Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

CÁC TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT XUYÊN THỜI ĐẠI về TÌNH YÊU



Từ xưa, tình yêu luôn là một đề tài lớn trong nghệ thuật. Đã có biết bao nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm vĩ đại ca ngợi tình yêu với những phong cách nghệ thuật độc đáo riêng.

 
 1. “Nụ hôn” của Gustav Klimt 
Đã từ lâu, “Nụ hôn” của danh họa người Áo - Gustav Klimt đã được mệnh danh là một “tượng đài” của nghệ thuật dành cho tình yêu đôi lứa. Klimt hoàn thành “Nụ hôn” vào năm 1908. Thông qua bức tranh này, họa sĩ gửi gắm thông điệp về sự tự do của tình yêu. 
 Trong tranh, chàng trai và cô gái như hòa quyện vào làm một. Họa sĩ khéo léo sử dụng những họa tiết trang trí cho hai nhân vật: những hình chữ nhật màu đen, trắng mạnh mẽ của người đàn ông tương phản với những họa tiết tròn và ô-van mềm mại của người phụ nữ. 
 Bạn có chú ý là “Nụ hôn” được vẽ trên một hình vuông hoàn hảo, khác hẳn bố cục chữ nhật thông thường? Đặc biệt, họa sĩ đã sử dụng những lá vàng thật để tạo nên khối màu sắc trọng tâm của bức tranh.

2. “Nụ hôn” của Edvard Munch
 
 
Edvard Munch - danh họa nổi tiếng người Na Uy được công chúng biết đến nhiều hơn với bức họa “Tiếng thét” đầy ám ảnh. Nhưng ông cũng sáng tác những bức tranh ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu. Một trong số đó là bức “Nụ hôn”, hoàn thành năm 1897. 
 Munch khắc họa tình yêu bằng phong cách riêng độc đáo của ông. Những gam màu tối ngự trị cả bức tranh. Đường nét khuôn mặt của đôi lứa đang yêu như bị xóa nhòa. Chàng trai và cô gái trao nhau nụ hôn nồng nàn và như quyện thành một thể thống nhất.

 
3. “The Lovers” của Magritte 
 
René Magritte là họa sĩ người Bỉ nổi tiếng theo trường phái siêu thực. Có lẽ chính vì thế, tình yêu trong những bức tranh của ông được thể hiện một cách đầy bí ẩn. 
 Trong bức họa “The Lovers” vẽ năm 1928, họa sĩ Magritte vẽ một nụ hôn nhưng kì lạ ở chỗ, cả người đàn ông và cô gái đều trùm lên một lớp vải. Ông thường để cho người xem tranh tự tìm ý nghĩa cho những bí ẩn. 
 Có rất nhiều ý kiến được đưa ra về nụ hôn kì lạ của “The Lovers”. Có người cho rằng bức tranh thể hiện nỗi cô đơn trong tình yêu. Dù đang ở đỉnh cao của tình yêu, chàng trai và cô gái vẫn bị ngăn cách trong thế giới riêng của mình. 

4. “Vũ điệu đồng quê” của Renoir






























Pierre-Auguste Renoir là một trong những họa sĩ tiên phong của trường phái Ấn tượng ở Pháp. Năm 1883, ông cho ra đời bức họa “Danse à la campagne”, một trong những tác phẩm nổi tiếng ca ngợi tình yêu. 
 Bức tranh thể hiện người đàn ông và người phụ nữ đang say sưa trong điệu nhảy hạnh phúc. Cô gái như đang hướng ánh nhìn mãn nguyện về phía người xem tranh. Những sắc màu tươi vui và ấm áp được họa sĩ sử dụng để khắc họa cô gái: màu đỏ của chiếc mũ hay màu vàng của đôi găng tay.
5. “Trong khu vườn” của Renoir
Họa sĩ Renoir còn có một tác phẩm đẹp nữa về tình yêu. Đó là bức tranh “Trong khu vườn”, được họa sĩ hoàn thành năm 1885. 
 Trong tranh, chàng trai dành cho cô gái một cái nhìn trìu mến và nắm lấy bàn tay đặt trên bàn của cô. Thiên nhiên rực rỡ tô điểm cho tình yêu của đôi lứa. Họa sĩ sử dụng nhiều màu sắc tươi sáng và ấm áp. 
6. “Mùa xuân” của Pierre Auguste Cot
Pierre Auguste Cot là một họa sĩ người Pháp theo trường phái kinh viện. Bức tranh “Le Printemps” (có nghĩa là “mùa Xuân” trong tiếng Pháp) được họa sĩ hoàn thành trên chất liệu sơn dầu vào năm 1873. 
 Bức họa thể hiện một cặp đôi trẻ trên đu quay. Vẻ đẹp tươi trẻ của mùa Xuân bao trùm toàn bức tranh với những sắc màu tươi sáng. Bức tranh như khẳng định rằng tình yêu của tuổi trẻ luôn nồng nàn và bất diệt như chính mùa xuân. 
7. Tượng “Nụ hôn” của Rodin 

Nhà điêu khắc Auguste Rodin (Pháp) hoàn thành bức tượng này vào năm 1889 (cũng có nguồn cho rằng năm 1882). Hình tượng đôi nam nữ được mượn ý tưởng từ hai nhân vật trong một tập trường ca thời Trung cổ. Truyện kể rằng, Francesca và Paolo vì yêu nhau mà mắc phải tội thông dâm, bị trừng phạt và đày xuống địa ngục.
 Rodin đã khéo léo tạc bức tượng đôi lứa yêu nhau trong tư thế động, khiến tác phẩm tràn đầy sức sống và giàu cảm xúc. Vẻ gợi cảm của bức tượng từng khiến công chúng thời đó e ngại, cho rằng nó không phù hợp khi trưng bày ở nơi công cộng
 Hồng Vân sưu tầm

Không có nhận xét nào: