
-si. Hy vọng mỗi chúng ta khả dĩ giữ lòng thanh thản 
với tinh thần của sách Luận Ngữ: 
"Triêu văn đạo, tịch tử khả hỷ" (sáng nghe được đạo, 
chiều chết cũng vui). Theo tôi, đó là điều cần thiết và 
là niềm hạnh phúc với một nhân sinh quan đúng đắn.
PH-NTH Sưu tầm