Trang

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

MẸ CHỒNG TÔI




MẸ CHỒNG TÔI

YTH- NGUYỄN THY TỨ


Anh thương, Cha Mẹ không thương,
Ví như nước chảy, đường mương chưa đào.
(Ca dao)


May mắn cho chúng tôi, nước chảy đến đâu, nơi đó đường mương đã được đào sẵn. Sau khi ra trường, anh về quê Tuy Phước, Bình Định, xin Cha Mẹ cho phép cưới tôi. Cha anh dễ dãi, chấp thuận ngay. Mẹ anh bảo: - Con thiệt thà, lấy vợ Bắc, bị ăn hiếp chết!
Nói vậy, nhưng Mẹ anh rất vui. Lâu nay, Mẹ vẫn luôn thúc giục, mong mỏi cho con trai út của mình, người con được sinh ra lúc Mẹ 28 tuổi, Mẹ rất mực yêu thương, sớm yên bề gia thất. Thế là những lần liên lạc, thăm viếng giữa hai gia đình, từ buổi sơ giao, nhanh chóng trở nên thân tình hơn. “Nghi thức Thăm nhà”, được diễn ra trong tuần lễ sau đó.
           
Trước khi vào Sài Gòn chọn nhiệm sở, anh đến chào từ biệt Bố Mẹ tôi. Tôi đưa anh xem quyển sổ, giấy pelure nhiều màu, dành để chép thơ. Trang đầu, tôi ghi sẵn 4 câu:    
Công danh, chàng hỡi tham gì,                                                                                 
Về đây cho tuổi xuân thì có nhau
Tóc xanh, mấy chốc bạc đầu
Duyên tình hờ hững, dạ sầu cô miên”!
Anh lấy cây viết từ túi áo ngực, ghi tiếp, nét chữ hơi nghiêng nghiêng:
“Công danh xin trả cho đời
Với cung với kiếm cho người đấu tranh
Về đây, về đây, đã đành
Chỉ xin nương tử, còn xanh mái đầu.”

Anh chọn nhiệm sở là phi đoàn 223 Biên hòa. Những bức tình thư, như con thoi, liên tục qua lại. Anh mới ra trường, làm phi công phụ trong những chuyến bay trực thăng võ trang, yểm trợ tác chiến cho mặt trận bên kia biên giới Campuchia. Chiến trường đang hồi sôi động. Gần đến
“Ngày ước hẹn”, tôi nhận bức điện tín, do bác cai trường đem đến lớp, sau giờ ra chơi: “Anh không về được, cứ tiến hành lễ Vấn Danh”.
Đây là Trời muốn gửi thử thách đầu tiên, cho cuộc tình “Người yêu là lính”! Biết sao, khi hai bên Cha Mẹ đã thỏa thuận rồi! Tôi đành “xưng tên” trong một lễ Vấn Danh thiếu chú rể!
Bốn tháng sau, một bưu kiện lớn đầy thiệp cưới, anh gởi về địa chỉ nhà trường. Tôi trao số thiệp nhà trai. Phần còn lại, tôi chần chừ chưa muốn gởi, dù Bố Mẹ có nhắc nhở. Mẹ chồng tương lai, ở quê xuống, kêu tôi đi sắm nữ trang. Mẹ thật thà, chất phác bảo:
-Nếu Hân không về được, vẫn cử hành đám cưới như dự định. Cưới xong, Mẹ sẽ đưa con vào Biên Hòa. Tôi bật khóc:
 - Thưa Bác, nếu anh Hân không có mặt, con sẽ làm đám cưới với ai?
Mẹ đành về không, kể lại với cả nhà: -Thấy con Thơ khóc, tôi chẳng nỡ ép nữa!

Một tuần trước ngày cưới, anh về, tới trường đón tôi, nửa thương, nửa trách: - Đến nỗi gì, em phải héo hon như thế? Chắc chắn, anh phải có mặt, để làm chú rể chứ? Rồi Anh hối hả đem thiệp đi mời, đưa tôi đi lấy áo cưới và chọn nữ trang…Bộ complet màu mận, anh may sẵn trong ấy, đã đem về. Bao nhiêu công việc còn lại, phải…“tốc hành” lo cho kịp ngày cưới, hỏi, nhập một. (Lính mà)!
Chiều thứ bảy, lễ Hôn phối ở Thánh đường xong, ra nhà hàng đãi tiệc. Qua Chủ nhật, rước dâu về quê. Hai cô bạn cùng trường, làm phụ dâu cho tôi. Chú rể…solo, không tìm ra phụ rể! Thật thiếu sót, lấy ai tiếp đón hai cô dâu phụ?
Đám rước dâu đi trên con đường quanh co, men bờ rào duối, bên dưới là những thửa ruộng “lúa con gái” xanh bát ngát. Rất hữu tình! Sau nghi thức lễ gia tiên và ra mắt họ hàng.  Ăn uống qua loa, chúng tôi (hai cô dâu phụ và cô dâu), lẻn ra vườn. Thích thú, trầm trồ trước những chùm xoài đụng đất, nằm la liệt như bày heo con. Trái chùm ruột chi chít, trĩu cành. Những quày dừa căng bóng, có đến hàng trăm trái…Mãi đến lúc có người gọi, tiễn nhà gái ra về, ba đứa chúng tôi vội vã chạy vào. (Đoảng ghê chưa)! Có phải ở lại làm dâu đâu, có phải xa lìa Bố Mẹ ngay đâu, cớ gì phải buồn rầu, khóc lóc? Xế chiều sẽ trở lại Quy nhơn, về tạm khách sạn 3 ngày, Cha Mẹ chồng không dám cho ở lại ban đêm, sợ không được an toàn cho người con...“giặc lái”!
Đám cưới được một tuần, anh phải trở lại đơn vị. Tôi tiếp tục đến trường. Nhớ thương ngập tràn trên những trang thư:
Chim lìa cành thương cây nhớ cội,
Người xa người tội lắm Trời ơi!
Chẳng thà không biết thì thôi,
Biết nhau, mỗi đứa một nơi cũng buồn”! 
(Ca dao)
Đâu chỉ là “cũng buồn”? Buồn nẫu ruột, nẫu gan ra đấy chứ! Anh bảo: Lúc chưa cưới em, anh sống không lo nghĩ nhiều. Bây giờ đã làm chồng, mỗi lần đi bay, anh thường băn khoăn, lo lắng: Nếu lỡ có một ngày, anh đi, không trở lại, tội em biết mấy! Anh yêu thương em, nhủ mình hết sức cẩn trọng và dâng lời nguyện cầu mỗi sáng đi bay. Mong sao:
Tôi sẽ bình yên trở về với đất
Có người yêu dù xa cách muôn trùng
Có Mẹ già bằng nước mắt rưng rung
Đón những người con giang hồ đãng tử”…
(Thơ Hoàng Nguyên)

Cô bạn còn độc thân, quê Quảng Trị, dạy cùng trường, hỏi tôi: - Tình yêu và hôn nhân khác nhau thế nào? Tôi giỡn giỡn, đáp liền, không suy nghĩ: - Tình yêu là một ly kem bảy màu. Hôn nhân như một tô bún bò Huế cay nồng! Rõ thật có “tâm hồn… ăn uống”!

Mỗi chiều thứ bảy, tôi đón xe Lam về Tuy Phước thăm Cha Mẹ chồng, cách nhà Bố Mẹ tôi chừng 11km. Tôi thường ở lại một đêm, sáng hôm sau, trở về Quy nhơn. (Chiếc gối nhà Mẹ chồng rất cao, làm tôi khó ngủ, hay là còn một nguyên do nào khác)? Giỏ quà mang đi, đem về, lúc nào cũng nặng trĩu. Mẹ chồng hái cho đủ các loại trái cây trong vườn: xoài, mận, ớt, cà chua, cà dĩa, rau ngót…không bao giờ quên, cắt cho một bó huệ sẻ thơm ngát, trồng trong khoảnh sân trước nhà.
Khi nghe tôi có thai, Mẹ chồng vui lắm. Nhưng anh Hai bảo: -Tụi bay có con chi sớm vậy? Làm tôi hơi buồn lòng! Có thai lúc nào, có biết đâu! “Thời đại” chúng tôi hồi đó, khờ lắm! Sống tự nhiên, chẳng hề “kế hoạch” hay toan tính gì đâu!
 Mẹ chồng dặn tôi bớt đi lại. Mỗi tuần, Mẹ hoặc Cha chồng xuống thăm, đều đem cho chùm ruột rim, dừa, mận, hay ổi vườn tươi giòn, chua chua, ngọt ngọt. Tuy vậy, tôi còn ăn rất nhiều me, hàng ký me, mua, lúc dạy học về, đi ngang qua chợ.

Nghỉ hè, hai bên Cha Mẹ vui lòng cho tôi vào Biên Hòa, sống với anh trong cư xá độc thân của phi đoàn. Sau, chúng tôi thuê nhà, dọn ra ngoài ở. Sáng sớm, tôi chuẩn bị món điểm tâm cho anh. Tiễn anh đi bay, tôi ở nhà, tỉ mỉ cắt may đồ em bé. Vừa làm vừa thầm thĩ cầu nguyện, mong anh được bình an. Áo, mũ, bao tay, giày…chiếc nào cũng thêu hoa lá, chim chóc, theo nguyên bộ. Những cái móc be bé treo đầy nhà. Tôi may, thêu, treo lên ngắm nghía, chờ chiều về, khoe với chồng. Có những lần anh về muộn, tôi bồn chồn, đứng ngồi không yên. Bảo anh, anh cười, xòe bàn tay cho tôi xem: - Em đừng lo! Số anh thọ lắm, đường “mạng đạo đôi” rõ nét như thế này cơ mà!
Tôi viết thư, kể về những ngày tháng “ra riêng”. Hai bên gia đình đều rất vui.

Thấm thoắt, gần tới ngày sinh, Mẹ chồng và người anh thứ bốn vào thăm. Trước khi đi, Mẹ chồng dặn dò Mẹ ruột của tôi: - Chị yên tâm, nếu con Thơ sanh, tôi ở lại nuôi, nếu chưa, tôi đón nó về cho chị! Mẹ tôi đang bệnh, chỉ gởi theo cho một món tiền.
Không mua được vé máy bay, vì thai nhi đã lớn. Chúng tôi đáp xe đò về quê. Xe không chạy suốt, nghỉ lại Nha Trang. Nửa đêm, tôi đau bụng lâm râm. Nghĩ là đi đường, ăn uống không cẩn thận, tôi lặng lẽ lấy dầu ra thoa. Nhưng không ổn, cơn đau trở lại từng hồi, đều đặn. Tôi đánh thức Mẹ chồng, đang ngủ cùng giường:
- Mẹ ơi! Con đau bụng nãy giờ mấy chặp rồi!
Mẹ hốt hoảng, vùng dậy, bới lại mái tóc dài, giục giã:
- Đi con, đi tới nhà bảo sanh khám thôi! Cha con Khánh, mau kêu cyclo cho Mẹ!
Bác sĩ ở bảo sanh viện Hồng Phúc nói: - Có dấu hiệu sanh. Đã mở 2 phân. Nhưng con so, có lẽ chuyển bụng hơi lâu!
Trở về khách sạn, anh Bốn nói: - Em muốn ở, anh lo chuyện ở. Muốn về, anh lo chuyện về. Thực tình, việc này, anh không dám quyết định! Mẹ chồng cũng chờ ý kiến của tôi. Tôi “điếc đặc”, đâu biết sợ súng! Chỉ nghĩ đơn giản: Đã chủ tâm về quê, chẳng lẽ lại sinh con…giữa đường! Nên trả lời nhanh chóng: - Xin anh lo cho em về!
Thế là anh đi trả lại vé, bao một chiếc xe 4 chỗ ngồi, về Quy Nhơn. (Giá tiền năm 71, tôi nhớ, anh phải trả 7.200 đồng). Mờ sáng, xe khởi hành. Anh Bốn ngồi bên tài xế. Mẹ chồng và tôi ngồi băng sau. Tôi mang bầu con so, vốn người “mình dây”, nên bụng rất gọn. Áo đầm dài, bên ngoài, khoác áo len đen. Nét mặt tư lự, người ngoài sẽ nghĩ là tôi bị ốm, không ai ngờ tôi đang chuyển bụng sinh con! Bác tài nếu biết, chắc chẳng dám chở một hành khách đặc biệt như thế!
Mẹ chồng kể cho tôi nghe, hết chuyện này sang chuyện khác, Mẹ mong tôi quên cơn đau và hy vọng, sẽ về đến Quy Nhơn, suôn sẻ.

10 giờ 30, xe vào tới sân nhà Bố Mẹ tôi. Người chị ruột, là Nữ trợ tá Xã hội, đang ở đấy. Tôi vẫn đau bụng ngằm ngằm, nên không vào nhà, chị vội chở tôi tới bệnh viện Thánh Gia. Nhập viện xong, Mẹ chồng “bàn giao” cho Mẹ tôi, về quê. Hẹn hôm sau, sẽ xuống thăm.
Tôi mệt rũ người, nước mắt lặng lẽ ứa ra! Mẹ tôi nài ép: -Con cố ăn uống một chút để lấy sức. Nể Mẹ, tôi chỉ nếm qua vài miếng. Tôi nằm, ngước nhìn tượng Chúa chịu nạn, treo trên tường: - Chúa ơi! Sự sống thật huyền nhiệm, nhưng vẫn không thiếu đớn đau!
Những cơn đau xé thịt! Bao nhiêu nỗ lực dồn vào việc luyện tập bài thể dục: “Đẻ không đau”, từ lúc mới có thai, hình như chẳng giúp gì cho tôi! Cũng may, cơn đau ngắt quãng, nếu kéo dài liên tục, làm sao tôi chịu nổi! Vào phòng sanh, tôi mệt lả, có lẽ do chuyến đi đường xa, kém ăn, thiếu ngủ, lại lo buồn vì cảnh: “Đàn ông đi biển có đôi. Đàn bà đi biển, mồ côi một mình”! Nên càng yếu ớt thêm! Hết ca trực này, đổi ca trực khác, tôi vẫn chưa sanh. Bác sĩ chờ, cô y tá khích lệ: -Cố rặn đi! Đầu tóc em bé đen thùi đây rồi! Tôi năn nỉ: -Em không còn sức lực nào nữa! Xin Bác sĩ cứ mổ xẻ thế nào tùy ý!
Bác sĩ cho chích “thuốc giục”. Thời gian nặng nề trôi…
Giờ phút mong đợi nhất đã đến: 21 giờ 30 phút, bé trai chào đời, khóc rất to tiếng! Cô y tá bế cháu đi tắm. Tôi ngoái nhìn theo: đầu bé dài, trợt lớt, chẳng thấy nhúm tóc đen nào!
Ra khỏi phòng sanh, tôi dặn Mẹ, gởi điện tín cho chồng tôi: “Thơ sanh bé Duy, nặng 2.7kg, mẹ tròn, con vuông”. Chúng tôi đã chọn sẵn hai tên, một trai, một gái, nghe tên, anh sẽ hiểu ngay!

Gia đình nhà chồng rất quý con trai. Có lẽ vì lâu nay, các chị dâu sanh con gái hơi nhiều! Biết vậy, khi Cha chồng xuống nhà hỏi thăm. Anh tôi trêu Cụ: - Thơ sanh con gái rồi Bác ạ!
Cha thở dài, ngồi phịch xuống ghế. May, cháu Phương Hiền 5 tuổi, nhanh nhảu:
- Không phải đâu Ông ơi! Cô Thơ sanh con trai mà!
Cha bật cười ha hả: - “Zậy na”! Con em qua mặt con chị rồi! (Chả là chị dâu thứ tư, lấy chồng 10 năm, chỉ sanh hai cô con gái).
Sáng hôm sau, Mẹ chồng vào bệnh viện, xem mặt cháu nội út. Cô y tá bồng cháu, trao cho Bà nội, lên tiếng “mắng vốn”:
- Cháu cụ la to quá trời, làm các trẻ khác giựt mình, khóc theo!
 Mẹ chồng ôm cháu, hôn lấy hôn để, ngồi xuống giường, bảo tôi:
- Con đừng Rửa Tội, để cho theo bên Nội một đứa!
Tôi nắm bàn tay Mẹ, dịu dàng: - Mẹ đừng lo! Con sẽ dạy dỗ cháu, hết lòng kính nhớ Tổ Tiên, như lòng Mẹ mong ước!
Nét mặt Mẹ vẫn bình an: - Mẹ xuống thăm, đem cho con chục trứng gà so. Có giò heo, đu đủ xanh hái trong vườn. Con nói Bà ngoại cháu hầm, ăn cho có sữa!
- Con cám ơn Mẹ đã hết lòng thương!

Đầy tháng con, chồng tôi mới xin được phép “Vợ sanh”, trở về. Người chị Nữ trợ tá, lái xe, đưa chúng tôi về quê. Qua cửa Lý Môn (dinh cụ Đào Tấn). Xe bị lún sình, phải lấy mấy tấm ván trong bộ ngựa lót đường, đi vào lối vườn sau. Cả nhà rộn rã tiếng cười. Ai cũng giành bế cháu, ngắm kỹ từ mắt, mũi, miệng, trán, cằm, xem nó giống ai? Các chị dâu và chị chồng la tôi:
- Sao không chịu mang vớ, trùm khăn, nhét bông gòn vào tai?
Anh Bốn cũng cằn nhằn: - Vào nhà, sao biết người nào sanh, người nào không?
Tôi cười trừ: -Em sinh cả tháng rồi!  Xưa, ở quê Bắc, Mẹ em mới sinh 3 ngày, đã phải lội xuống ruộng, vớt tranh cho Bố em lợp nhà, vì bão đánh bung hết mái nữa kìa!
- Ôi, lúc khó nghèo mới đành phải chịu chớ?
- Ừ, cứ ỷ sức đi em, mai mốt già sẽ biết!

Sau năm ngày vui chơi ở quê nhà, thật êm đềm, hạnh phúc! Chúng tôi phải xuống Quy Nhơn, để anh trở lại đơn vị. Gặp kỳ mưa lụt, nước lũ tràn lên, phủ lấp luôn con đường nhỏ trước nhà. Một đoàn người mang, xách, đưa chúng tôi lên quốc lộ. Mẹ chồng tôi ẵm cháu nội, cuộn tròn trong chiếc khăn bông to tướng. Mẹ giục con trai út:
-Cõng vợ con lên, đừng để chân nó giẫm nước bạc!
Tôi ôm cổ chồng, nối tiếp đoàn rồng rắn lên đường, lòng vui như trẻ thơ, ghé vào tai anh:
Bồng bồng cõng chồng đi chơi,
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng”…
 (Ca dao)
 Anh nhún một cái: - Rơi nè! Tôi la lên: - Chết em rồi!
 Mẹ chồng quay lại: - Sao đó?
 Anh tỉnh bơ: - Dạ, con bước hụt! Không sao mẹ ạ!
- Phải cẩn thận đấy!

Anh về phi đoàn, tiếp tục những chuyến bay hành quân.Tôi còn đươc nghỉ bảo sản thêm 1 tháng. Hết phép, Bố tôi đưa hai mẹ con vào sau. Mẹ chồng nài tôi, để cháu lại cho Mẹ nuôi. Tôi xin Mẹ, cho cháu cùng đi.
Tôi dạy tại Biên Hòa một niên khóa. Vừa lúc phi trường Phù Cát thành lập phi đội trực thăng võ trang. Anh xin chuyển về để gần Cha Mẹ. Tôi, thêm lần nữa, được quyền ưu tiên 1, về theo! Dạy tại trường Nhơn Thành, Gò Găng.
Chúng tôi có thêm một bé gái. Hàng ngày, anh đi bay, phần tôi, đèo bòng, chở hai con nhỏ và cô bé giúp việc 13 tuổi, cùng đến trường, với một giỏ, nào sữa, nào khăn, nào tã lót! Thuở trước, đám học trò quý mến các cô giáo độc thân chúng tôi lắm. Nay, đến lượt tôi, cũng đành chịu mang tiếng: “Con cô đau, cô nghỉ. Chồng cô đau, cô cũng nghỉ! Rồi khi cô đau nữa, khỏi nói luôn”! Nhưng hoàn cảnh bắt buộc. Chúng tôi nào có lỗi gì? Thực sự, Trời thương, chồng con tôi có sức khỏe dồi dào. Chỉ có điều, tôi không thể dạy tốt như trước!

Bỗng, đến một ngày “Đất bằng dậy sóng”: Cuối tháng 4/75. Chúng tôi phải di tản vào Sài gòn, trong lúc mang bầu người con thứ ba, đã sanh cháu ở bệnh viện Vì Dân, gần nhà. Mẹ chồng thúc giục con cháu đi, nhưng Mẹ nhất quyết bám trụ ở lại mảnh đất quê hương! Sau 30/4, theo đề nghị của tôi, anh đăng ký tại Sài Gòn, chờ “học tập cải tạo”. Bố tôi, lãnh trách nhiệm đưa con gái và 3 đứa cháu ngoại, về quê nội nương náu! Trước khi trở lại Sài Gòn, lo toan việc an cư lạc nghiệp, cho 4 tiểu gia đình nữa, các gia trưởng đều vướng mắc trong thành phần “Ngụy quân, ngụy quyền”!

Cha Mẹ chồng mừng mừng, tủi tủi, ra tận ngõ đón chúng tôi. Cũng trên con đường thơ mộng này, 5 năm trước, Cha Mẹ ra “Rước dâu”. Bây giờ là một…đám tàn quân, sa cơ thất thế trở về. Còn tủi buồn, cay đắng nào hơn!
Ngoài ba đứa con tôi, Cha Mẹ chồng còn bỏ công tìm kiếm, gom về 3 cháu nội nữa, con người anh thứ sáu. Anh tử nạn máy bay L19 tại đèo Cù Mông năm 72. Chị dâu theo chồng mới, đi nước ngoài, bỏ lại các con cho người Mẹ kế, ở Nha Trang. Tất cả 6 đứa trẻ thơ: Đứa lớn nhất 5 tuổi, nhỏ nhất vừa tròn 2 tháng! Cô, Dì, Chú, Bác, ngỏ ý muốn nuôi giùm các cháu mồ côi. Mẹ không thuận, nói:
- Chừng nào tôi chết hẵng hay! Còn sống, tôi muốn bao bọc hết. Vì Cô yêu, biết Dượng có thương? Chú xót, biết Thím có độ lượng?

Những ngày mới về quê, chiều chiều, cơm nước xong, tôi bế đứa con trai út, dắt theo một đoàn 
“rồng rồng” vừa con, vừa cháu, thơ thẩn trên con đường hẹp, men theo bờ rào duối, ra quốc lộ. Ngồi trên thảm cỏ bên vệ đường, nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông. Lòng trĩu buồn: Tương lai, rồi sẽ đi về đâu?
Cả thôn làng, chắc ai ai cũng phải mủi lòng, ái ngại cho hoàn cảnh khó khăn, nặng gánh của Cha Mẹ chồng tôi lúc đó: Hai mái đầu bạc, phải cưu mang một đám trẻ còn trứng nước. Con dâu lại quá…liễu yếu, đào tơ!
Từ bé đến giờ, quen sống ở thành phố, nay về chốn thôn quê, không điện, thiếu tiện nghi, cùng với cõi lòng cay đắng, xót xa nỗi niềm ly tán. Tôi đau buồn quá! Nửa đêm thức giấc, tôi bàng hoàng lo sợ cho cảnh ngộ đời mình. Nhưng rồi, nỗi lo toan cơm áo đời thường, tất bật với đám trẻ con. Tôi thật sự không còn thời giờ để…thở! Nhờ vậy, tôi đỡ bớt nghĩ ngợi!

Hàng ngày, Cha Mẹ chồng lo việc ruộng vườn. Tôi quán xuyến việc nhà: Chăm sóc đàn con, cháu, lo cơm nước cho cả nhà, cùng rau cám cho bầy heo nái! Tôi tập quen với việc nấu cơm bằng rơm, rạ. Xách nước từ hố ruộng trước nhà lên, tưới qua rổ xảo cho rau muống, rau cải, xà lách, hành ngò… Đôi khi con khóc, tôi vừa bế con, vừa xách nước để nấu cơm: Tay trái bế con, tay phải bỏ gầu xuống giếng, vục đầy nước. Kéo dây gầu lên, chừng một sải. Tôi đưa chân, đạp dây gầu vào thành giếng. Cúi xuống, đưa tay, nắm tiếp phần dây dưới, kéo lên. Cứ thế, cho tới khi cầm được thanh gỗ ở miệng gàu. Cũng may, giếng chỉ sâu độ vài mét.
Xế chiều, một tay tôi bế con nhỏ, vừa cầm “đèn hội vịt”. Tay kia xách lu, đã đổ sẵn: tấm, cám, rau, nước, có thêm một nhúm muối. Hai mẹ con ra hố trấu, nhen lửa, hầm cháo heo. Một lần, cháu loay hoay thế nào, cúi xuống, gặp lúc ngọn đèn bùng lên, bị phỏng nhẹ một bên má! Phải chi, kiếm được gỗ, đóng một cái “cũi”. Tôi bỏ con vào đó, làm việc cho an toàn. Nhà vắng bóng người đàn ông, là như thế đó!
Mỗi 5 ngày một lần, tôi giúp Mẹ chồng, chuẩn bị gánh hàng bán phiên chợ Huyện: Lột vỏ những trái dừa khô, cắt, bó rau muống, hái ổi, mận, cà chua, cà dĩa…Có khi, cả những trái bí đỏ, bỏ gần kín lòng thúng. Mẹ chồng đi chợ sớm lắm. Mẹ gánh một gánh. Những thứ nặng, tôi đạp xe, chở lên sau! Tôi còn trèo lên mái nhà, thay một miếng ngói, bằng tấm kính, cho gian nhà ăn được sáng sủa hơn. Việc gì Mẹ chồng hỏi tới, hầu như tôi đều có thể trả lời: Con đã làm xong cả rồi! Mẹ rất hài lòng. Mẹ thường bảo với mọi người: Tôi ở ngoài đồng chỉ có một việc. Con Thơ ở nhà, trăm thứ viêc không tên!
Hôm thím Bảy Đính sang thăm, Mẹ chồng tôi bảo: Có mặt Thím đây! Xưa rày, ai cũng nói là tôi “sắc dâu”. Nhưng Thím coi: Mẹ con tôi sống với nhau, trong hoàn cảnh khó khăn là vậy. Không hề có chút phiền lòng nào! Tôi thương nó, nó biết ý tôi, kính nể tôi. Thế là gia đình êm ấm!
Những buổi tối thư thả, Mẹ thường têm sẵn một mớ trầu. Đếm lại từng đôi, cẩn thận.Tôi không hỏi, nhưng biết chắc là nhiều lắm. Dễ đến 20 miếng. Mẹ đi qua các nhà hàng xóm chơi. Ghé chỗ những người đi buôn ở La Hai, Phước Lãnh. Mua về cả thúng củ mì, củ khoai, đường táng. Có khi, Mẹ ủ theo một cái trứng gà nở muộn trong túi áo. Đám trẻ hỏi:
- Tiếng gà con ở đâu vậy bác Hai?
Mẹ tỉnh queo: - Gà qué, heo cộ gì đâu?

Xưa nay, tôi quanh quẩn làm việc nhà, rất sợ phải lội xuống bùn. Nhưng, lẽ nào phó mặc việc nặng cho Cha Mẹ già? Dần dà, các con cháu khôn lớn. Tôi xin đi theo, tập tành nghề nông! Ngày xưa, ông Thần Nông, hướng dẫn cho dân Việt làm ruộng. Nay, tôi học công việc đồng áng từ Cha Mẹ chồng mình!
Lần đầu “xuất quân”, là buổi đi tát nước gàu sòng, nhổ 2 sào đậu phộng với Cha, ở Miễu Tây. Người trong thôn kháo nhau:
- Xưa rày, tui vẫn nghĩ: Bác Hai thương chỉ nên nói vậy, chớ người mảnh dẻ, yếu ớt cỡ đó, làm được gì?Hôm nay, thấy tận mắt, chỉ tát nước, nhổ đỗ với bác trai, thật đáng khen! (Họ đâu biết, tát nước gàu sòng, nhất là gặp được sòng thấp, cả một sự nhịp nhàng, uyển chuyển, là niềm vui thích của tôi. Tát nước hoài, không thấy mệt)!  Đỗ nhổ xong, gom về sân nhà. Tối, bà con đem đèn đến lặt củ, làm rẽ.Vừa làm, vừa chuyện trò râm ran. Dây lạc loại ra, đem chặt khúc, ủ phân rất tốt.
Tôi theo Mẹ đi nhổ cỏ. Chắc chắn, đã có khi tôi nhổ lầm cây lúa! Ráng cấy lại, bằng không, sẽ vo tròn, lấy chân nhận, giấu xuống bùn! Hôm cắt đám ruộng Vũng trước nhà. Lom khom chán, tôi mỏi lưng, ngồi cắt, lết tới, đi như kiểu con vịt, lúc tập thể dục hồi còn bé! Cha chồng bảo: -Mỏi lưng, con cứ ngồi. Cha cũng vậy! Chỉ Mẹ chồng mới…kiên cường đứng lom khom suốt buổi! Tôi quơ liềm, móc một nắm cây lúa. Bẻ gập xuống, giựt xoẹt một cái. Chỉ sợ trúng tay! Xoẹt xoẹt, ngọt sớt, cũng lạnh cả người! Rất may! “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”! Suốt mùa cắt, tôi được toàn vẹn. Trong lúc “thợ gặt chuyên nghiệp”, vẫn có người bị đứt tay!
Sợ nhất, là khi cắt lúa ruộng nước. Thoáng nhìn thấy bóng dáng con đỉa, tôi đã xanh mặt! Mẹ chồng trấn an: - Đừng sợ, con cứ đi bên cạnh M, Mẹ lấy bã trầu xức cho, đỉa rớt ra liền à!
- Ối! Mẹ ơi! Chờ nó cắn rồi, mới được Mẹ xức thuốc, chắc con chết mất!
Lần cắt lúa ở đám ruộng Miễu, vừa thấy con đỉa ngoe nguẩy bơi đến. Tôi quá sợ, hét lên, quăng liềm chạy. May mắnMẹ đã tìm lại được cái liềm dưới bùn, nếu không, phiền to rồi. Từ đó, Mẹ chỉ cho tôi theo cắt lúa ruộng khô thôi!
Trong niềm chờ đợi chồng đi học tập trở về. Tôi vẫn yên phận với nếp sống nhà quê. Đã tận mắt thấy, đã góp bàn tay trong công việc gieo trồng, thấm thía câu ca:
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
 Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”!
Nhưng, Cha Mẹ chồng bảo, thuở thanh bình, việc làm ruộng cũng thư thả lắm. Gieo cấy xong, chờ lúa chín, thời gian đó rất nhàn nhã. Ngày ngày ra thăm đồng, chỉ thỉnh thoảng tháo nước, vãi phân, chờ mùa gặt. Việc đó nhẹ nhàng, mình người phụ nữ cũng làm được.

Trong cảnh khó khăn, chật vật, nhưng không phiên chợ nào, Mẹ quên mua quà cho các cháu. Về đến nhà, vừa đặt gánh xuống, Mẹ lấy ra bọc “kẹo cà”, có khi là một mớ củ môn đã nấu chín, ăn với đường táng. Những bó đậu nành nho nhỏ luộc sẵn, hoặc những trái bắp nếp, nấu đổ nhựa sền sệt...Mẹ chia đều 6 phần, mỗi đứa cháu tới lãnh một phần quà. Những lần nấu chè đặc, hay bánh canh ngọt, Mẹ đều chia như thế. Mẹ không nấu ít đâu, nguyên một xửng to, múc ra chén, xếp thẳng hàng, mỗi hàng 4,5 chén. Ăn chán chê, mãi hôm sau hãy còn. Lâu lâu, chúng thèm ăn bánh xèo, Mẹ bảo:
- Hỏi thím Bảy bay, có chịu ngồi lò, đúc hay không?
Mẹ chọn gạo, ngâm, xay bột, đăng bột, pha bột bằng nước nóng, với lá hành xắt nhỏ và bột nghệ. Trong khi tôi lo ướp thịt, tôm và nấm (các cháu tìm quanh chân đống rơm). Khi đã sẵn sàng lò than và hai khuôn đúc. Mẹ chồng tôi điều khiển, cho từng đôi, các cháu vào ăn, ăn nóng cho ngon! Bắt đầu từ cặp bé nhất, được ăn trước. Cha thích ăn bánh xèo guậy (chỉ vừa chín tới, không để se mặt). Mẹ ăn kèm với rau sống, gồm cây cải non, sà lách, lá hành, lá tỏi ...chấm nước ruốc. Ăn xong, Mẹ ngồi lò, đúc bánh cho tôi. Quả thật sau này, tôi đã đổ bánh xèo nhiều lần, cũng như đi ăn trong hàng quán. Chưa bao giờ được ăn lại, những cái bánh xèo ngon như ngày ấy: bột dẻo nhưng ráo. Khi đổ bột vào khuôn, mặt bánh rỗ đều những bóng nhỏ, khắp lượt. Không bao giờ bột bị chai, bị lì ! Cả nhà ăn hết lượt, tôi còn đúc thêm một ít bánh xèo dòn (trở cả hai mặt). Đổ cho hết thau bột, để sáng mai, ăn bánh xèo nguội.
Cuộc sống tạm ổn định. Chỉ còn khắc khoải một niềm đợi trông, người Cha, người chồng, người con trở về đoàn tụ. Nhưng đã mỏi mòn, 1 năm, 2 năm, 3 năm...không biết đến bao giờ? Đã mấy mùa xoài cát,Mẹ vẫn để dành những trái ngon trên cây, đợi người con út. Mặc gió táp, sương sa, chim, dơi gặm khoét, vẫn chưa muốn hái xuống. Phần tôi, mỗi lần nghe tiếng chó sủahay tiếng xe honda ngừng trước ngõ, tôi đều đưa mắt nhìn ra, với niềm hy vọng.

Suốt một ngày chờ chực đổi tiền, Cha chồng tôi đuối sức, bị té xe trên đường về. Cha đổ bệnhnằm luôn từ hôm ấy! Cô y tá đến chuyền nước biển, Cha không cho! Tôi nài nỉ:- Cha ráng chịu khó chữa cho mau khá, con đã viết thư vào trại cải tạo, xin phép cho anh Hân về thăm Cha, Cha lặng lẽ, giơ cánh tay ra, cho y tá tìm “ven”. Nhưng, chẳng chờ nổi nữa, sau một tháng ngã bệnh, Cha chồng tôi đã qua đời. Cha than thở trong cơn hấp hối:
-“Trời ơi! Con người ta về hết, sao- con- tôi- chưa- về”?
Tôi báo tin cho chồng, đang cải tạo ở Gia Rây, cùng với một tờ đơn, đã xin thị thực ở xã, về hoàn cảnh gia đình. Lấy tính mạng của 8 người trong nhà, đứng ra bảo lãnh cho chồng về, giúp tôi nuôi dạy đàn con cháu và phụng dưỡng mẹ già. Nhưng không ai thèm trả lời, trả vốn gì cho tôi!
Sau khi Cha chồng mất, những lần tôi đi dự lễ ở nhà thờ về, Mẹ chồng hỏi:- Con đi n thờ, có cầu nguyện cho Cha hay không?
-Người Công Giáo chúng con, cầu nguyện cho linh hồn người đã qua đời hàng ngày, trong mỗi Thánh lễ, Mẹ ạ!
Cha quản nhiệm xứ Công Chánh thấy tôi vấn khăn tang, Ngài ngạc nhiên vì trong Họ Đạo có người qua đời, Ngài không hay biết. Nghe tôi trình bày, Ngài đến nhà, chia buồn với Mẹ chồng tôi, cùng cám ơnM, đã rộng lượng cho con cháu, được tự do nuôi dưỡng và thể hiện niềm tin của mình.
Tôi rất khâm phục và biết ơn, tấm lòng quảng đại của Mẹ. Dù trong những ngày tháng khó khăn nhất, 4 mẹ con tôi vẫn đọc kinh, cầu nguyện hằng đêm, ngay dưới mái nhà của Mẹ. Ngày Chúa nhật, Mẹ còn nhắc nhở tôi, cứ để công việc đang làm dở đó, đi dự lễ cho đúng giờ!

Tôi dâu út, Mẹ chồng là dâu trưởng, nên tôi cũng bị cuốn theo những bận rộn của các ngày k giỗ. Mẹ chồng lo chuẩn bị, hàng tháng trước đó:
Mẹ để dành gạo trên sàng, mỗi phiên chợ gom dần: đậu xanh, bún tàu, nấm mèo, nếp, đường...Chưa kể đến bầy gà vịt, đã nuôi và vỗ béo từ mấy tháng trước. Những con vịt ức thật dày, nấu lên thơm phức! Mấy hôm áp ngày giỗ, hai Mẹ con đã lo rọc lá chuối, phơi, lau, xếp, cắt sẵn. Cùng lúc, xào nhân dừa, đậu xanh. Luộc lá gai, thái nhỏ, quết với bột nếp để làm bánh ít lá gai. Gói hàng trăm cái, để trước cúng, sau làm quà cho mỗi gia đình. Trước đó khoảng 10 ngày, Mẹ còn nhắc tôi, làm một thẩu mắm. Cá cơm, tôi ngắt đầu, rút ruột, ướp muối, chút đường, tỏi, ớt, trắng phau như mắm cá thu xay, để ăn với thịt phay, rau ghém.
Chính ngày giỗ, con cháu, dòng họ, hàng xóm, tề tựu về. Người đi “sáng đường”. Mẹ tôi hân hoan nói thế! Mọi người rộn rã nói cười. Dịp tốt để thăm viếng, gặp gỡ đông đủ! Khi cỗ bàn đã bày biện trên các bàn thờ. Ai nấy lần lượt vào cúng. Câu chuyện vẫn nở như…bắp rang, chung quanh một người, đang khấn vái lâm râm trước bàn thờ. Tôi nghe tiếng anh Bốn sai bầy cháu:
- Mời thím Bảy bay vào cúng!
Tôi chưa kịp chạy lên, Mẹ chồng đã đỡ lời:
- Con Thơ cúng rước hồi hôm rồi!
Sợ tôi luộm thuộm, không quen, nên Mẹ bày cho tôi cúng từ tối hôm trước. Ngày Cha chồng mất, tôi đãnghe, có người tò mò:
- Coi thử chị Bảy, Công giáo, cúng ra sao?
Mẹ chồng tôi rất nhanh nhẹn, tháo vát. Tâm hồn quảng đại bao dung, nhưng không ủy mị. Tôi chưa từng nghe Mẹ than thở hoặc rơi lệ bao giờ! Có lẽ nỗi nhớ thương hai người con trai xa vắng: Một người đã khuất, một người còn đang tù tội. Mẹ thể hiện bằng sự nỗ lực, hy sinh, lo cho các cháu được no đủ, hạnh phúc. Một lần, tôi đau nặng, phải nằm liệt. Mẹ chồng đến, ngồi bên giường, nắm bóp bàn chân lạnh ngắt của tôi. Mắt Mẹ long lanh, ướt:
- Thơ ơi! Nếu có phải chết, Mẹ xin chết thay cho con! Con phải sống, đợi thằng Hân trở về!
Tôi trào nước mắt, gượng ngồi dậy:
- Mẹ ơi! Con yêu quý Mẹ! Con sẽ khỏe để phụ giúp Mẹ, nuôi dưỡng đàn cháu nhỏ, chờ anh Hân về. Anh vẫn nhớ thương và mong sớm về  gặp Mẹ!
Cuộc sống vất vả, khó khăn, nhưng tràn đầy yêu thương. Trong trại “cải tạo, anh viết thư, hẹn ngày trở lại, thay Mẹ, thay em, gánh vác việc nhà, phác vẽ một tương lai đầm ấm.
Bẵng đi một thời gian, trong lần thư mới nhất, anh thúc giục chúng tôi, lo “đi kinh tế mới” với cậu Lượng trước đi. Lúc về, anh sẽ đi thẳng tới đó. Khốn nỗi, cậu Lượng ở trên chiến hạm HQ1, đã sang Mỹ từ cuối tháng 4/75. Lúc đó, đang định cư tại Cali! Tôi nghĩ bụng: Anh thật là “Hồn bướm mơ tiên”!

Thế rồi, anh đã trốn trại! Công an trại Gia Rây rảo hết các địa chỉ của thân nhân chúng tôi để dò la, tìm kiếm. Cha Mẹ vắng nhà, các cháu sợ lắm. Tôi bảo: Các cháu cứ yên tâm. Chừng nào chú Bảy trốn đi từ nhà mình, mới sợ. Đằng này, chú đi từ trong trại, mình đâu có trách nhiệm gì!
Tôi vừa kịp đem 4 cây vàng vào cho anh đóng tiền vượt biên, lúc trở về, bị Công an khám xét rất kỹ, ngay trên toa hành khách về Diêu Trì. Họ tra hỏi mãi câu: -Chị đi cùng với ai?
- Chẳng với ai cả, mình tôi!
Hành khách trên toa, đổ dồn con mắt, nhìn mớ hành lý của tôi, đang bị lục soát tỉ mỉ, họ xì xầm:
- Coi bộ cô này đâu có phải dân đi buôn?
Vừa về đến nhà, Công an xã mời tôi lên, làm việc với Công an trại giam. Hết lần này tới lần khác.Tôi đi đâu, cũng bị theo dõi, tra hỏi. Họ hứa hẹn, khuyến dụ tôi: Hãy tìm anh Hân về. Trong \chương trình tái thiết đất nước, người phi công như anh sẽ được trọng dụng.
- Tôi không tin! Người giáo viên như tôi, nhà nước còn chưa cho đi dạy, nói chi đến một phi công lái trực thăng võ trang?
- Chỉ là giai đoạn đầu thôi. Nếu anh ấy ra nước ngoài, hoặc chị có bước đi bước nữa, tôi nghĩ, chị cũng không có hạnh phúc!
- Hạnh phúc của chúng tôi đã mất, khi con không có cha, vợ chẳng có chồng. Còn điều anh nói: “Bước đi bước nữa”? Chỉ có thể xảy ra, khi anh ấy đã chết thôi! Tôi hỏi thật: - Anh Hân còn sống hay đã chết? Anh cứ nói thẳng đi! Tôi không dám nghi ngờ. Nhưng dư luận đồn ầm lên là các anh đã giết chồng tôi rồi! Tôi làm đơn, lấy tính mạng cả nhà ra bảo lãnh, xin cho anh ấy về. Các anh không cho, các anh quản lý. Sao bây giờ lại hỏi tôi? Dù đang đóng kịch, giọng tôi bỗng xúc động nghẹn ngào!
- Chị không được nói thế! Mạng sống con người, đâu phải chuyện chơi! Muốn giết thì giết sao?
Sau lần ấy, tôi không còn bị kêu lên xã để Công an thẩm tra nữa. Có lẽ họ đã về trại Gia Rây rồi. Nhưng, chính quyền địa phương, rõ ràng ra mặt kỳ thị với gia đình tôi. Nhất là với mẹ con tôi. Tôi đi xin thị thực khai sinh cho các con đi học. Họ khó dễ, họ chì chiết tôi! Nào chúng tôi có làm gì nên tội?
Vì tương lai của các cháu, tôi đành xin phép Mẹ, đem các con vào Căn Cứ 3, Đồng Nai. Ở đó, dân tứ xứ qui tụ về, nhập hộ khẩu rất dễ, chỉ cần vài trăm ngàn là xong ngay. Tôi làm rẫy, trồng bắp, đậu xanh. (Dù sao, con giun không đáng sợ bằng con đỉa)! Mở một cái quán nhỏ bán tạp hóa. Sau, tôi xin dạy hợp đồng, dạy liên tiếp 2 ca, mỗi ca 2 tiếng. Ở đây đang thiếu phòng ốc và thiếu giáo viên trầm trọng!
Muốn cho vụ trốn trại của anh Hân lắng dịu, đến mấy năm tôi chưa về lại Quy Nhơn. Những người trong thôn hỏi Mẹ: -Lâu rồi chị Bảy không về, chắc chỉ có chồng quá? Hả bác Hai?
Mẹ chồng quả quyết: - Không đâu, con Thơ theo Công giáo mà!
Cám ơn Mẹ đã hiểu lòng con. Vâng, “Sola Mors”: Chỉ trừ cái chết! Con vẫn yêu thương, trung tín đợi chờ người con trai út của Mẹ!


Cuối Đông năm 98, nghe tin Mẹ chồng đau nặng. Tôi và con gái về thăm. Mẹ đang nằm tại bệnh viện Thánh Gia. Mẹ vui mừng nói với các bệnh nhân cùng phòng: -Đây là con dâu và cháu nội út!
 Mẹ đau thận, mổ rồi, bác sĩ mới phát hiện Mẹ bị ung thư, nên chỉ đặt ống, dẫn nước tiểu ra ngoài. Trông Mẹ tiều tụy, chỉ còn da bọc khung xương! Cả hai Mẹ con, đều không dám nhắc gì đến tin tức của- người- còn- vắng- mặt!
 Hai tháng sau, Mẹ chồng tôi qua đời. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, tôi nghe tiếng Mẹ rền rĩ trong cơn đau:
 -Trông- con- như- trông- nước- uống! Con- ơi! Hân- ơi!!!
Giờ đây, trên cõi Vĩnh Hằng, Mẹ đã tường mọi sự. Con và các cháu vẫn nhắc hoài những năm tháng sống dưới mái nhà Mẹ, trong vòng tay từ ái của Mẹ.
 Di ảnh của Cha Mẹ, tôi làm thành ba bộ, ghi rõ ngày sinh, tháng tử. Giao cho các cháu, mỗi gia đình một bộ. Đặt nơi trang trọng trong nhà, giúp các cháu gần gũi, tưởng nhớ đến công ơn của Ông Bà: Bậc tiền nhân đã hết lòng tận tụy, hy sinh cho chúng!

Riêng lòng tôi tràn ngập đắng cay: Nay các cháu được khôn lớn, nên người, cũng là lúc Cha Mẹ chẳng còn! Ân tình của Ông Bà, Cha Mẹ, nguyện ghi khắc trong tim! Con cháu chỉ còn biết thiết tha cầu nguyện hằng đêm. Cầu mong linh hồn các Ngài được hưởng hạnh phúc ngàn thu. Mẹ ơi! Con vẫn trọn tâm tình yêu mến, biết ơn Mẹ. Dù anh Hân có ra sao chăng nữa! Dù anh ấy vẫn đi biền biệt không về! Có ai thương con dâu được như Mẹ? NGƯỜI MẸ CHỒNG xứ BÌNH ĐỊNH của tôi!

Ythnguyen
Sai Gòn_MH_23g15' 17/01/2014

Sân bay tốt nhất thế giới Changi, Singapore


Bên trong sân bay tốt nhất thế giới Changi
Vừa nhận được giải thưởng sân bay tốt nhất thế giới dựa trên kết quả của cuộc bình chọn của Skytrax – tổ chức chuyên nghiên cứu về du lịch và tư vấn, sây bay Changi, Singapore là một điểm lý tưởng để bắt đầu, kết thúc hay quá cảnh trên các hành trình của bạn.

  
Nhà ga 1 (Terminal 1) tại sân bay quốc tế Changi. 
  
Bên trong nhà ga 3 (Terminal 3) với phong cách trang trí hiện đại, không gian rộng rãi và thoáng đãng.
  
Trong sân bay có cả hồ bơi trên sân thượng.
  
Nếu bạn muốn nghỉ ngơi hãy tìm đến những chiếc ghế dài được đặt trong các khu vực khuất và yên tĩnh.
  
Phòng gym trong sân bay quốc tế Changi mở cửa 24/24.
  
Hồ nuôi các vừa để trang trí vừa là yếu tố phong thủy thuộc khu vườn giữa sân bay.
  
Bên trong nhà ga là “Khu vườn bùa mê - The Enchanted Garden” luôn lôi cuốn những du khách yêu vẻ đẹp của hoa lá phải dừng lại, ngước nhìn và trầm trồ. 
  
Hành khách sử dụng Internet miễn phí tại các kiot đặt ở nhiều nơi trong sân bay.
  
Bạn đừng quên thưởng thức ẩm thực Singapore sau khi đã làm thủ tục hải quan tại các nhà hàng bán đồ ăn truyền thống trong đó có món cơm gà Hải Nam rất hấp dẫn.
  
Khu massage mang tên Rainforest Lounge giúp du khách thư giãn khi quá cảnh tại sân bay Changi.
  
Nhà ga số 3 - Terminal 3 có thể phục vụ 22 triệu hành khách mỗi năm và góp phần lớn trong tổng cộng 70 triệu lượt hành khách đi và đến, tạo nên một trong những sân bay rộng lớn và nhộn nhịp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sàn nhà ga được lát đá granite bóng loáng và những quầy lounge lót thảm mang đến cảm giác hành khách đang ở khách sạn 5 sao hơn là một sân bay.
Ảnh: Reuters.
  
Nhà ga số 3 có 28 gate với đường ống dẫn thẳng ra máy bay, 8 trong số đó có thể đón những máy bay thương mại lớn nhất thế giới như dòng Airbus A380. Được xây dựng với giá trị 1,5 tỉ đô la Singapore, nhà ga này có chiều cao tương đương với tòa nhà 7 tầng.
Ảnh: Reuters.
  
Changi cũng là thiên đường mua sắm và giải trí với hơn 330 cửa hàng bán lẻ cùng 120 quầy bán đồ ăn và đồ uống.

Cuộc Sống Muôn Màu - 10 quốc gia sạch nhất thế giới



Cuộc Sống Muôn Màu

10 quốc gia sạch nhất thế giới
Lê Văn
Theo VietnamNet
http://danong.com/Data/News/2011/8/8/634483934051845000_anh.jpg
Dựa trên chỉ số hoạt động hiệu quả môi trường (EPI), các nhà khoa học người Mỹ đã đưa ra danh sách 10 quốc gia được coi là sạch nhất thế giới.

Chỉ số EPI (Environmental Performance Index – chỉ số thành tích môi trường) được dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường của một nước. EPI có mức thang từ 100 (bảo vệ môi trường tốt nhất) đến 0 (ít bảo vệ môi trường nhất) với 25 tiêu chí khác nhau như ngư trường, khí thải carbon, rừng, chất lượng nước, cây cối và động vật.

EPI giúp đánh giá toàn diện các thách thức về môi trường của thế giới cũng như cách mỗi nước đối phó với những thách thức này.

Dưới đây là 10 quốc gia có thang điểm EPI cao nhất theo bảng xếp hạng của các nhà khoa học Mỹ.
Iceland - Chỉ số EPI: 93.5
Iceland - Chỉ số EPI: 93.5
Bình quân GDP: 36.000 USD
Mặc dù bình quân GDP của Iceland chỉ đạt 84,8 điểm trong thang điểm thế nhưng tiêu chí về mức độ ô nhiễm không khí của Iceland thì gần như đạt điểm tuyệt đối 97,4 điểm
Thụy Sĩ - Chỉ số EPI: 89,1
  Thụy Sĩ - Chỉ số EPI: 89,1Bình quân GDP: 37.000 USD
Thụy Sĩ có các chỉ số về lâm nghiệp, nguồn nước, chỉ số đang dạng sinh học,… gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng giống như các nước phát triển công nghiệp khác, tiêu chí đạt điểm thấp nhất của Thụy Sĩ chính là mức ô nhiễm không khí (ảnh hưởng đối với hệ thống sinh thái).
Costa Rica - Chỉ số EPI: 86,4
Costa Rica - Chỉ số EPI: 86,4
Bình quân GDP: 9.600 USD
Một quốc gia thuộc khu vực các nước đang phát triển có thể xếp ở vị trí thứ 3 đủ thấy ưu thế tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên cực kỳ phong phú của quốc gia này. Nếu như có thể sáng suốt đưa ra chiến lược phát triển đúng đắn, Costa Rica có thể tránh được vết xe đổ của các nước phát triển trong quá khứ, làm ô nhiễm môi trường rồi sau đó mới quay lại bắt đầu xử lý.
Thụy Điển  - Chỉ số EPI: 86
  Thụy Điển  - Chỉ số EPI: 86
Bình quân GDP: 33.400 USD
Na Uy - Chỉ số EPI: 81,1
 Na Uy - Chỉ số EPI: 81,1
Bình quân GDP: 48.000 USD
Na Uy là một quốc gia vô cùng giàu có với trữ lượng dầu khí và khí thiên nhiên cực lớn. Tuy nhiên, với dân số chỉ 4,7 triệu người thì ảnh hưởng của nguồn nhiên liệu hóa thạch này đối với biến đổi khí hậu toàn cầu không thể do Na Uy mà chính là các quốc gia sử dụng chúng chịu trách nhiệm.
Maurice - Chỉ số EPI: 80,6
Maurice - Chỉ số EPI: 80,6
Bình quân GDP: 10.000 USD
Là một hòn đảo nhỏ ở phía đông Madagascar trên Ấn Độ Dương, tuy nhiên, Maurice lại là quốc gia có chỉ số EPI cao nhất ở châu Phi với mức điểm 80,6. Trong khi nước thứ 2 ở châu lục này có chỉ số EPI chỉ là 60,5. Sự cách ly hoàn toàn với phần còn lại của thế giới là một ưu thế của Maurice giúp quốc đảo này duy trì sự ô nhiễm ở mức thấp.
Pháp - EPI: 78,2
Pháp - EPI: 78,2
Bình quân GDP: 31.000 USD
Trong 10 quốc gia đứng đầu, các tiêu chí về không khí, chất lượng nước cho tới quản lý ngư nghiệp của Pháp có điểm số rất cao. Một ưu điểm của quốc gia này trong thang điểm EPI chính là sự phát triển mạnh của các nhà máy điện hạt nhân.
Australia - Chỉ số EPI: 78,1
Australia - Chỉ số EPI: 78,1
Bình quân GDP: 35.000 USD
Với số điểm tuyệt đối trong tiêu chí bảo vệ các quần thể sinh vật, Australia đã có thể đứng ngang hàng với Pháp trong bảng xếp hạng 10 quốc gia sạch nhất thế giới.
Cuba - Chỉ số EPI: 78,1
 
 Cuba - Chỉ số EPI: 78,1
Bình quân GDP: 8500 USD
Mặc dù vẫn còn nhiều băn khoăn cộng thêm tiêu chí về bình quân thu nhập chỉ đạt 65,7 điểm, tuy nhiên, Cuba vẫn đạt được 78,1 điểm trong thang điểm EPI của các nhà khoa học Mỹ.
Colombia - Chỉ số EPI: 76,8
 Colombia - Chỉ số EPI: 76,8
Bình quân GDP: 7.600 USD
Trong danh sách 10 nước này thì Colombia là quốc gia nghèo nhất. Nguyên nhân khiến Colombia giành được vị trí cao như vậy trong bảng xếp hạng là vì điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vô cùng được ưu ái của nước này. Lượng khí thải cacbon của Colombia khá thấp bởi vì hệ thống thủy điện có thể thỏa mãn tới 70% nguồn điện năng của nước này. Đây chính là lý do vì sao với tiêu chí bình quân GDP, Colombia chỉ được 51 điểm nhưng chỉ số EPI trong các tiêu chí bảo vệ da dạng sinh học lại đạt tới 82,7 điểm.