Nguyễn Dương 30-10-2013
Đà Lạt, thành phố mộng mơ, chất chứa trong nó biết bao điều thú vị. Chúng tôi xin giới thiệu một điểm đến khá quen thuộc với giới trẻ mỗi lần đến Đà Lạt, đó là quán cà phê “Cung tơ chiều” của một người đàn bà độc đáo mà nhiều người gọi chị với cái tên đầy kỳ bí, “Người đàn bà điên”.
Phải tới đêm thứ hai dò dẫm trong màn đêm mờ mịt sương trên con đường dốc gập ghềnh lên quả đồi ngay trước dinh Bảo Đại ở “thành phố Sương mù” chúng tôi mới được tiếp cận chủ quán cà phê Cung tơ chiều. Một quán cà phê mà chỉ nghe đồn thôi, tôi đã bị kích thích tò mò đến điên đảo trong đầu về quán có “người đàn bà điên hát”. Tối đó mới hơn 8 giờ, không gian Đà Lạt đã yên ắng đến lạ thường, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm đen làm hơi chờn chợn, một cảm giác gai gai truyền khắp người, có cái gì đó huyền bí và liêu trai quá. Mặc dù tôi đã được anh bạn đồng nghiệp dặn trước: “Đến đây tuyệt đối không được nói to, nghe điện thoại và chụp hình, nếu lỡ không may phạm các điều đó thì sẽ bị chủ quán đuổi ngay.” Lời dặn lại như một thách thức buộc tôi cố tìm xem thực hư ở cái quán “không giống ai” này có gì khác lạ. Tôi nói quán không giống ai vì nó nằm một mình trên ngọn một quả đồi, âm u dưới tán thông già và lại càng không giống bất kỳ quán nào là chủ nhân ở đây là một người đàn bà đã ngoại tứ tuần, người Đà Lạt hay kháo nhau về chuyện của chị và gán cho chị cái tên “người đàn bà điên”. Không giống ai vì trong thời buổi hiện nay “khách hàng là thượng đế”, chiều khách còn chưa ăn ai, huống hồ lại “chảnh”, cách nói của anh bạn tôi và càng không hiểu sao khách đến đây đều tự nguyện trói mình vào một khuôn khổ không giống bất kỳ một quán nào…
Bước vào quán, chúng tôi đã thấy có khoảng hơn chục đôi nam nữ thanh niên, cứ xem cách ăn mặc cũng đủ biết họ là du khách, đang ngồi im phăng phắc nghe những bản nhạc tiền chiến từ một người đàn bà ngồi ngay giữa quán. Người đàn bà ngoài 40 tuổi, tóc xõa che gần kín gương mặt xương xương, tay ôm cây ghi ta khá điệu nghệ, hát bằng chất giọng ấm khàn khàn và liên tục rít thuốc lá. Chị hát không không hay lắm, nhưng mỗi lời ca sao mà da diết đến lạ thường, nó cứ quấn quýt cùng tiếng nhạc bồi hồi buông ra từ chiếc ghi ta, cuốn mọi người vào không gian nhạc Trịnh, mơn man trữ tình của nhạc Hoàng Thi Thơ…
Giọng hát chậm đều, đều, nhiều lúc mang âm của Khánh Ly, say sưa và mê hoặc. Đang hát miên man như vậy và tôi cũng đang mê mẩn dõi theo lời ca, để xem có chỗ nào “điên” của người đàn bà đó không, thì bỗng giật mình nghe chiếc ghi ta đặt “kịch” xuống sàn và liền sau đó một giọng nữ trầm hơi khàn cất lên: “tôi yêu cầu mọi người không chụp hình”. Đánh mắt lướt hết căn phòng có tới hơn 30 người lúc đó, tôi không hề thấy ai có biểu hiện của bác “phó nhòm”, nhưng lại thấy ánh mắt hơi dài dại của người đàn bà kia dõi về phía mình, lúc đó tôi giật mình, hơi mất bình tĩnh, nhưng anh bạn đi cùng đã hất nhẹ vào chân tôi, tôi hiểu ngay, anh đã chụp hình “người đàn bà điên hát” được rồi.
Không gian trở lại yên ắng trở lại như cũ và cái giọng đều đều khan khan đó lại cất lên, say mê cuốn hút mọi người hết nhạc phẩm “Hạ trắng” của Trịnh Công Sơn. Khi mọi người đang mê mẩn chờ đón nhạc phẩm tiếp theo, tôi lại giật mình tiếp khi nghe giọng chì chiết đầy uy lực vang lên: “Là đàn ông người ta nói chỉ một lần.”, tôi hiểu ngay anh bạn tôi vẫn chưa thôi “ngứa nghề”, mô tả “người đàn bà điên” bằng hình ảnh…
Chẳng hiểu sao ngay lúc đó, người đàn bà điên không hát nữa, quay sang yêu cầu mọi người hát. Vẫn cái giọng khàn khàn nhưng rành mạch đó, chị nói: “Tôi chỉ phục vụ 5 bài, còn lại mọi người phải hát mới vui.” Lúc này thì tôi chợt hiểu, người đàn bà đó có cái gì man man thật và lời đồn là có căn cứ.
Tuy nhiên tôi vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục muốn tìm hiểu sâu hơn, để rõ hơn chị muốn gì giữa thành phố nổi tiếng với những khách du lịch hiền lành đang nghe chị hát giữa không gian u tịch này. Gặng mãi tại hậu trường tôi biết, hóa ra chị cũng có một gia đình, hai đứa con, đứa lớn cũng đã 20, đứa nhỏ đang học năm cuối trung học, cả hai đều ở đây phụ mẹ mỗi tối bán hàng. Cứ như cách nói của chị, cuộc sống khó khăn, đầy rẫy cạm bẫy, chị kiếm sống bằng chính sức lao động của mình bằng lời ca tiếng hát hàng đêm quả là chẳng dễ dàng chút nào. Đó là lý do mà chị phải tìm ra cách gì đó như một chiêu thức để hấp dẫn khách, cũng như trang bị cho mình một chút gì đó là vũ khí phòng thân với hy vọng được yên để kiếm sống.
Chị đặt ra những qui định cho khách khác người và lấy đó làm lời mời cho tất cả những kẻ hiếu kỳ muốn một lần trải nghiệm…. Khi đã có thiện cảm với tôi qua cách kể chuyện của chị, tôi mạnh dạn đề nghị chị hát một bản nhạc tiền chiến và thật bất ngờ, chị vui vẻ nhận lời. Chị bước ra giữa nhà ôm cây ghi ta, trong ánh sáng chập chờn của ngọn nến, trông vừa phiêu lãng lại vừa xót xa. Chị hát bằng tất cả tình cảm của mình với bài hát và người nghe, xung quanh tĩnh lặng chỉ có giọng chị cùng tiếng đàn vang lên trong quán nhỏ trên một đồi thông giữa Đà Lạt bắt đầu lạnh. Tôi thấy chị như “phiêu” cùng bản nhạc, từng ca từ theo tiếng đàn, len lỏi vào từng người, như có ma lực, làm không gian trầm hơn, lưu luyến và thanh khiết, nhân văn hơn. Tôi chợt liên tưởng đến những xô bồ thường gặp ở phòng trà, quán bar mỗi đêm trên các thành phố khác và có lẽ người viết ra những bản nhạc đó phải đau lòng khi biết nhạc của mình bị xử dụng méo mó, dị hình, bi lụy… Còn ở đây khi chị vừa dứt lời, mặc cho tiếng ghi ta còn ngân trong thinh không thì phòng trà đã như vỡ òa bởi tiếng vỗ tay. Mặc cho nhiều cánh ta giơ lên, ồn ào giọng nam nữ yêu cầu chị hát lại, chị vẫn thản nhiên như không nghe, không thấy, bước vào trong, chấm dứt đêm diễn của mình bằng một nụ cười bí ẩn cùng với điếu thuốc lóe sáng theo mỗi bước chân.…
Tôi cứ miên man suy nghĩ về chị, “người đàn bà điên” ấy hát, sao mà lôi cuốn đến lạ kỳ. Chị hát bằng chính khả năng của mình để kiếm sống, nhọc nhằn và gian khổ là vậy, nhưng nó cũng như nốt lặng trong bản nhạc trữ tình miên man của thành phố mộng mơ đầy bí ẩn này. Và quán nước trên đồi của chị cũng là một điểm nhấn bí ẩn trong bản nhạc huyền diệu của thành phố đầy quyến rũ trên cao nguyên Langbiang này.…
Nguyễn Dương (Báo Du lịch)
....................
Giọng ca “điên” ở Cung tơ chiều
Gia Bình 16/12/2012
Hơn 10 năm nay, quán cà phê có tên gọi “Cung Tơ Chiều” nằm trên một đồi thông lặng lẽ, hoang vu ngay trước Dinh 3 đã trở thành điểm đến nổi tiếng ở xứ mờ sương, thu hút rất nhiều du khách.
Chủ nhân của quán là chị Xuân Giang, 50 tuổi, được nhiều người gọi là “dị nhân”, người “không bình thường”, Giang “khùng”...
Thích thì hát, không thích thì thôi
Khách đến với Cung tơ chiều là để được nghe, thấy Xuân Giang ôm đàn guitar ngồi hát. Không hát theo kiểu phòng trà hay quán bar, Xuân Giang hát theo sở thích của mình, thích thì hát, không thì thôi, không ai có thể “bắt” chị hát được. Chị thuộc cả ngàn bài hát với đủ thể loại. Bình thường hằng đêm chị hát 5 - 7 bài, thậm chí vài chục bài, nhưng cũng có đêm chị không hát bài nào. Chất giọng mộc mạc, liêu trai, không phô diễn kỹ thuật, không màu mè, chỉ có cảm xúc và sự rung động. Trong cái lạnh se se của Đà Lạt, trong tiếng thông vi vút gió ngàn, trong không gian huyền ảo của Cung tơ chiều, hình ảnh nữ chủ nhân xõa tóc ôm đàn guitar ngồi hát say sưa là một ấn tượng rất khó quên.
Kén khách
Mở quán kinh doanh lẽ thường ai cũng cần khách, cần tiền, nhưng với chị Giang thì không hẳn vậy. Cung tơ chiều mở cửa từ 19 giờ 30 đến 22 giờ 30 hằng đêm và rất kén chọn khách. Chị Giang muốn khách đến đây phải thực sự trân trọng những cung bậc cảm xúc hiện hữu trong không gian ấy, nên lúc mới mở quán chị đã “đuổi” hết những khách không đáp ứng “tiêu chí” trên, và do đó phải mất đến 6 tháng, quán của chị mới có khách lui tới. Đến giờ vẫn vậy, ai vào quán mà ồn ào, có mùi rượu hoặc thiếu lịch sự là chị yêu cầu rời quán.
Quán của chị chứa được khoảng 100 người, nhưng có những lúc chỉ hơn chục người là chị đóng cổng, ai đến nữa cũng không tiếp. Bởi những lúc ấy chị muốn dành hết cảm xúc cho những người đang có mặt, và không muốn ai khác quấy rầy. Ngay trong thực đơn của quán có thể sẽ làm nhiều người “choáng” với những dòng chữ: “Không cười nói lớn hơn tiếng nhạc; không chụp hình; không ghi âm; và chúng tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào”. Ai “vi phạm” sẽ gặp “rắc rối” ngay với bà chủ quán.
“Quán của mình là vậy, ai thích thì đến còn không thì thôi. Mình là con người rất bình thường, người ta có nói gì về mình đi nữa mình cũng mặc kệ, mình không quan tâm, không nghe thấy. Mình không thích nổi tiếng, không thích ai đụng chạm vào cuộc sống của mình, mỗi người đều có một cuộc sống riêng” - Xuân Giang nói. Phải rất vất vả chúng tôi mới thuyết phục được chị đồng ý tiến hành cuộc trò chuyện, nhưng trước đề nghị chụp ảnh người làm say lòng bao lữ khách đến Đà Lạt thì chị dứt khoát lắc đầu.
Gia Bình.
**