Nói
đến cây bồ đề thì ai cũng biết nó là cây gắn liền với đạo Phật, thường
được trồng ở các chùa chiền. Thế nhưng còn một loài cây khác liên quan
tới hai thời khắc quan trọng lúc Sinh và lúc Tử trong đời Phật Thích Ca
Mâu Ni thì lại ít được người đời biết đến. Sống Chậm
viết bài này như muốn tìm lại lẽ công bằng cho một loài cây. Đó là cây
Sala.
Người ta nhớ
cây bồ đề vì đó là nơi Phật Thích Ca ngồi tọa thiền rồi thành đạo. Cây
bồ đề giống như ngôi trường mà một nguyên thủ đã từng học, như trường
Harvard đào tạo nên Tổng thống Hoa kỳ Bill Clinton, như nhà tù Côn đảo
là trường học của nhiều nhà cách mạng Việt Nam. Khi ai đó trở thành bậc
đứng đầu thiên hạ, khi đã thành danh thì người ta hay truy tìm xem trước
đây người ấy học ở đâu, mà ít người bỏ công tìm hiểu xem họ sinh ra ở
đâu, trong hoàn cảnh nào?. Phần nhiều người ta quên đi địa điểm mình đã
sinh ra. Khi lớn khôn, thành đạt người ta thường hay về thăm lại trường
xưa lớp cũ - tức là thăm cây bồ đề, chứ mấy ai đến thăm lại nhà hộ sinh
và bà đỡ.
Cây Sala là
nơi Đức Phật sinh ra. Theo tục lệ , khi chuẩn bị đến kỳ mãn nguyệt khai
hoa Hoàng Hậu Maya cùng với đoàn tùy tùng về nhà cha mẹ để sinh. Dọc
đường, bà dừng chân nghỉ dưới gốc một cây Sala ở khu rừng Lumbini, ngoại
thành Kapilavatthu, thuộc nước Nepal ngày nay. Cơn đau sinh ập đến, bà
tìm nơi bấu víu và cây liền nghiêng nhánh xuống cho bà vịn. Hoàng Hậu
vừa vin cây thì cậu bé Siddharta ra đời và sau này tu luyện trở thành
Đức Phật. Hình ảnh cây Sala vươn nhánh xuống cho hoàng hậu vịn trong lúc
sinh hạ mang rất nhiều ý nghĩa. Trong lúc sinh nở, người đàn bà đau lắm
muốn bấu víu vào một cái gì đó. Ở Phương tây, bác sỹ cho người chồng
vào phòng sanh. Bàn tay người chồng chìa ra giúp vợ qua cơn vượt cạn sẽ
là sự động viên tinh thần rất lớn. Ở đời, người ta cần lắm những bàn tay
- cành Sala chìa ra khi ai đó gặp khó khăn hoạn nạn. Làm được điều ấy
đã là người tu tại tâm rồi.
Sống
hết cuộc đời, khi chết đi, người ta được chôn cất, xây mồ mả. Giàu thì
xây lăng mộ to đẹp, nghèo thì có nấm mồ đắp đất, đấy là chút chứng tích
về một kiếp người. Nhiều năm trôi đi, người đời chỉ còn nhớ đến lăng mộ,
chứ mấy ai nhớ đến cụ thể chiếc rường, căn phòng người ta nhắm mắt xuôi
tay. Khi chết, chiếc giường nằm lúc lâm chung bị đốt đi cùng một số vật
dụng cá nhân. Chôn cất xong, ảnh mang lên ngự trên ban thờ, mỗi năm
được vài lần thắp hương cúng giỗ, thời gian trôi qua chả còn ai nhớ! Dân
thường là vậy, vĩ nhân chết đi cũng chẳng kéo dài hơn. Cây sala cũng
chịu cảnh bất công như thế cho dù nó là cây chứng kiến Phật trút hơi
thở cuối cùng.
Khi biết
mình sắp viên tịch, Phật hành trình đến đền Càpàla, xứ Vesàli làm lễ,
rồi di chuyển thêm một lộ trình khá dài đến tiếp Kusinàra. Mặc dù bị
bệnh khá nặng nhưng Phật vẫn kiên quyết đi bộ, vượt sông đến rừng Sala,
xứ Kusinàra. Đoạn đường này dù chỉ có chừng 9km nhưng Phật phải đi mất
khoảng 3 tuần, dừng nghỉ đến 25 lần vì bệnh và mệt. Khi tới nơi, Phật
nằm xuống đầu hướng về phương Bắc, giữa hai cây Sala, 2 cây khác ở xung
quanh và viên tịch vào ngày thứ 15 của tháng trăng tròn thứ Sáu theo
lịch Ấn Độ, hay tháng Visakha (khoảng giữa tháng Năm Dương Lịch hay rằm
tháng Tư Âm Lịch).
"...Bốn cặp cây Sala, vươn tàng ra hợp lại, thành một vầng mây lá, che phủ thân vàng kim, nằm trên giường bảy báu..."
"...Lá các cây Sala, bỗng biến thành trắng xóa, như một rừng hạc trắng, rồi thì lá hoa trái, vỏ cây và nhành cánh,
khô dần thành nứt nẻ, gẫy rụng lả tả rơi...
" Đường xưa mây trắng -Thích Nhất Hạnh)
Đức
Phật đã chọn vị trí giữa 4 cây Sala để nhắm mắt, một cách có chủ ý và
đã phải rất cố gắng để hoàn thành ý nguyện ấy trong lúc thân xác đã mang
trọng bệnh. Bốn cây sala đó chính là nhân chứng của lịch sử Phật giáo,
chứng kiến sự ra đi về cõi niết bàn của Phật tổ. Vậy mà sao người đời ít
nhớ ? Có phải vì nó chứng kiến tới cái chết của Thích Ca mâu ni mà bị
coi là cây "diệt pháp" và ít người muốn trồng. Tôi đã nghe một nhà sư
khẳng định quan niệm đó là hoàn toàn thiển cận và sai lạc. Cây Sala là
biểu tượng của sự sống.
Ngày
nay, không chỉ ở Ấn Độ, ở Singapore những người Ấn trong cộng đồng
người Ấn ở Little India Singapore (khu vực chợ Mustafa ngày nay) và
nhiều nước khác đã và đang lưu truyền tập tục cầu có con ở cây Sala.
Người hiếm muộn đến cầu có con dưới bóng cây Sala bởi vì sự đặc biệt của
nó. Vị trí đơm hoa kết trái của cây Sala hoàn toàn không giống như bình
thường - hoa và trái mọc trực tiếp từ thân chứ không phải từ cành. Quả
Sala khi chín có mùi hôi, lúc chín nẫu bổ ra thì mùi nồng nặc. Thật là
lạ! một cây có dáng của tùng bách, hoa đẹp mê hồn mà quả lại có mùi hôi.
Muốn có cây Sala con người ta phải bổ trái đã thúi này ra thì mới lấy
được hạt để trồng. Hạt này cũng phải để cho thối đi mới nảy được mầm
lên cây được. Nghe qua thì có vẻ lạ lùng, nhưng nó lại rất đúng với quy
luật sinh diệt của nhà Phật. Quá trình ra hoa, kết quả, quả chín rồi
thối rữa để rồi tiếp tục tái tạo này diễn tiến đúng theo chủ nghĩa phồn
thực trong việc phát triển xã hội SINH - DIỆT - TÁI TẠO của Ấn giáo.
Phật mất đi để tái tạo lại một phần chúng sinh nhân loại, chứ không phải
bị lãng quên mãi mãi. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà Phật đã chọn đúng
cây Sala để chết chứ không phải chọn bất kỳ một loài cây nào khác. Có
thể nhiều người không tin vào việc cầu con ở cây Sala, nhưng ai có bệnh
thì cần vái tứ phương. Vì vậy, các cặp vợ chồng hiếm muộn hãy thử xem
sao. Niềm tin nằm ở trong lòng, ai tin thì cho là đúng, ai không tin thì
cũng đừng đả phá. Thế mới là tự do tín ngưỡng.
Đã trồng bồ
đề thì cũng đừng quên trồng cây sala. Đành rằng, không phải ai cũng có
nhà có đất để trồng cây. Có đất rồi, trồng cây gì cũng phải đắn đo.
Trong vườn nhà, chắc chẳng ai trồng cây đa cổ thụ vì dân ta xưa thường
nói có nhiều ma quỷ tụ tập dưới tán. Hoặc như cây hoa sữa chỉ nên trồng
ngoài đường chứ không nên trồng gần nhà, đơn giản vì mùi thơm của nó khá
nặng, khiến ta khó ngủ. Trong vườn nhà người ta có thể trồng Sala. Nếu
trồng 1 cây nó sẽ mang ý nghĩa rằng đây là cây Sala nơi Đức Phật sinh
ra. Còn nếu trồng trong chùa, từ đường hay nơi thờ cúng thì nên trồng 4
cây vì kinh chép lại rằng bốn cây Sala nơi Phật nằm lúc nhập diệt, mỗi
cây chỉ có một nhánh khô héo, chuyển sang màu trắng, cành lá hoa quả đều
rơi rụng nhưng nhánh kia vẫn xanh tốt. Bốn cây này được gọi là tứ khô
tứ vinh thọ (bốn cây, mỗi cây có một nhánh sống và một nhánh chết).
Chính hình ảnh của bốn cây Sala "không phải sống mà cũng không phải
chết" này đã nói lên sự thị hiện Niết bàn "sanh nhi bất sanh, diệt nhi
bất diệt" của Thế Tôn. Nó cũng là biểu hiện sự sống, kế thừa, truyền
thống, là biểu hiện của thuyết của âm dương.
Ngoài
ý nghĩa tinh thần, cây sala là một loài cây đẹp. Theo tài liệu khoa học
thì cây Sala có tên khoa học là "Couroupita surinamensis Mart. ex Berg"
nó thuộc họ Lộc vừng "Lecythidaceae", bộ Sim Myrtales. Không biết có
phải vì quả của nó tròn như trái dừa khô đã bóc vỏ, trông như viên đạn
của súng thần công thời xưa nên người Anh gọi là Cannon ball-tree hoặc
Foul coconut tree hay không?. Tín hữu Phật giáo thì gọi là cây "Sala
song thọ" bởi vì lúc Phật viên tịch một nhánh thì khô héo, chuyển sang
màu trắng, cành lá hoa quả đều rơi rụng, còn nhánh kia vẫn xanh tốt.
Theo hình dáng nhụy hoa người ta còn gọi nó là cây Hàm rồng. Còn giới
chơi cây cảnh thì lại gọi là cây Ngọc kỳ lân bởi sự liên tưởng đến hình
dáng của cả chùm hoa tựa như sừng của con lân.
Nhìn
từ xa, cây Sala cao vút lên trời dáng như tùng bách, có cây cao tới
30m. Lại gần, thấy hoa mọc trực tiếp và chi chít xung quanh thân, từ gốc
mọc lên, chùm hoa dài ra liên tục có thể tới 2-3m và nở suốt quanh năm.
Hoa có mùi thơm rất dễ chịu và bay xa nhưng trái của nó thì có mùi rất
lạ. Quả Sala thì tròn to đường kính có thể tới 20cm.
Một ngày nào
đó, bạn bớt chút thời gian thử tìm ngắm cây và hoa Sala. Nó đẹp lắm và
người ta có thể suy ngẫm nhiều điều. Ở Việt Nam, đạo Phật đã thấm sâu
vào cuộc sống. Dù nhiều người khai trong lý lịch là không tôn giáo nhưng
vẫn tin và làm theo những triết lý và quy tắc Phật giáo. Ngày nay trong
thế giới phẳng của toàn cầu hóa với những bầy thú điện tử, thú sừng
ngắn sừng dài, con người ta quay cuồng vì tiền bạc và địa vị. Nhưng
người ta vẫn cần dành chút thời gian để quay về với cuộc sống hàng ngày.
Vẫn cần quan tâm đến những điều tưởng như nhỏ nhoi. Vẫn cần lắm những
đức tin về cuộc sống, cần phải đối xử công bằng với cỏ cây muông thú.
Nhớ tới cây
Sala nơi Phật sinh ra, cũng như là nhớ tới mảnh đất chôn rau cắt rốn.
Nhớ để bảo vệ gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc mình. Nhớ tới cây sala -
nơi Phật mất đi, cũng là nhớ tới quy luật sinh tồn tái tạo. Nhớ để duy
trì bản sắc dân tộc, tạo sự trường tồn của nền văn hóa Việt Nam.
|
Em kính chào cô. Đọc bài của cô làm tăng sự hiểu biết của em. Lần đầu em mới nhìn thấy cây Sala...
Trả lờiXóa