Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

SẮC XUÂN MƠ_PTMH - Thơ Mặc Nhân TVC - Chuyện Con Ngựa


http://www.sachvatranh.com/magazine.php link

*

Thơ    MẶC NHÂN TVC
                          alt
             
Tìm lại người em tiền sử

                         Ta trở về tìm lại chốn hoang khai
                         Vùng nhật nguyệt trăng sao màu tím ngắt
                         Biển đông giá, mặt trời còn tím ngắt
                         Rong rêu vàng, mầu đất chửa phôi phai.
 Tôi tìm em, một người em tiền sử
                 Để nhìn em còn hòa nhập thiên nhiên
                         Để có được một người em nguyên bản
                         Của đất trời từ thưở mới khai thiên.
                         Đôi vai trần chắc nịch, mùi hương xạ.
                         Mảnh thân gầy mà đồi núi trập trùng
                        Tôi lạc bước trong hổn mang cơ thể
                         Để nghe chừng mùi đất biển hòa chung
                         Đôi mắt em là lửa trời đỏ rực
                         Mắt thú rừng để soi bóng u minh
                         Đôi chân trần sòng soài như bẩy sập
                         Trời vô tình nhìn đến lá nho xanh.
                         Em vào đời như nước nguồn lửa núi
                         Nhựa hoa căng sẵn đợi chú ong về
                         Em hiến trọn và nhận về tất cả
                         Của đất trời trong khoảnh khắc đê mê.
                         Nhịp âm dương xoay vần chỉ có thế
                         Như cỏ cây, như cầm điểu, thú rừng
                         Em đã đến với đời như mảnh vở
                        Của đá trời gieo giống xuống trần gian
                         Rồi đến lúc em cho đời bên vách đá
                         Ánh thái dương hoàn tất một bào thai
                         Trong vũng máu đỏ hồng màu sinh khí
                        Tiếng tu oa khởi điểm một hình hài.

*
                     
 alt
Nhớ trường xưa
Từ độ mai vàng biệt nắng xuân
Hoa đào viễn xứ nở bao lần
Thương về trường cũ vế trong mộng
Theo dấu người xưa vọng núi Tần.         
alt
   Tiếng ai hát…
               Phím trắng đèn đêm đàn để lạnh                  
               Ai đàn, ai hát, hát ai nghe
               Nửa đêm những tưởng lời ngân cũ
              Nhưng chỉ buồn thay! gió lạnh về.



**
**
Nam Ngo noi chuyen Ngua, moi doc
 
Ngựa trong Khoa học và Đời sống
     
Trong thập nhị chi, con giáp thứ 7 là con ngựa hay Ngọ chữ Hán Việt là Mã 馬. Tên khoa học: Equus caballus. Nếu ghép vào can chi thì có các năm: Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ và Nhâm Ngọ. Ngọ thuộc cực dương vì 12 giờ trưa là giờ Ngọ, tháng 6 là tháng Ngọ cây cối phát triển nhanh… Loài ngựa gắn bó với con người từ thời Thượng Cổ, con người bắt đầu thuần dưỡng ngựa vào khoảng 4000-4500 TCN. Khởi đầu ngựa hoang được thuần hóa ở miền nam nước Nga, nam Sibirien, các miền đông tây Á Châu và từ đó ngựa phổ biến trên khắp lục địa Á - Âu. Người ta thường nuôi ngựa làm phương tiện đi xa buôn bán với các bộ lạc khác nhanh chóng, thuận lợi hơn hoặc đi săn bắn xa và sau đó bắt đầu dùng ngựa tiến hành chiến tranh để cướp đất đai trong quy mô lớn.

(Bức họa của Holmes Sullivan William năm 1877 vẽ nữ Bá tước Godiva (Godgifu) cưỡi đi quanh thành phố Coventry, Anh Quốc năm 1040 để yêu cầu chồng là Bá tước Leofric giảm thuế cho dân)

Ngựa trong danh từ khoa học:

Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Perissodactyla
Họ (familia): Equidae
Chi (genus): Equus
Loài (species): E. caballus

Chủng tộc ngựa có bốn nhóm: thoroughbred/Vollblut (giống ngựa nầy ở Á Rãp và Anh Quốc); warmblood/Warmblut; draft horse/ Kaltblut; ponies /Ponys. Mỗi nhóm, chi có đời sống tập tính khác nhau như: Ngựa vằn núi Bergzebras (Epuus Zebra), ngựa Quagga (Epuus quagga), ngựa Onager (Epuus hemionus) thuộc loại nửa ngựa nửa lừa) ngựa Przewalskipferd (Epuus Przewalskii) ngựa Steppentarpan (Epuus przewalskii igmelini) ngựa Waldtarpan (Epuus Przewalskì silvaticus) ngựa Westpferd (Epuus przewalskii robustus); ngựa ở Phi Châu Wildesel (Epuus asinus africanus); ngựa ở bắc Phi Châu Wildesel (Epuus asinus atlanticus)….Tùy thuộc vào giống môi trường, thức ăn, nước uống v.v, ngựa có tuổi thọ khoảng 25 đến 30 năm. Ngựa cái mang thai kéo dài khoảng 335-340 ngày. Ngựa con vừa lọt lòng mẹ có thể đứng và đi ngay. Ngựa bốn tuổi được coi là ngựa trưởng thành, mặc dù chúng tiếp tục phát triển bình thường cho đến sáu tuổi, thời gian hoàn thành sự phát triển của ngựa cũng phụ thuộc vào kích cỡ của ngựa, giống, giới tính.Có loại ngựa dài 2.80m cao 1,5m…..Ngựa ăn cỏ, dạ dày ngựa chỉ có một túi và không thuộc bộ nhai lại như trâu bò, răng ngựa tốt, ăn và nghiền nhỏ thức ăn, ngựa đực có 40 cái răng, ngựa cái chỉ có 36 cái. Uống nước mỗi ngày từ 30-60 lít nước. Tai ngựa rất thính, nhãn quan của ngựa rộng nhưng chỉ thấy rỏ về phía trước hơn, khuyết điểm không nhìn rõ hai bên, nên hay hoảng sợ khi nhìn thấy các di động hai bên, bởi vậy người ta dùng hai miếng da che hai bên mắt để ngựa kéo xe chỉ nhìn thấy phía trước. Ngựa có nhiều màu như lông màu trắng gọi là ngựa bạch, đen tuyền gọi là ngựa ô, đen pha đỏ tươi là ngựa vang, đen pha đỏ đậm là ngựa hồng, tím đỏ pha đen là ngựa tía, trắng sọc đen là ngựa vằn... Về cách đi đứng của ngựa có nhiều động từ để diễn tả như: đi, bước, rảo, chạy, nhảy, kiệu, phóng, vút, phi (bay), tế, sải, lao, vọt, phốc, phi nước đại, phi nước kiệu, phi rạp mình, ngựa lồng: ngựa chạy trung bình mỗi giờ từ 40-50 km, nhưng có thể chạy nhanh đến 90 km/ giờ. Người ta lấy sức ngựa (mã lực) làm tiêu chuẩn tính sức mạnh của động cơ Kilowatt (1 PS=75 mkp/S; hay 1 PS= 0,735498 KW).

Chân ngựa cũng có nhiều ngón, nhưng chỉ có một ngón giữa phát triển to ra, trên đầu ngón có một cái móng bằng chất sừng bao bọc ở mặt ngoài của móng ngựa, chất sừng rất dày cứng, nó gắn chặt với xương ngón chân, nhưng phần phía trong của móng là chất sừng mềm có tính đàn hồi co giãn được, nó có tác dụng làm giảm xung lực từ mặt đất khi ngựa bước đi. Vì móng ngựa là chất sừng cứng, khi ngựa đi lại trên đất, đá lâu ngày, lớp sừng bảo vệ bên ngoài sẽ bị mòn đến lớp sừng mềm bên trong. Ngựa bị đau chân không thể chạy nhảy kéo xe được Vì thế người ta đóng móng cho ngựa để bảo vệ cho móng không bị mòn. Có thợ chuyên môn rèn sắt đo ni lấy một cái vành bằng sắt có đục lỗ sẵn đóng móng cho ngựa, đã được sáng chế từ thời La Mã cổ đại.

Ngựa trong chiến tranh được gọi là Ngựa chiến hay chiến mã.

Hình ảnh ngựa còn là chủ đề cho các môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thơ văn... Đối với văn hóa phương Tây, ngựa gắn liền với nhiều biểu tượng thần thoại. Quan hệ giữa chủ nhân và ngựa không khác gì đôi bạn thân, cùng nhau vào sinh ra tử, xông pha trận mạc. Bên cạnh chiến binh, ngựa được coi là chiến mã, tượng trưng cho sự dũng mãnh, thần tốc và lòng kiêu hãnh, các binh chủng kỵ binh, kỵ mã, kỵ xạ, thám mã trong chiến đấu, săn bắn… Người Ai Cập và Trung Hoa cổ đại sử dụng xe ngựa kéo, sáng chế ra yên cương và bàn đạp giúp tăng hiệu quả chiến đấu của chiến mã và giúp cho người cưỡi giữ thăng bằng, ổn định và không bị ngã ngựa. Các hiệp sĩ trên lưng ngựa mặc áo giáp với một thanh kiếm hoặc giáo thương, đại đao hoặc các vũ khí đánh xa khác… có sức chống lại mạnh mẽ và gây nguy hiểm cho hầu hết các loại lính bộ binh.

Việc sử dụng chiến thuật ổn định từ ngựa chiến được đóng yên cương và bàn đạp chân đã cho phép người Mông Cổ có thể tấn công và bắn tên hiệu quả từ trên lưng ngựa (nhất là các kỵ xạ), đồng thời đem đến cho họ sự linh động để chinh phục phần lớn các vùng đất đã biết đến trên thế giới. Thành Cát Tư Hãn/Genghis Khan phiên âm Hán: 成吉思汗 (trị vì 1206-1227) là người sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ. Vó ngựa quân Mông Cổ tung hoành khắp nơi, nhờ giống ngựa Mông Cổ với vóc dáng có phần nhỏ hơn, chân ngắn hơn, bờm và đuôi rậm hơn, song chúng ít đòi hỏi chăm sóc, sức chịu đựng tốt, đặc biệt thích nghi tốt với khí hậu cận nhiệt đới. Quân Mông Cổ đã bành trướng xuống phía Nam, ngựa Mông Cổ có thể nói là phương tiện duy nhất để di chuyển đại quân từ Á sang Âu. Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu thì cỏ không mọc được, đến đâu thì bình địa đến đó, máu chảy đầu rơi, xơ xác. Nhưng đến Việt Nam bị Hưng Đạo Vương đánh thua chạy dài về nước.

Theo truyền thuyết Đời Hùng Vương thứ Sáu nổi tiếng và đặc sắc nhất về ngựa là hình ảnh ngựa thần của Thánh Gióng, cậu bé làng Phù Đổng đã vươn vai thành người lớn cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt ra trận dẹp tan giặc Ân. Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa thần bay lên trời tượng trưng cho sự tự do, bất khuất, lòng dũng cảm, ý chí kiên cường. Tại ngã sáu ở Sài Gòn còn tượng tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương.

Ngựa thành Troia Hy Lạp Cổ đại: Người Hy Lạp sử dụng ngựa trong chiến trận. Lịch sử Hy Lạp cách đây hơn 3200 năm có chuyện ngựa gỗ thành Troia. Khi quân Hy Lạp đến bao vây thành Troie (Trojanische Krieg), dân thành này chống cự mãnh liệt, quân Hy Lạp không thể nào vô thành được. Theo mưu mẹo của Odysseus/ Odyssey chế ra một con ngựa gỗ rất cao lớn, bên trong rỗng ruột để quân lính chui vào nấp, sau đó giả vờ bỏ con ngựa lại chiến trường rồi ra lệnh tất cả thuyền bè rút ra khơi. Dân thành Troia thấy quân Hy Lạp rút lui, vui mừng kéo nhau ra khỏi thành hì hục đưa con ngựa gỗ vào bên trong thành như là một chiến lợi phẩm quý giá thu được từ Hy Lạp. Nửa đêm hôm ấy, quân mai phục từ bụng con ngựa chui ra chém giết lung tung, mở cửa thành cho quân Hy Lạp tràn vào. Thành Troia thất thủ, vua Priam bị giết, câu chuyện ngựa gỗ phá thành được chép lại như một thiên anh hùng ca trong các tiểu thuyết của nhà thi hào Homer. Phim cuộc chiến thành Troia



Ngựa trong đời sống bình dân

Ngựa là gia súc đóng góp to lớn trong việc mưu sinh và sự phát triển của con người. ngựa đối với người phương Đông còn là biểu tượng của lòng trung thành, sự kiên trì, nhẫn nại và cần mẫn. Trong thời bình ngựa giúp chúng ta cày bừa, chuyên chở hàng hóa, kéo xe, chở người di chuyển trên đường xa, những nơi hiểm trở. Ngoài ra ngựa là phương tiện di chuyển nhanh nhất thời xưa trong vấn đề liên lạc thư tín, công văn …và tạo những niềm vui cho công chúng như đua ngựa, đi săn, cưỡi ngựa thi bắn tên, làm xiếc thú. Ngựa còn cho ta thịt để ăn và cúng tế, xương nấu cao ngựa làm thuốc, giúp các nhà y học chế ra các loại huyết thanh trị bệnh, huyết thanh chống nọc rắn. Viện Pasteur Nha Trang thành lập từ năm 1895, đến năm 1896 bác sĩ Yersin đã lên vùng Suối Dầu, thành lập một trang trại chăn nuôi ngựa lấy huyết thanh bào chế vacxin phòng chống bệnh dịch hạch. Và cũng từ trại ngựa này, Yersin đã sáng chế ra những loại huyết thanh cổ điển khác như kháng huyết thanh bạch hầu, uốn ván. Cho đến nay, với hơn 100 năm tồn tại và phát triển, trại chăn nuôi vùng Suối Dầu đã trở thành một trung tâm sản xuất vacxin lớn trong khu vực, với số lượng thú nuôi phục vụ nghiên cứu khoa học đứng đầu trong cả nước gồm ngựa, thỏ, chuột lang, chuột bạch.

Tiếp bước theo công trình của bác sĩ Yersin, tập thể các cán bộ ở trại chăn nuôi Suối Dầu đã bào chế ra những kháng huyết thanh mới từ ngựa như kháng huyết thanh trị rạ, trị nọc độc rắn cắn, mới đây nhất là nghiên cứu phát triển loại kháng huyết thanh chữa ngộ độc cá nóc cho ngư dân, theo tinh thần mà ngày xưa bác sĩ Yersin đã đề xướng: nghiên cứu và phục vụ đời sống.

Nhiều giống ngựa đã tuyệt chủng, nhưng nhiều giống ngựa khác được lai giống to lớn có lông mai và đuôi dài rất đẹp, hàng năm lễ hội Beer Tháng Mười ở Munich nhiều ngựa to lớn kéo xe rất đẹp

Ngựa trong văn chương

Thời xa xưa đời sống hàng ngày chỉ sử dụng phương tiện di chuyển, kiệu, cán, xe kéo và ngựa. Ảnh hưởng đời sống nên truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du nhắc đến ngựa rất nhiều lần, hơn 24 câu nói đến ngựa. (1)

Trong đoạn thơ tả cảnh chị em Thuý Kiều, Thuý Vân đi lễ hội Thanh minh:

Dập diều tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

Tác phẩm thứ hai có nhắc đến ngựa là Chinh Phụ Ngâm. vài đoạn thơ liên quan đến ngựa. Nói về nam nhi trong thời chinh chiến:

Chí làm trai đặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giả nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu vị ào ào gió thu.
Rồi nàng phải tiễn chàng ra trận, cảnh chia ly thật buồn :
Ngoài đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng vợi vợi buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền.

Ngựa liên quan trực tiếp đến người chinh phu ở nơi xa xăm, chịu dãi dầu sương gió, cùng những hiểm nguy của chiến trận, bên mình ngựa:

Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn
Giòng nước sâu ngựa nản chân bon.
Ôm yên, gối trống đã chồn
Nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh

Hoặc:

Xông pha gió bãi trăng ngàn
Tên reo đầu ngựa giáo lan mặt thành.

Hay là:

Chàng ruổi ngựa dậm trường mây phủ
Thiếp dạo hài lối cũ rêu xanh.

Tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng có câu nói về ngựa:

Vân Tiên đầu đội kim khôi
Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô.
Tác phẩm Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu cũng có nhắc xa mã:
Mùi phú quý nhữ làng xa mã
Bã vinh hoa lừa gã công khanh.

Ngựa vốn là loài vật gắn bó với con người. Nó nằm trong Lục Súc Tranh Công, 6 loại gia súc nuôi trong nhà như: ngựa, trâu, bò, dê, chó và heo. Người Á Đông đã thuần hóa thành công 6 loại gia súc này trước tiên. Bởi vậy có truyện Lục Súc Tranh Công, ngựa cũng tự khen mình, vừa kể công đánh Nam dẹp Bắc, giúp không biết bao nhiêu tướng tài, phò trợ xã tắc suốt trong lịch sử:

Ngựa nghe nói tím gan, tím phổi
Liền chạy ra hầm hí vang tai
Ớ này này tao bảo chúng bây
Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa...
Tao đã từng đi quán về quê
Đã ghe trận, đánh Nam, dẹp Bắc...
Ngày ngày chầu chực sân rồng
Bữa bữa dựa kề loan giá.
Ông Cao Tổ năm năm thượng mã
Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia.
Ông Quan Công sáu ải vượt qua
Vì cậy có Thanh Long, Xích Thố...
Các chú được ăn no nằm ngủ
Bởi vì ta cầm cán giữ gìn...
Các chú những nằm trong xó bếp
Tài các người ở chốn quê mùa
Đừng đừng buông lời nói khật khù
Bớt bớt thói chê bai giớn giác …
Trong tục ngữ ca dao

Được đầu voi đòi đầu ngựa: nói về người có lòng tham không đáy

Ngựa chạy có bầy chim bay có bạn: nói lên tinh thần đoàn kết.

Ngựa Hồ gió bấc hay chim Việt ngựa Hồ: Ngựa xứ Hồ mỗi khi gió bấc thì hí, chim nước Việt chọn cành phiá nam mà đậu.

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ: Nói về tình đoàn kết

Mã đáo thành công: Câu chúc may mắn, thành công

Ngựa non háu đá: Chỉ những người trẻ tuổi thường có tính cách hung hăng, thiếu chín chắn

Cưỡi ngựa xem hoa, chỉ thời gian ngắn đi qua chưa nhìn hết mọi vấn đề

Ngựa chứng là ngựa hay: nói những người có tài thường có những tật xấu

Ngựa quen đường cũ: Chứng nào tật ấy

Ngưu tầm ngưu mã tầm mã: Chỉ việc những người giống nhau thường tập hợp lại với nhay, tìm đến nhau

Đầu trâu mặt ngựa: Câu này dùng để chỉ những kẻ vô loại, kẻ đại bất lương.

Thẳng như ruột ngựa: Nói về việc không úp mở, thẳng thắn vào đề luôn

Da ngựa bọc thây: Câu này thời xưa dùng để nói về một người lính đã ngã xuống trên chiến trường

Đơn thương, độc mã (một ngựa với một cây thương): Chỉ người một mình chống lại khó khăn, không có sự trợ giúp của ai, giống câu một mình một ngựa

Một lời nói ra bốn ngựa khó tìm (Nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy): Câu này có nghĩa là một lời nói vô ý khi ra khỏi miệng rất khó có thể lấy lại được.

Tế ông mất ngựa: Chỉ trong cái rủi có cái may.

Có mặt nào dài hơn ngựa, trước pháp đình, tội nhân đứng trước vành móng ngựa. …

Rồng chầu ngoài Huế, Ngựa tế Đồng Nai

Trong truyện thần thoại Tây Phương con ngựa cổ nhất là con độc giác là con bạch mã đuôi dài tha thướt như tóc một thiếu nữ, giữa trán mọc một cái sừng (Einhorn) và xoắn như mũi khoan phát ra ánh sáng, thêm con ngựa có cánh bay, các loại truyện thần thọai đã dựng thành phim hoạt hình. Những lăng mộ ở Ai Cập trên những bức phù điêu đều có chạm trổ hình những con ngựa, Tại Viện bảo tàng ở Cairo chưng bày những chiếc xe ngựa của các đời Vua được khai quật hơn 3000 năm. Trước sân các Đình Miếu ở Việt Nam cũng như Trung Hoa thường có tượng đá bằng ngựa…Về Âm nhạc có các nhạc phẩm được nhiều người thích là: Vết thù trên lưng ngựa hoang, Lý Ngựa Ô.



Ở Trung Hoa, có dòng họ Mã lấy theo tên ngựa, trong đó có nhiều người nổi danh như Mã Viện, Mã Đằng, Mã Siêu, Mã Anh Cửu, Mã Gián Sinh, Mã Bé… Ngoài ra thêm nhiều chuyện như „trảm mã trà„ cho ngựa ăn trà chém đầu mổ bụng lấy trà sao chế để uống, hay chuyện cho ngựa bạch lên núi cao tìm cỏ Phương Chi mọc trên đá cho ngựa ăn lúc mặt trời vừa mọc, ăn xong cũng chém đầu mổ bụng lấy bao tử mang về chế thuốc phơi khô trị bệnh, bà Từ Hy Thái Hậu khoản đãi khách quý dùng loại thuốc đó nấu với Long Tu.

Dược thảo mang tên ngựa

Trong các dược liệu cổ truyền, hai khái niệm ngựa và mã thường được sử dụng để chỉ tên nhiều vị thuốc có giá trị, thậm chí là tên của nhiều họ cây thuốc. Xin giới thiệu một số thảo dược chính có liên quan đến hai khái niệm này.

Mã tiên thảo hay còn gọi là cỏ roi ngựa (Verbena officinalis L.), họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae), trông hình dáng giống như cái roi ngựa. Vị thuốc là bộ phận trên mặt đất, thu hái lúc cây sắp ra hoa, phơi khô hoặc sấy khô, với liều 6 - 12g dùng trị các bệnh sốt rét, lỵ, ngứa lở hạ bộ, sưng đau tuyến vú, mụn nhọt, bế kinh, khí hư bạch đới.

Mã kế còn gọi là đại kế (Circus japonicus (DC.) Maxim), họ Cúc (Asteraceae), dùng toàn cây. Vị thuốc có vị ngọt, đắng, tính mát. Trị thổ huyết, máu cam, trĩ ra máu, tiểu tiện ra máu, băng huyết, chấn thương chảy máu. Khi dùng để cầm máu thường được sao đen. Trị băng huyết và kinh nguyệt quá nhiều

Mã xỉ hiện còn gọi là rau sam (Portulaca oleracea L.), họ Rau sam (Portulacaceae), mọc hoang hoặc được trồng để làm thuốc hoặc làm rau ăn. Có thể dùng tươi hoặc khô để trị lỵ trực khuẩn, giun kim, dưới dạng nước sắc 15 - 20g ngày. Dùng ngoài, trị ngứa lở, nước ăn chân, lấy cây tươi rửa sạch, giã nát, chấm vào chỗ bị bệnh, ngày 1 - 2 lần sau khi đã rửa sạch chỗ bị bệnh và lau khô

Mã đề còn gọi là Xa tiền thảo (Plantago major L.), họ Mã đề (Plantaginaceae). Hai chữ mã đề là ám chỉ “móng chân của con ngựa”. Mã đề cho nhiều vị thuốc hay, toàn cây có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, chống viêm loét, trừ đờm, chống ho, chống lỵ...Dùng trị bí tiểu, tiểu vàng, đỏ, tiểu ra máu, sỏi đường tiết niệu, viêm gan, mật...Từ mã đề có thể thu được các vị thuốc: bông mã đề, cụm hoa, hạt mã đề (xa tiền tử) có cùng tác dụng: lợi tiểu, lợi mật...

Mặt khác, xa tiền tử còn chứa nhiều chất nhầy, có khả năng bao phủ các vết loét, nhất là ở dạ dày, tá tràng. Do vậy, vị thuốc này cũng như tịch chiết lá tươi của nó được dùng để trị viêm loét dạ dày, tá tràng rất tốt

Mã đề nước còn gọi là Trạch tả (Plantago plantago- aquatica L. tên đồng danh Alisma orientalis Sam. Juzep.), họ Trạch tả (Alismataceae). Gọi là mã đề nước vì lá của cây trạch tả trông rất giống với lá của cây mã đề, song cây này lại mọc ở dưới ruộng nước. Y học cổ truyền dùng thân rễ của Trạch tả hàng năm thu hái vào khoảng tháng 4 - 5 để làm thuốc chữa bệnh phù thũng, viêm thận, viêm bể thận, tiểu tiện khó khăn, đái ra máu .

Cá ngựa hay hải mã là tên gọi chung của một chi động vật sống ở đại dương tại các vùng biển nhiệt đới. Cá ngựa có chiều dài 15 cm có loài dài đến 30 cm. Cá ngựa là cá biển thuộc chi Hippocampus và họ Syngnathidae vùng nước nhiệt đới và ôn đới ở khắp nơi trên thế giới. Đông y thường dùng hải mã khô trong những than thuốc nấu uống hay để ngâm rượu uống bổ dương. Khoa học chưa có tài liệu nào cho biết thành phần hóa học tác dụng dược lý?.. Cá ngựa và cá chìa vôi là 2 chi cá đặc biệt ở chỗ con đực "mang thai" và sinh con. Thời gian mang thai từ 2-3 tuần. Nó có vây ngực ở phía trên gần mang và vây lưng nằm phía dưới cơ thể. Một số loài cá ngựa có một phần thân thể trong suốt nên rất khó nhìn thấy.

Năm Quý Tỵ đã qua nhiều biến đổi, hy vọng năm Giáp Ngọ đến “mã đáo thành công“ sẽ đem lại Tự Do, Dân Chủ cho Việt Nam. Không còn bọn „đầu trâu mặt ngựa“ đàn áp đánh đập người dân biểu tình chống Trung cộng xâm chiếm biển đảo tịch thu ghe tàu, đánh đập ngư dân Việt Nam. Kính chúc thân hữu và quý độc giả năm mới bình an, thân tâm an lạc, may mắn và hạnh phúc .

N Q Đ



Đọc thêm
1/ Kim Trọng xuất hiện và gặp mặt Kiều lần đầu, chàng cỡi ngựa:
Tuyết in sắc ngựa câu dòn,
Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời.
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa, tới nơi tư tình.

Khi hai chị em Kiều sắp chia tay Kim Trọng, ngựa lại được nhắc đến:
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo.
Mã Giám Sinh, vội vàng ra đi bằng ngựa:
Đoạn trường thay lúc phân kỳ
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.
Nàng càng thổn thức gan vàng,
Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào!

Thúc Sinh, lúc chia tay cùng Kiều vào một mùa thu để về nhà thăm vợ nhà „Hoạn Thư“ cũng đã ra đi bằng ngựa:
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.

Khi Thúc Sinh đã ra đi rồi, có một nhóm ác nhân “đầu trâu mặt ngựa” đến đốt nhà nơi Kiều đang cư ngụ. Trong lúc bất tỉnh vì thuốc mê, Kiều đã bị bắt cóc đem đi bằng ngựa:
Thuốc mê đâu đã tưới vào,
Mơ màng như giấc chiêm-bao biết gì!
Vực ngay lên ngựa tức thì,
Phòng đào, viện sách, bốn bề lửa dong.

Từ Hải người đã giúp Kiều trả oán, báo ân, và đưa Kiều lên chỗ cao sang nhất của cuộc đời Kiều, cũng dùng ngựa. Đó là lẽ dĩ nhiên vì Từ Hải là một võ tướng:
Trông trời, trời bể mênh mang,
Thanh gươm, yên ngựa, lên đàng thẳng dong.

Khi cho quân lính rước Kiều về phủ đường một cách rất long trọng, Từ Hải đã tự mình cỡi ngựa ra ngoài để nghênh đón Kiều:
Kéo cờ lũy, phát súng thành,
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài.

Và gần đến cuối của câu chuyện gian truân đời Kiều, người em trai của Kiều và người tình đầu tiên đã được làm quan Cả hai đã dùng xe ngựa:
Sắm sanh xe ngựa vội vàng,
Hai nhà cùng thuận một đường phó quan.

Thành ngữ “đầu trâu mặt ngựa” để chỉ những người không lương thiện bắt nguồn từ Kiều:
Người nách thước kẻ tay dao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.

Thành ngữ “làm thân trâu ngựa” để đáp đền ơn sâu cũng ở trong Kiều mà ra:
Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Sưu Tầm_TSNguyen_KHSG Groups

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét