Trăng Mùa Đông.
VỀ CHỐN CŨ.
Trở về thăm lại ngôi nhà xưa
Đường mòn lối nhỏ bước bơ vơ
Trời thu se lạnh phai màu lá
Thềm vắng tường hoen cảnh hững hờ
*
Chẳng có ai đâu để đợi chờ
Hoàng hôn phai, bóng nắng lưa thưa
Không gian chìm lắng lòng thăm thẳm
Người cũ tình xưa giữa mộng hờ
*
Đầy sân tôi quét lá vàng khô
Quét bụi thời gian rớt bơ thờ
Có lần nào ai đi qua lối
Chợt nhớ người xa, luống thẫn thờ?
Phạm Thị Minh-Hưng
*
Hạt Bụi Và Tôi.
Nếu em là hạt bụi vô vi
Hạt bụi trên đời nhỏ tí ti
Hay đến bên tôi vào sáng sớm
Ta cùng sưởi ấm nắng thu về.
*
Hạt bụi ơi! Hãy rơi nhè nhẹ
Trên mi tôi khe khẽ nhé em
Đừng làm đau, xót bờ mi nhỏ,
Kẻo tôi buồn, lệ ướt chân em
*
Em đến nhé, xin đừng lay động
Lá cành cao giữa buổi trưa hè
Ta sẽ bên nhau, nghe chim hót
Ngắm hoa phượng đỏ, ran tiếng ve
Phạm Thị Minh-Hưng.
**
THƠ TRẦN VĂN LƯƠNG.
**
THƠ TRẦN VĂN LƯƠNG.
Dạo:
Lòng không muốn sống xa nhà,
Nhưng
Trời bắt tội tuổi già biết sao!
Cóc cuối
tuần:
Hãy Để
Bố . . .
( Kính mến gửi
về Chú, ngậm ngùi đánh dấu ngày mà Chú,
vừa tới tuổi
90, phải vào nhà dưỡng lão, mặc dù con gái Chú
rất thiết tha
muốn được đưa Chú về nhà. )
Đêm bệnh viện, sầu tơi trên tóc trắng,
Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương,
Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường,
Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.
Đầu ngật ngầy váng vất,
Thương con mình tất bật ngược xuôi,
Mấy ngày qua, luôn túc trực không rời,
Đến tối mịt mới về nơi tổ ấm.
Bàn tay già chầm chậm,
Thờ thẫn nắm tay con.
Từ rãnh mắt xoáy mòn,
Giọt thương cảm lăn tròn theo vết cũ.
x
x x
Khuya rồi đó, sao con chưa về ngủ,
Chuyện tuổi già, con ủ rũ làm chi.
Chín mươi rồi, Bố chưa bị cất đi,
Mình may mắn, có gì mà áo não.
Hãy để Bố vào ở nhà dưỡng lão,
Như mọi người vừa khuyên bảo sáng nay,
Vì một mai, khi rời khỏi nơi đây,
Khó khăn sẽ theo tháng ngày dai dẳng.
Bố không muốn mình trở thành gánh nặng,
Để cho con phải lo lắng miệt mài.
Đời con còn nhiều trách nhiệm trên vai,
Đâu có thể chực chầu hoài sớm tối.
Thân gầy còm yếu đuối,
Sao kham nổi đường xa.
Thêm việc sở, việc nhà,
Chuyện con cái, dễ gì mà vất bỏ.
Người già thường cau có,
Nằm liệt giường, càng khó tính gấp trăm.
Dù cho con chẳng quản ngại nhọc nhằn,
Nhưng chịu đựng tháng năm dài sao thấu.
Bố vẫn muốn sống đời bên con cháu,
Dẫu cơ hàn, mà rau cháo có nhau.
Bao năm qua mất Mẹ, bấy năm sầu,
Bố gượng sống với niềm đau lẻ bạn.
Buồn nhớ lại ngày vượt biên hoạn nạn,
Bỏ quê nhà, chấp nhận vạn gian truân,
Chết trong tay đã nắm chặt chín phần,
Mạng sống chỉ ngàn cân treo sợi nhỏ.
Con thuyền khốn khổ,
Sóng gió tả tơi,
Phút cuối đã kề nơi,
Lối định mệnh, ai người sống sót.
Tưởng chỉ được nhìn Mẹ, con lần chót,
Nhưng Trời thương, cho trót lọt qua đây,
Trong khi bao người biển cả vùi thây,
Giờ sao nữa, chẳng mảy may tiếc rẻ.
Bố chỉ hận mình không còn sức khoẻ,
Đỡ đần con việc lẻ tẻ hôm mai,
Để chiều về, con bớt phải loay hoay,
Được yên nghỉ sau ngày dài kiệt sức.
Khi bị đẩy vào trong phòng hồi lực,
Bố biết mình gần tới lúc xuôi tay.
Dù thoát nạn hôm nay,
Đời cũng phải rẽ ngay vào lối ngoặt.
Bố tự biết như ngọn đèn sắp tắt,
Nên cố tình bẳn gắt mấy ngày qua.
Nếu chẳng may phải theo gót ông bà,
Con cũng đỡ xót xa giờ đưa tiễn.
Mai kia rời bệnh viện,
Con đừng bịn rịn xót xa,
Hãy nghe lời y tá dặn ngày qua,
Mà đưa Bố thẳng ra nhà dưỡng lão.
Cuộc sống mới, dù là mưa hay bão,
Bố không buồn, tự bảo vẫn còn may,
Vì biết rằng, chỉ quanh quẩn đâu đây,
Con cháu Bố đang vui vầy hạnh phúc.
Rồi sẽ có những buổi chiều hun hút,
Bố nặn dần từng phút ngóng người thân.
Nhưng rủi con chẳng tới được một lần,
Bố cũng hiểu, đừng bận tâm ray rứt.
Bố không ngại chặng cuối đời khổ cực,
Nhìn thấy con hạnh phúc, Bố vui lòng.
Tuổi đã nhiều, phận Bố thế là xong,
Con phải sống cho chồng, cho con cái.
Hứa với Bố, con sẽ không buồn mãi,
Nếu mai này, khi Bố phải ra đi,
Mà con không kịp đến lúc phân kỳ,
Nói cùng Bố lời chia ly vĩnh viễn.
x
x x
Đêm trơn giấc, người con rời bệnh viện,
Đôi mắt già quyến luyến vọng đưa chân.
Trong ký ức phai dần,
Khuôn mặt những người thân vùng hiển hiện.
Lòng chợt thoáng bùi ngùi khi nghĩ đến
Phút lên đường, theo ước nguyện ba sinh,
Chân bơ vơ trong tăm tối một mình,
Mò mẫm lối hành trình về thiên cổ.
Trần Văn Lương
Cali, 10/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét