*HH thất sủng
Bãi biển QuiNhơn
Đồng Nai, ngày…tháng…năm…
Anh Tâm thương
mến!
Xin lỗi, em vẫn còn muốn gọi như vậy, mặc
dù bây giờ anh đã vô cùng thay đổi! Nhưng em nghĩ là dù sao, mình cũng nên đối
xử với nhau cho còn chút tình người. Vì những năm tháng êm đẹp đã rất xa và nhất
là vì 3 đứa trẻ đã được sinh ra trong chờ đợi và yêu thương. Nào có ai ngờ, thủ
tục bảo lãnh chưa hoàn tất thì lòng người đã thay trắng đổi đen!
Gần 20 năm
rồi (chính xác là 19 năm). Anh đã chạy trốn, trốn tránh chế độ đã đành, nhưng tệ
hại nhất là anh đã lẩn trốn cả Cha Mẹ, anh chị em và vợ con. Dù đối với anh, họ
chỉ một mực yêu thương và đợi chờ! Nhưng quả thật là anh đã chạy đến ngõ cụt rồi!
Xin hãy can đảm đối diện với sự thực, lẽ phải và lắng nghe xem lương tâm mách bảo
anh điều gì? Nhất định là lương tâm anh chưa chết đâu vì chắc hẳn bấy nay, anh đã
chẳng được bình an! Đừng đợi đến khi thoi thóp trên giường bệnh, e rằng có khi
không kịp và thời gian nào nữa để đền bồi! Hãy hồi tâm lại thôi anh ơi!
Xưa, lúc
anh còn trong trại cải tạo, Cha đã chết trong tuyệt vọng vì nỗi khát khao không
được gặp mặt anh, đã đành! Nay tới Bà nội của Duy, đau đớn vì bệnh ung thư. Thời
gian nằm trên giường bệnh đợi chết, Mẹ đã sai cháu Tân ra Phước Thuận đề dò hỏi
tin tức về anh, từ dấu vết một lời thư, được nghe kể lại: “Chồng của chị Bốn
Duyên bây giờ, là một cựu Đại úy phi công quê Tuy Phước, gần chợ Bồ Đề”. Nhưng
thương thay! 4 tháng “trông tin con như trông nước uống”, trong nỗi đớn đau hành
hạ thân xác, Mẹ đã không kịp chờ biết tin tức của người con út yêu dấu, mà đối
với Bà, anh ta vẫn còn là “Cu Em” bé nhỏ như ngày nào! Mẹ khắc khoải trông chờ
tin anh, Anh vẫn vô tâm, vui thú nơi nào???
Lần ấy, em
và Thu Minh vào thăm ở bệnh viện, Mẹ mừng rỡ khoe với Bác sĩ điều trị: “Đây là
con dâu và cháu nội út”! Em cầu xin sẽ tìm ra tung tích của anh, để kịp về viếng
mộ Mẹ vào dịp lễ mãn tang sắp tới. Nói thế, chứ có khi em đã nghĩ, đâu phải
chuyện tình cờ? Còn nhớ, năm 90, em làm đơn gởi cho CTA (thuộc hội Chữ Thập Đỏ)
nhờ tìm kiếm, nhưng chẳng có tăm hơi! Thế mà bỗng nhiên, tin tức về anh lại được
xác minh ngay tại chốn làng quê hẻo lánh này! Phước Thuận quả là khá quen thuộc:
Cha xứ Tân Dinh ngoài đó, cũng chính
là Linh Mục quản nhiệm xứ Công Chánh, họ Đạo của em hiện nay! Năm 81, em đã đưa
Duy và Thu Minh ra Tân Dinh. Cha xứ gởi trọ trong một gia đình, Người gọi là
gia đình Nazareth, để chờ được xưng tội rước lễ lần đầu. Cha lấy ảnh của 3 đứa
con mình, chụp chung trong sổ gia đình Công Giáo, dán vào bảng thông tin ở tiền
sảnh nhà thờ, như để giới thiệu với cộng đoàn giáo dân ở đấy. Các con vẫn quen
gọi Cha là “Ông ngoại Tân Dinh” để phân biệt với “Ông ngoại Mộc Hóa” nhà mình.
Anh còn nhớ
câu Tin Mừng em ghi trên bìa tấm lịch ở căn nhà Phù Cát xưa không: “Dù lời lãi
cả thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì”?
Nhưng cả thế gian của
anh là gì chứ? - Một góa phụ với 2 người con riêng ư? Tuy nhiên cũng đáng mừng,
là không có đứa trẻ nào được sinh ra trong hoàn cảnh lỗi luật đó! Phần em, nhờ
Niềm Tin và Ơn Chúa, em đã không vấp ngã vì anh. Nếu không, các con Duy,
Minh,Việt sẽ còn phải khốn khổ đến thế nào nữa! Và như thế, đời em sẽ trở thành
đáng thương hơn!
Nếu không có
Đức Tin, không còn yêu dấu thì ít nữa cũng vì danh dự một lời thề. Nhưng anh đã
thí bỏ hết, chỉ còn em ngây thơ tin vào lời thề hứa của anh: “Xin em đừng bao giờ nghi ngờ lòng dạ của
anh, anh có bao giờ nghi ngờ em gì đâu? Thủy chung và xứng đáng! Không ai thay
thế được em trong trái tim anh, cho dù đến khi anh nhắm mắt xuôi tay trên đất
khách quê người”!
Giấy trắng mực đen còn đây và thời gian đã trả
lời như thế nào?
Tất cả mọi người đều không thể nào ngờ, không thể nào hiểu về
thái độ của anh bấy lâu nay. Riêng em, em đoán chừng là đời sống của anh bây giờ,
hoàn toàn không giống chút nào với những điều cao thượng mà anh đã tự hào: “Anh cao ngạo nhưng không lầm lỡ và cũng
không để ai lầm lỡ vì mình… Trông lên không thẹn với Trời, nhìn xuống, không hổ
với người trần gian… Đời sống của một vị chân tu mẫu mực chắc cũng chỉ đến thế…”!
Cho nên, anh xấu hổ mà cố làm như đã chết, hầu mong mọi người quên anh đi chăng?
Nhưng không ổn đâu anh ạ! Trong gia đình và ngoài thôn làng, mọi người đều đã
biết là anh đang sống như thế nào! Anh Tâm! Người ta bỏ vợ đã nhiều, nhưng không
ai bỏ Mẹ, bỏ con như anh! Đến nỗi mà ông ngoại của Duy, Minh, Việt, cho đến những
ngày tháng cuối đời, luôn nghĩ rằng: Chắc anh vẫn có liên lạc với gia đình bên
nội đấy chứ?
Anh có thể
nhẫn tâm đến thế hay sao? Ngày xưa, anh yêu Cha, quý Mẹ là thế cơ mà! Lúc sinh
thời, đau xót về hoàn cảnh các cháu mồ côi con anh Hưng, bị Mẹ chúng bỏ rơi. Nên
khi nhắc đến chị Hương, Cha vẫn trách; “Con ấy nó chó quá”! Rồi Cha lại thở dài:
-“Nhưng mà con chó cũng còn biết thương con nó”!
Xin anh đừng
giết đời các con bằng nỗi u sầu, bằng mặc cảm tủi nhục! Chúng biết trả lời sao,
khi có người hỏi về Ba mình (bảo đã chết, thì không nỡ)! Và quả thật cho đến bây
giờ, chúng vẫn còn phân vân, do dự, không biết phải ghi làm sao về phần lý lịch
của người Cha! Chính em cũng nhiều lần xấu hổ, đã nói dối: Anh ấy đi vượt biên,
mất tích năm 83! Dù vậy, anh hãy yên tâm, là các con đều được học hành, tạm gọi
là đến nơi đến chốn, cả ba đều tốt nghiệp Đại Học, và là những thanh niên có đạo
hiếu. Tạ ơn Chúa! Âu đó cũng là một phép lạ, Chúa đã thương ban cho những kẻ cùng
khốn này. Chính trưởng nam Minh Duy, đã ra Phước Thuận lần thứ hai, tìm hỏi tin
tức về anh. Gia đình người chồng quá cố của chị Bốn Duyên, có tặng cho tấm hình
của Ba mình, chụp với người vợ mới!!!
Cả ba đều chưa lập gia đình, dù đã
24, 27, 28 tuổi rồi! Em vẫn xin các con cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi Sống, hằng
ngày: Em mở đầu và đọc thay anh chục cuối. Phần các con, 3 chục giữa, mùa Thương.
Từ bao năm bao tháng nay, không dám mơ một ngày đoàn tụ, chỉ vì tha thiết thương
Linh hồn của anh mà thôi!
Bây giờ, anh có bằng lòng, nhận lấy phần chuỗi
của mình, hay còn ý định lẩn tránh nữa? Trốn chạy làm gì, khi mà từng giây từng
phút trong cuộc đời là anh vẫn đang bước dần về, gặp lại Cha Mẹ , anh Hai, anh
Bốn, chị Năm… và chính Đấng đã tạo dựng nên anh. Vì chính khi vừa được sinh ra,
là con người cũng khởi điểm đi về cõi chết! Đã
60 năm, anh lầm lũi đi như thế! Các bậc Phụ huynh đã lần lượt
ra đi, nhiều lắm là 5, 10 hay 15 năm nữa, lại đến phiên chúng ta, Hay biết đâu,
chỉ tuần sau, tháng tới? Anh cho là Cha Mẹ đã qua đời cả rồi, không còn cơ hội
cho anh chuộc lỗi nữa sao?
-Vâng! Thật đáng hối tiếc vì đã chậm lắm rồi,
nhưng vẫn là điều rất khẩn thiết! Ở cõi linh thiêng Cha Mẹ càng thiết tha hơn,
trông chờ anh thức tỉnh. “Hãy sống như sẽ chết ngày mai”! Mà anh, anh làm như có
thể sống đời!
Có những tâm
hồn cao thượng, dám từ bỏ cả mạng sống mình, để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân,
(như gương Đức Cha Cassaigne, ở làng phong Di Linh, em đang nghe thuật lại tiểu
sử của Ngài đây). Còn anh, anh thí bỏ Cha Mẹ, vợ con, anh chị em. Anh khai tử tất
cả để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Một thứ hạnh phúc phù vân, xây dựng trên
nền tảng gian dối, tất nhiên phải đến lúc sụp đổ.
Em nghĩ là
anh đã lún sâu vào sai lầm, không thể tự mình chỗi dậy được, nên cần phải gặp một
biến cố nào đó. Biến cố ấy, em cho là cơ hội này! Em định thông báo cho chị Bốn
Duyên biết tất cả sự thật. Nhưng có lẽ anh nên tự nói thì hay hơn! Nếu anh chần
chờ không dám, em sẽ nói giùm cho. Em không tranh giành, đòi lại người chồng đã
lỗi nghĩa thủy chung. Nhưng yêu cầu chị ấy, nếu là người Công giáo chân chính,
sẽ giúp anh tháo gỡ những vướng mắc của tâm hồn. Ít nữa cũng mong kịp trong giờ
sau hết! Dù sao, sự thật cần được làm cho sáng tỏ, còn mỗi người sẽ tự chọn cho
mình một hướng đi và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó trước mặt Thiên
Chúa!
Tỉnh thôi!
Về thôi anh Tâm! Hãy can đảm chỗi dậy, sửa lại những sai lầm, thiếu sót. Bao vị
Thánh xưa, như Pierre chối Chúa, như Augustin, Charle de Foucault…hoang đàng, cũng
từ một quá khứ yếu hèn, tội lỗi, biết hối hận, hoán cải, vươn lên đấy thôi!
Em hiểu là
anh đang thảng thốt, buồn lo, bối rối lắm! Nhưng như St. Paul xưa, sau biến cố
ngã ngựa, đã đến gặp Anania, xem mình phải làm gì? Phần anh, xin hãy thành tâm
cầu nguyện và bàn hỏi với những người đạo đức, và nếu có thể, với Cha Linh hướng
xem, anh phải làm gì? Nhưng nhất định, cách nào thì anh cũng phải trở về, sống đúng
với danh dự, lương tâm của một con người đi thôi! 19 năm qua rồi, còn chần chờ đến
bao giờ nữa?
Hồ sơ bảo lãnh
anh bỏ dở từ dạo đó, cậu Luận đã đề nghị sẽ thay anh, hoàn tất thủ tục cho. Nhưng
em quá sợ, quá buồn đã từ chối! Vì một người tốt lành, mẫu mực như anh ngày xưa,
đã không còn đứng vững, đã bị biến đổi hoàn toàn, thì các con trẻ dại, làm sao
giữ nổi tâm hồn cho khỏi dính vướng bùn nhơ, tội lỗi?
Còn nhớ lá thư đầu tiên gởi về, từ xứ Cờ Hoa,
anh đã dặn dò em:
“Gìn
vàng giữ ngọc cho hay,
Cho
đành lòng kẻ chân mây cuối trời”
(Nhưng bỗng chốc, vàng ngọc đã biến
thành bùn đất tự bao giờ vậy anh)?!
Trong ngày giỗ Cha, một người bà
con trêu Minh Duy: -“Ba Tâm có vợ bé, bỏ mẹ con con rồi”! Trưởng nam của anh, đỏ
mặt tía tai, giận dữ: -“Con sẽ dứt đầu con vợ bé”! Em viết thư kể lại, anh trách:
-“Gieo chi cho con trẻ nỗi hận thù! Hãy dạy cho các con những điều trong sáng,
như Ba Mẹ đã dạy cho em, rồi mai ngày, gia đình ta sẽ đoàn tụ”.
Lời anh căn dặn, em đã cố gắng giữ tròn. Phần
anh, anh dạy cho các con điều gì? -Yêu thương hay oán giận? -Kính trọng hay
khinh ghét? Các con đang chờ sự canh tân, đổi mới của tâm hồn anh đó!
Anh có thể hình dung ra không: Ngày mới chia cách,
những buổi chiều trên con đường làng quê, người vợ thân yêu 29 tuổi của anh, tay
bồng cu Việt, 3 tháng. Hai anh em Duy, Minh (4, 3 tuổi) lẽo đẽo níu áo mẹ, đi
sau. Vẫn thường lẵng nhẵng, mếu máo: “Mẹ ơi! Ba đâu? Sao ba Tâm lâu về vậy”? Đã
khắc khoải như thế gần 20 năm qua. Cho đến mãi bây giờ, các con vẫn còn bảo em:
Con không thể hiểu làm sao Ba có thể an tâm sống trong tình trạng như thế? Hoặc:-
Không biết là còn có uẩn khúc gì?
Anh Tâm! Anh
hứa sống xứng đáng là chồng của em, Ba của các con, là 19 năm tủi nhục, bẽ bàng
đã qua đó sao anh? Không, xin anh đừng giả chết, vì mọi người đều biết chắc là
anh vẫn còn sống. Sống cặm cụi làm một ông Dượng ghẻ, trong khi chính ba đứa
con ruột của mình lại không hề biết chúng đói no, sống chết ra sao! Và nhẫn nhục
làm một người chồng kế (nghe nói bên đó, phụ nữ… có giá lắm)?! Hằng năm, nhớ ngày
lo phụng tự cho người đến trước. Còn chính sự sống, chết của Đấng sinh thành, dưỡng
dục của mình, lại chẳng biết, chẳng màng! Thật đúng là:
“Mẹ già ở chốn lều tranh,
Đói no chẳng biết, rách lành chẳng
hay.
Vợ yếu con thơ héo hắt tháng ngày,
Trong tủi cực và trong niềm cay
đắng…”
Anh có thể bình tâm vui hưởng hạnh phúc riêng, trên nước mắt
tủi buồn, trên sầu thương khắc khoải của Cha Mẹ, vợ con, anh em như thế sao?
Xin anh hãy
lắng lòng, nghiền ngẫm xem: Cuộc đời anh đang sống đó, con đường anh đang đi đó,
đúng hay sao? Nếu anh đã suy nghĩ kỹ, vẫn cho đó là niềm vui, là hạnh phúc của
mình, chà đạp lên nỗi thống khổ của bao nhiêu người thân. Phá hỏng cuộc đời người
khác mà vẫn dửng dưng, không mảy may động lòng trắc ẩn, thì thôi cũng đành! Em
nào có thể làm gì hơn, ngoài vâng lời Cha Linh hướng của mình: “Con có quyền buồn vì được hân hạnh nếm mùi
đau khổ trần gian. Nhưng tuyệt đối, không được oán thù! Trái lại, con phải cùng
và tập cho các cháu sống trong tha thứ và cầu nguyện”!
Vâng! Đó là
con đường Thập Giá em vẫn đang đi. Anh cứ yên tâm vui hưởng hạnh phúc gian dối.
Chúng tôi sẽ cầu chúc thêm 10 năm tuổi thọ (nhục nhằn) cho anh. Đành coi như Cái-Chết-
Trước-Kỳ- Hạn đã đến với người chồng, người Cha thân yêu của chúng tôi rồi! Nhưng,
Louis yêu dấu! Rồi Linh hồn anh sẽ đi về đâu, với cuộc- đời- đã -sống-như- thế?
Vô cùng thương tiếc và xót đau!
Không! Chúng tôi không tuyệt vọng!
Chúng tôi vẫn liên lỉ cầu nguyện, cầu nguyện, và cầu nguyện bằng trái tim rướm
máu. Hy vọng Nước Mắt sẽ kéo Ơn Trời xuống trên anh, như tâm tình một bài Thánh
ca mùa Chay:
“Bao
năm trôi qua, hồn con lạc bước đi xa. Quên bao ơn Cha, trầm kha bể đắm bao la.
Nay con ăn năn, hồi tâm thống hối bao lỗi lầm, đền bù bất xứng bao năm, quyết
tâm trở về Cha lành.
…Hãy
trở về! Trở về với Cha nhân lành. Hãy trở về! Trở về để sớm hồi sinh. Hãy trở
về! Trở về sống trong an bình. Trở về! Trở về! Sẽ mãi sống trong ân tình”!
Mẹ
của các con anh:
Maria Hân.
*HH thất sủng
**
LỠ MỘT NHỊP CẦU
Sao anh vội bước qua cầu
Cơn mê vàng võ tình sầu em mang
Con đò xa khuất bàng hoàng
Mắt môi sầu úa ngỡ ngàng mưa bay
Hương xưa nhung nhớ đêm ngày
Hư không anh nỡ, lắt lay cõi lòng
Còn đâu yêu dấu tình hồng
Canh khuya đơn chiếc giấc nồng-không anh
Tình ơi phai nhạt tan tành
Tìm đâu cho thấy lời anh hẹn thề
Giờ đây tình đã chia lìa
Đôi lòng xa cách mưa về phương nao
Tên người gọi mãi hư hao
Đơn côi như tiếng thì thào gió khuya
Mưa bay thấm ướt lối về
Anh đi lạc bước cơn mê lỡ làng
Anh đi tình bỗng dở dang
Bước chân lỡ nhịp muộn màng tình em.
Vì đâu lỡ một nhịp cầu...
Tình em thôi thế, chôn sâu vũng buồn.
Phạm Thị Minh-Hưng
*