Trong mỗi con người chúng ta hiện hữu nhân tính
và vật tính (hay thú tính?), một đàng là đức hạnh cao đẹp và một đàng là
thói hư tật xấu. Chừng nào nhân tính mới khống chế được vật tính đây?
Xác định và nhận diện thói hư tật xấu trong con
người chúng ta đã khó, khắc phục để chiến thắng nó càng khó hơn bội
phần. Chính vì thế, những hành động hận thù và tội ác vẫn xảy ra đầy dẫy
trong xã hội. Thay vì sống hòa thuận với mọi người chung quanh, sống và
để cho người khác cùng sống, “Live and let live”, lắm khi con người lại
chỉ muốn làm ngược lại: “Live and let die.”
Sống và Cho Chúng Nó Chết
Live And Let Die
là tên của một quyển trong loạt tiểu thuyết điệp viên James Bond của
tác giả Ian Fleming người Anh, được quay thành phim chiếu ra mắt năm
1973. Đây là phim đầu tiên trong một loạt bảy phim mà nam diễn viên
Roger Moore đóng vai điệp viên 007, thay thế cho Sean Connery trong các
phim James Bond trước đó. Đây cũng là cuốn phim James Bond duy nhất từ
trước cho đến nay mà điệp viên 007 phải đối đầu với băng đảng da đen Mỹ,
trùm buôn bạch phiến có cơ sở ở New York, New Orleans và đảo San
Monique. Nhân vật nữ chính -một vai diễn không bao giờ thiếu bên cạnh chàng điệp viên James Bond đa tình- là Rosie Carver, cũng da đen.
Ca khúc chủ đề của phim này là bản "Live and Let Die"
của Paul McCartney. Nội dung bài hát nói về một người trẻ tuổi hồn
nhiên, ngây thơ nghĩ rằng, mình sống và cũng để người khác cùng sống.
Nhưng, sau khi va chạm với đời, đương đầu với những cái lọc lừa gian xảo
xấu xa trong xã hội, tiếp xúc với thế giới đầy bon chen, người trẻ đó
đã có lối suy nghĩ khác. Tâm hồn trầy xướt, tình cảm bị bào mòn, người
trẻ đó thốt lên “Live and Let Die”, nghĩa là người trẻ ấy sẽ sống
và làm theo ý muốn riêng của mình, mặc kệ mọi người khác sống chết ra
sao. Triết lý của điệp viên 007 là như
thế.
"I am so tired of everyone taking advantage of
me. I'm going to Live and Let Die from now on!" (Tôi chán bị thiên hạ
lợi dụng lắm rồi. Từ nay tôi sống cho tôi, thiên hạ chết cũng mặc kệ
họ.)
Lời bài hát đó có câu "Khi bạn còn trẻ và trái
tim của bạn là một cuốn sách mở, bạn thường nói sống và để sống... nhưng
nếu cái thế giới không ngừng thay đổi mà chúng ta đang sống này làm cho
bạn chịu thua phát khóc thì… bạn hãy sống và hãy để mặc cho chúng chết.
(When you were young and your heart was an open book, you used to say
live and let live... but if this everchanging world in which we live in
makes you give in and cry... Live and Let die.)
Bạn thấy đó, nhân chi sơ tánh bổn thiện, con
người chúng ta sinh ra bản tính vốn hiền lành, nhưng bị đời đá lên đá
xuống mãi mới đâm ra bất cần thiên hạ và buông ra câu “Sống và để chết”;
ta sống và để thiên hạ chết. Câu đó nghe có vẻ tàn nhẫn quá bạn ơi. Và
cuốn phim cũng vậy, bạo động quá; trẻ em và người lớn yếu tim không nên
xem. Tôi là một trong số những người đó. Có khi xem phim chiếu đến màn
gay cấn hồi hộp, quá sợ hãi, tôi phải nhắm mắt lại để bị bạn tôi chê là
chết nhát.
Tôi thắc mắc, tại sao một người hiếu hòa như
Paul McCarney trong ban nhạc The Beatles, mang tiếng là hippies, lại
viết một bài nhạc với lời lẽ cay cú như vậy. Mò tìm thông tin trên Net,
tôi mới biết tác giả viết bản nhạc đó theo đơn đặt hàng cho cuốn phim
đó, thế thôi. Thực sự ngoài đời, chàng luôn là một người hiền lành, nổi
tiếng, giàu có, nhưng không kênh kiệu, chịu khó học thiền, tu tâm dưỡng
tánh, và tích cực làm từ thiện, sống và để cho người khác sống. Chính
nhờ vậy mà năm 1997, ở tuổi 54, chàng được nữ hoàng Anh Elizabeth II ban
tặng cho tước hiệu hiệp sĩ, từ nay trước tên chàng có thêm chữ “Sir”
cho oai.
"Sống và để sống" là một biểu từ mang tính triết lý mà chúng ta thường nghe nói và có nghĩa là "Tôi sống, và tôi cũng để yên cho những người khác cùng sống như tôi."
Biết nhận thức rằng người khác cũng như mình, cũng được phép sống cuộc
sống theo cách họ muốn, dù nó trái lại với sự lựa chọn hay sự ưa thích
của mình. Đó là thái độ xã hội sống và để cho người khác sống, dù bất
đồng quan điểm, thái độ, sự chọn lựa, như đối với vấn đề
ngừa thai, đồng tính, hợp luật hóa việc hút cần sa để trị bệnh, v.v. Bạn
sống theo cách của bạn, tôi sống theo cách của tôi, miễn là chúng ta
không va chạm quyền lợi và cùng hài lòng là được rồi.
Khi sống và để cho người khác sống, chúng ta
không cần phải chỉ trích, phê phán hay định tội người khác. Chúng ta
không cần phải kiểm soát họ hoặc cố gắng lèo lái họ thích ứng theo lối
suy nghĩ của chúng ta. Ta sống đời ta, họ sống đời họ. Chấp nhận người
khác theo đúng thực tại hiển nhiên của họ, mặc dù họ có cách sống khác
mình, miễn là họ không gây phương hại đến ai, không hành động phạm pháp
như trộm cướp, lừa gạt, hành hung…, chúng ta để họ yên không cần thắc
mắc và không can dự vào sở thích đời tư của họ.
Sống và để người khác sống
Sống và để người khác sống là một trong những
chìa khóa mang lại sự an bình hài hòa trong cuộc sống của chúng ta. Khi
chúng ta thực hành sự khoan dung, chúng ta được giải thoát để rảnh rang
lo cho các vấn đề của chúng ta. Áp dụng thực hành điều tâm niệm này, may
ra chúng ta chấm dứt được những xung đột với tha nhân và giúp cho cuộc
sống của chúng ta tốt đẹp hơn.
Nhưng ý tưởng "sống và để yên cho người khác
sống" đôi khi cũng khó thực hành. Trên lý thuyết, ý tưởng đó rất tuyệt
vời, nhưng trên thực tế, khi bạn va chạm và phải đối mặt với những người
gây bực mình, có khi bạn cũng bất bình và nổi giận. Làm thế nào để có
thể giữ lòng thanh tịnh, an nhiên tự tại, tránh bị ảnh hưởng bởi những
người đó. Thật khó. Nếu bạn nghĩ bạn không thể làm cho họ thay đổi thì
tốt hơn bạn hãy để cho họ yên và tránh xa. Hãy tập tánh khoan dung, tận
hưởng những niềm vui và cơ hội mà cuộc sống mang đến cho mình; đồng thời
hãy để yên cho người khác cũng được như vậy. Sự suy nghĩ đơn giản này
sẽ giúp chúng ta chú tâm vào việc
sống thế nào tốt cho bản thân ta, mà khỏi phải chen vào đời tư của
người khác.
Tạp chí The Oprah có đăng một bài viết của
Martha Beck về cách làm thế nào cải thiện mối quan hệ với người khác
bằng cách không quan tâm đến những gì họ làm. Mới nghe qua, điều này coi
bộ khó thực hành. Làm sao có thể quan hệ tốt với người khác mà không
cần quan tâm tới những gì họ làm? Kệ, cứ thử xem bà Beck này khuyên ta
ra sao.
Theo Beck, bạn có thể vừa không thèm quan tâm mà
cũng vừa yêu thương một người nào đó. Trong thực tế, Beck lập luận rằng
không quan tâm là một cách để yêu một ai đó. Không quan
tâm, chúng ta ngưng tìm cách thay đổi những người chúng ta yêu thương.
Chúng ta hoàn toàn chấp nhận họ là họ, và kết quả là, bằng lòng với bất
cứ điều gì họ làm. Beck khuyên chúng ta làm như sau:
Bước 1: Hãy chọn một người thân yêu nào đó mà người này đôi lúc vẫn còn làm cho bạn tức giận, lo lắng, hay buồn phiền.
Bước 2: Hãy xác định những gì người này cần phải
làm cho bạn được vui lòng, bằng cách dùng câu: "Phải chi hắn (đối
tượng) ‘làm thế này thế này’, chừng đó mình sẽ hài lòng."
Bước 3: Hãy xóa phần đầu của câu, tức bỏ điều
kiện, chỉ còn giữ lại: "Mình sẽ hài lòng." Bạn hãy nhận ra rằng, đây là
sự thật chân thực nhất trong câu. Và hãy biết rằng, bạn có đủ khả năng
để làm như vậy, bất chấp những gì đối tượng nói hoặc làm. Câu trên sẽ
trở thành “Hắn (đối tượng) làm sao cũng được, mình vẫn hài lòng”.
Bước 4: Hãy thay đổi ưu tiên: thay vì lo tìm
cách kiểm soát người khác, hãy nghĩ đến cách làm sao tạo ra hạnh phúc
cho riêng bạn.
Thực hành bốn bước trên đây sẽ tạo ra một môi
trường mà những người xung quanh bạn sẽ cảm thấy được yêu và được chấp
nhận, bất kể họ làm gì. Và từ đó, họ cũng sẽ tạo ra một môi trường khiến
cho bạn cảm thấy hạnh phúc và bình an.
Tách mình ra khỏi hành vi của người khác là một
điều tốt trong lý thuyết, nhưng khó thực hành. Phải cần có sức mạnh tinh
thần để nhận ra rằng bạn có thể vui vẻ hạnh phúc mà không cần tùy thuộc
vào những gì người khác làm. Điều này có thể đạt được dù khó khăn, miễn
là bạn để ý thêm các bước sau đây:
• Tìm kiếm cho riêng mình một niềm vui nào đó.
Muốn giữ cho mối liên hệ với người thân được tốt đẹp lâu bền, bạn đừng
bao giờ dựa vào một người duy nhất nào đó hoàn toàn 100%. Ngoài người đó
ra, bạn cần phải có những sinh hoạt hoặc bạn bè hợp sở thích khác.
• Tiếp xúc và tạo sự hỗ trợ bên ngoài. Nếu bạn
đang gặp khó khăn để hiểu và thông cảm với người mà bạn yêu thương, hoặc
gặp khó khăn khi đối phó với hành động của mình, bạn cần có một số hỗ
trợ bên ngoài cho môi trường gia đình của bạn. Hãy tìm một người bạn
thân hoặc chuyên gia điều trị mà bạn có thể thổ lộ tâm tình thoải mái.
• Hãy nhớ rằng bạn không thể bắt buộc người khác
làm theo ý bạn. Đây là một điều quan trọng cần nhớ nếu bạn muốn cải
thiện mối quan hệ của bạn (hoặc chỉ cần sống một cuộc sống tích cực nói
chung). Dù gì đi chăng nữa, bạn không thể kiểm soát người khác. Nhận ra
điều này, bạn sẽ tự giải thoát khỏi nhiều nỗi đau đớn về tinh thần.
• Tập trung vào những ưu điểm tích cực về người
thân yêu của bạn. Nếu bạn đang phấn đấu để đối phó với một hành vi cụ
thể nào đó của người bạn yêu thương, một bài tập hiệu quả để chống lại
cảm nghĩ tiêu cực là: bạn nên cố gắng tập trung vào những ưu điểm bạn
thích về người đó. Rất có thể từ trước tới giờ, bạn đã sơ sót không nhận
ra nhiều ưu điểm tích cực đó.
• Tập trung vào những điều tích cực về bản thân.
Bạn hãy nhớ rằng chính bạn cũng có những ưu điểm tích cực. Đôi khi
chúng ta đang đối phó với một hành vi khó chịu của người khác mà chúng
ta quên tập trung vào những điều tích cực về bản thân mình -như sức mạnh
của chúng ta hoặc khả năng phục hồi của chúng ta. Hãy tự nhắc nhở rằng
bản thân mình cũng có những cái đáng hãnh diện chứ.
• Bạn nên nhớ rằng giá trị của bạn là do chính ở
con người bạn chứ không phải do ai khác. Đối phó với mối bất hòa của
một người thân, một thành viên trong gia đình đã khó, tách mình ra khỏi
những người đó còn khó hơn. Đôi khi chúng ta xem đó là một phần xác định
chúng ta là ai -nhưng không phải vậy. Những người bạn yêu (hoặc có liên
quan đến) không phải là bạn.
• Thẳng thắn bày tỏ rõ ràng ý định của bạn với
những người bạn yêu thương. Nếu thực sự bạn phiền về một chuyện gì đó
của người thân, bỏ qua chuyện đó quả là khó, cũng khó như làm sao để có
thể thay đổi người đó vậy. Tốt nhất bạn nên bày tỏ rằng bạn thương yêu
người đó, bạn chỉ không hài lòng về hành động của người đó, nhưng bạn sẽ
cố gắng làm mọi cách để chấp nhận nó.
Chấp nhận một hiện trạng thực thể, ngộ nghĩnh
thay, cũng có nghĩa là ta phải buông bỏ cái đã làm cho ta phiền lòng.
Chu Dung Cơ (Zhū Róngjì) gọi đó là hiểu đời. Sau khi mãn nhiệm chức vụ
thủ tướng thứ 5 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2003, Chu Dung Cơ
nói “Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài
lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà
được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.” Ông khuyên chúng ta nên quan tâm
bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói
sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người
khác, nên sống thật với mình. Sống ở trên đời không
thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ
chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản
nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Ông
nói người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã
có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui
hơn, giàu ý nghĩa hơn. Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng
thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình
(tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc
thường lạc).
Qua quyển sách thuộc hàng bán chạy nhất có tựa đề “I thought it was just me” (tạm
dịch Tôi tưởng chỉ có mình tôi), nữ tiến sĩ Brené Brown, một giáo sư
khảo cứu tại University of Houston Graduate College of Social Work, cung
cấp một nghiên cứu khai phóng về tầm quan trọng của tính chất bất toàn
của chúng ta trong các mối quan hệ lẫn nhau và trong sự cảm nhận về bản
thân. Brown cho rằng hành trình đi tìm kiếm sự hoàn hảo đã khiến cho con
người trở nên mệt mỏi và khắc nghiệt. Chúng ta bị thôi thúc liên tục
bởi những kỳ vọng của xã hội vốn cho rằng bất toàn là đồng nghĩa với
thiếu kém. Vì vậy, chúng ta luôn che đậy sự phấn đấu của chúng
ta để tránh bị xấu hổ, chỉ trích, phản biện và đổ lỗi bằng cách tìm
kiếm sự an toàn trong cái vỏ bọc của sự giả vờ và hoàn thiện. Một khi
thường xuyên bị chỉ trích, theo Brown, con người có khuynh hướng ăn
miếng trả miếng. Chúng ta cần vượt qua thói quen chỉ trích người khác.
Tất cả chúng ta đều chỉ trích và một số người chỉ trích thường xuyên.
Chỉ trích đã trở thành một phần của khuôn mẫu suy nghĩ của chúng ta đến
nỗi chúng ta hiếm khi nhận ra lý do tại sao chúng ta chỉ trích. Brown
nói cần phải có ý chí vững mạnh mới khắc phục được tính xấu này.
Tính xấu hay chỉ trích người khác có nguyên nhân
tiềm ẩn là tự đánh giá cao hơn người khác về khả năng, niềm tin và giá
trị của chúng ta. Sự xấu hổ, sợ hãi và lo lắng là những yếu tố tạo ra
tính hay chỉ trích. Khi xấu hổ về một vấn đề nào đó hoặc khi cảm thấy lo
lắng, bị đe dọa hoặc sợ hãi, chúng ta dễ trở nên bất an và quay ra chỉ
trích người khác.
Thiền thi về cách sống
SỐNG
Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười trước thử thách, chông gai.
Sống vươn lên cho kịp ánh ban mai
Sống ôn hòa với mọi người chung sống.
Sống là động, nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương, nhưng lòng không vấn vương.
Sống hiên ngang, danh lợi cứ xem thường.
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.
MỘT THIỀN SƯ
Bài thơ họa:
SỐNG
Sống nhân ái - không giận hờn than-trách
Sống âm thầm chịu đựng cảnh chông gai
Sống hân hoan khi nhìn buổi ban mai
Sống nhẫn nhục - khoan dung người chung sống.
Sống chuyễn dời - vạn pháp không bất động!
Sống yêu thương tình cảm tránh vấn vương
Sống hôm nay - cuộc đời mãi vô thường
Sống thanh tịnh khi kiếp người chuyển biến!
Minh Lương Trương Minh Sung
SỐNG
Oán trách làm chi, đã muộn rồi
Chông gai, phải ráng chịu mà thôi
Ban mai thức dậy... nghe "ca" tiếp
Chung sống là... thua suốt cả đời!
Bất động, giả như chẳng nghe gì
Vấn vương ai đó... ráng dấu đi
Vô thường, đợi đó, đời thay đổi
Vạn biến... tìm chưa ra kế chi?!
VÔ THIỀN SƯ
Kết luận
Tình trạng chỉ trích cá nhân qua lại trên các
diễn đàn không khỏi khiến cho nhiều người đọc cảm thấy chán ngán mệt
mỏi. Thay vì chỉ trích (có khi nặng nề trở thành chửi bới), thiết nghĩ
người chỉ trích nên đóng góp ý kiến xây dựng để tìm giải pháp thỏa đáng
cho vấn đề. Vì không dằn nén được sự bồng bột nóng nảy, người chỉ trích
dùng lời lẽ thô tục bất nhã, vô tình tự hạ thấp tư cách và phẩm giá của
chính mình. Tôn trọng người khác cũng là cách bày tỏ lòng tự trọng và
biểu lộ tư cách.
Ngược lại, người bị chỉ trích nếu có lòng tự
trọng sẽ không quá nhạy cảm trước những lời phê bình chỉ trích và không
nên xem đó như là một sự sỉ nhục. Nếu họ dễ dàng trở nên tức tối và sẵn
sàng ném trả lại những lời nhục mạ, hóa ra họ tự hạ mình xuống cho ngang
hàng với kẻ thù. Hãy tự thắng chính mình trước đã. Nếu chúng ta có lòng
tự trọng, tự tin và biết yêu thương bản thân, chúng ta sẽ không quá
quan tâm đến những điều người khác chỉ trích mình, nghĩa là chúng ta
không thèm chấp (Chữ “chấp” Hán Việt có nghĩa là cầm, nắm, giữ chặt
trong tay). Thay vì giận dữ nghĩ rằng mình bị lăng mạ, chúng ta nên bình
tĩnh tâm niệm ý tưởng Sống và để cho
người khác cùng sống: họ sống đời họ, ta sống đời ta. Hơn nữa, Kinh Kim
Cang có câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", dịch thoát có nghĩa
là “Đừng để tâm trong sạch vướng kẹt nơi nào cả”. Áp dụng câu này, nếu
ai có bị chỉ trích hoặc chửi mắng bởi kẻ xấu, xin hãy đừng để tâm trong
sạch của mình vướng bận. Chẳng lợi lộc gì! Uổng công! Vô ích!
Phan Hạnh.
__._,_.___
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét